(HBĐT) - Đang trên đà trở thành điểm du lịch hút khách, thế nhưng về xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) những ngày này chỉ thấy một màu ảm đạm. 5 năm trước, việc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã mở ra hướng đi đầy hứa hẹn đối với bản Dao này. Còn 2 năm nay, những "người ở rừng” chỉ biết thở dài vì... Covid.


Dù không có khách nhưng ông Đặng Văn Xuân, chủ homestay Xuân Lan, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) vẫn chủ động chuẩn bị các điều kiện để có thể đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bản du lịch vắng khách

Những ngày cuối tháng 7, tiết trời đã vơi dần cái nắng gắt. Trên con đường bê tông chạy hun hút giữa rừng bồ đề với mây, núi hòa quyện huyền ảo, chúng tôi về thăm lại xóm Sưng. Xóm là nơi sinh sống của hơn 70 hộ đồng bào Dao. Nằm cách biệt với các xóm khác, Sưng được bao quanh bởi những rừng cây cổ thụ nên khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Chính vì thế, từ khi phát triển DLCĐ, xóm Sưng không mất nhiều thời gian để trở thành một điểm du lịch hút khách.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong thời gian dài xóm không có khách đến thăm quan, lưu trú. Thế nhưng, về Sưng chúng tôi cảm nhận được những thay đổi của diện mạo xóm bản. Đường trong bản đã được cứng hóa. Ấn tượng nhất là xóm đã có 3 hộ dân đầu tư cơ sở lưu trú (homestay) khang trang nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao. Tuy nhiên, đầu tư nhiều mà chưa kịp sinh lời thì Covid-19 đã khiến những hộ dân nơi đây lâm vào cảnh khó khăn.

Gia đình ông Đặng Văn Xuân là 1 trong 3 hộ cải tạo lại căn nhà, đầu tư xây sửa các công trình thiết yếu để làm homestay với tổng đầu tư hơn 300 triệu đồng. "Để có tiền đầu tư, ngoài được tạo điều kiện vay vốn 110 triệu đồng, gia đình tôi phải bán đất và trâu, bò. Trong 2 năm đầu tiên, lượng khách đến thăm quan khá ổn định nên gia đình có nguồn thu nhập để trang trải, trả nợ ngân hàng. Còn 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có khách. Từ đầu năm đến nay, gia đình mới đón được 2 đoàn khách vào dịp nghỉ lễ 30/4” - ông Xuân chia sẻ.

Đến thăm homestay Thành Chung do ông Lý Văn Thu làm chủ có thể thấy, chủ nhà đã đầu tư khá bài bản với không gian ấm cúng, sạch sẽ. Chỉ có điều, cũng đã khá lâu rồi homestay chưa được đón khách đến thăm quan, lưu trú. Được biết, để có được cơ sở lưu trú khang trang như hiện nay, gia đình ông Thu cũng đã đầu tư một khoản tiền khá lớn. Theo ông Thu, trước đây, 2 con trai ông đều đi làm xa nhưng sau đó đều về quê để tập trung đầu tư phát triển DLCĐ. Tuy nhiên, từ khi ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch bị đóng băng nên hiện một người con lại phải xa quê đi làm để có thu nhập.

Không để du lịch "chết” vì dịch Covid-19

Đó là khẳng định của các chủ homestay cũng như người dân ở xóm Sưng, dù họ đang phải trải qua quãng thời gian thực sự khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trưởng xóm Sưng Lý Văn Nghĩa cho biết: Nếu không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có lẽ đời sống của bà con đã thay đổi nhiều. Bởi, trong 2 năm đầu làm du lịch, thu nhập của người dân đã tăng gần gấp đôi, từ 16 triệu đồng (năm 2016) lên 25 triệu đồng/người (năm 2018). Ngoài các hộ làm homesaty thì tất cả người dân trong xóm đều tham gia làm dịch vụ phục vụ du khách, có người làm xe ôm, người thuộc đội văn nghệ, đội hướng dẫn viên, đội thổ cẩm. "Đây là khó khăn chung do dịch bệnh gây ra nên chúng tôi tuyên truyền các hộ phải chủ động sửa sang cơ sở vật chất, đa dạng sản phẩm du lịch để có thể đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện, trong xóm đã có hộ làm thêm dịch vụ mới như: Ngâm chân bằng thảo dược, tắm nước lá từ bài thuốc cổ truyền của người Dao” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Ghi nhận thực tế, có nhiều hộ dân xóm Sưng đã, đang sửa sang lại nhà cửa, công trình vệ sinh để có thể phục vụ du khách tốt hơn trong tương lai. "Gia đình duy trì trồng rau, chăn nuôi lợn, gà để chủ động nguồn thực phẩm, phục vụ đón khách trở lại. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng nhìn nhận lại thời gian mình phục vụ du khách để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách đến thăm quan, lưu trú tốt hơn” - ông Đặng Văn Xuân, chủ homestay Xuân Lan chia sẻ. Theo ông Xuân, mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhiều về hạ tầng thiết yếu nhưng người dân xóm Sưng mong mỏi nhất bây giờ là được xây dựng một cột thu phát sóng di động. Bởi hiện nay, hầu như ở xóm chưa có sóng điện thoại di động nên người dân gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối với du khách, cũng như quảng bá sản phẩm du lịch.

Trao đổi về những khó khăn của bản DLCĐ xóm Sưng, đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Hiện, nhiều thành viên của các tổ, nhóm phục vụ dịch vụ du lịch tại xóm Sưng phải đi làm xa để có thu nhập. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến các hộ duy trì nề nếp, dịch vụ, nhanh chóng khôi phục lại các tổ, nhóm để sẵn sàng đón du khách trong và ngoài nước khi dịch bệnh được kiểm soát.


Viết Đào


Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục