(HBĐT) - Trải qua một thời kỳ gặp khó khăn do chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, du lịch Hòa Bình đang tích cực khởi động trong những tháng cuối năm nhằm tạo đà tăng tốc phục hồi.


Khu nghỉ dưỡng Avana Retreat Mai Châu được du khách lựa chọn là điểm đến top đầu miền Bắc khi đi du lịch thời kỳ bình thường mới.

Thị trường du lịch gần như "đóng băng”

Từ cuối năm 2019 đến nay, ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng với thiệt hại ước tính hàng chục tỷ USD. Du lịch Việt Nam không đạt được mục tiêu đón khách. Hoạt động của ngành du lịch Hòa Bình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đang trên đà tăng trưởng tốt, cụ thể trong 3 năm (2017 - 2019), lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch có mức tăng trưởng bình quân trên 10%, du lịch Hòa Bình chững lại một nhịp trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Toàn tỉnh có đến trên 95% doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Lượng khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng, tổng thu từ hoạt động du lịch giảm sâu. Nhiều thời điểm các khu, điểm du lịch vắng bóng khách, kéo theo các dịch vụ như vận tải du lịch, nhà hàng, điểm vui chơi cũng tạm ngưng, cơ sở vật chất xuống cấp. Người lao động, bao gồm cả lao động trực tiếp, gián tiếp bị mất việc làm, dẫn đến thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương bị ảnh hưởng.

Tính đến năm 2020, ngành du lịch tỉnh thu hút nguồn lực đầu tư đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, số cơ sở lưu trú đạt trên 4.000 phòng, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động trực tiếp và đang từng bước đạt các tiêu chí cơ bản để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, chỉ tiêu năm 2020 đón 3,2 triệu lượt khách, trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế không đạt được. Thực tế, toàn tỉnh đón 1.980.000 lượt khách, bằng 60% kế hoạch năm. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.475 tỷ đồng, bằng 59% so với kế hoạch.

9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đón 1,2 triệu lượt khách, đạt 34,9% kế hoạch năm. Trong đó, có 42.000 lượt khách quốc tế, đạt 21% kế hoạch năm, khách nội địa 1.158.000 lượt, đạt 35,7% kế hoạch năm. Du khách quốc tế là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chủ yếu là khách chơi golf. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 1.050 tỷ đồng, đạt 36,2% kế hoạch năm.

Khởi động du lịch an toàn

Từ trung tuần tháng 9, hàng chục điểm đến an toàn trên địa bàn tỉnh đã mở cửa hoạt động và đón khách trở lại. Các khu, điểm khởi động hoạt động du lịch sớm như: Khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi - xã Sào Báy, An Lạc Eco Farm and Hot Springs - xóm Cốc, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi); KDL nghỉ dưỡng Mai Châu Lodge - thị trấn Mai Châu, Ba Khan Village Resort - xã Sơn Thủy (Mai Châu)… Một số điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại KDL hồ Hòa Bình, các homestay của người Thái, Mông (Mai Châu) cũng chuẩn bị các điều kiện phục vụ du khách trở lại. Anh Phàng A Páo, hộ làm DLCĐ ở xóm Pà Cò, xã Pà Cò (Mai Châu) chia sẻ: A Páo homestay, Y Sao homestay đã sẵn sàng chào đón du khách ghé thăm, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, bản sắc văn hóa và tận hưởng cuộc sống bình yên không Covid-19 trên bản.


Bản du lịch cộng đồng Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất đón du khách.

Mới đây, Công ty CP du lịch Hòa Bình ra thông báo mở cửa từ ngày 1/10, đón khách trải nghiệm các dịch vụ của công ty, gồm khách sạn và nhà hàng tiêu chuẩn 3 sao phục vụ lưu trú, ăn uống chuyên nghiệp; tàu du lịch cao cấp thăm quan đền Bà Chúa thác Bờ, bản Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc) và một số điểm du lịch nổi tiếng khác trên vùng hồ Hòa Bình; các tour du lịch thăm quan TP Hòa Bình; trải nghiệm homestay tại bản Ngòi, thưởng thức chương trình văn nghệ dân tộc đặc sắc, tham gia hoạt động giao lưu uống rượu cần, đốt lửa trại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Ngoài ra, công ty còn có nhiều ưu đãi hấp dẫn dành tặng du khách khi liên hệ đặt dịch vụ.

Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, tỉnh được xác định là vùng xanh, là điểm đến an toàn. UBND tỉnh đã cho phép các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, song song với việc đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc bảo vệ thành quả PCD. Việc giữ vững vùng xanh là lợi thế để Hòa Bình phát huy điểm đến an toàn, nhằm khởi động lại hoạt động du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã, đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có lực lượng lao động lĩnh vực du lịch.

Tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch

Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch, tỉnh ban hành các đề án như: Phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia; cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển DLCĐ gắn với phát triển nông thôn mới đến năm 2030… Trên địa bàn đã thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái mới, một số điểm DLCĐ. Bên cạnh đó, mở các tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc hai bờ sông Đà, thuộc KDL hồ Hòa Bình, xây dựng chương trình nghỉ dưỡng, trải nghiệm và khai thác tuyến du lịch liên tỉnh.


Khu du lịch sinh thái V'Resort Vĩnh Tiến (Kim Bôi) kết nối với du khách bằng hình thức trực tuyến để cung cấp, giới thiệu thông tin điểm đến.

Nằm trong chương trình kích cầu du lịch Hòa Bình năm 2021, tỉnh đã hoàn thiện Cẩm nang giới thiệu điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát, đánh giá, cập nhật tuyến du lịch đường thủy trên KDL hồ Hòa Bình. Phát hành 10 ca khúc đoạt giải tại cuộc thi sáng tác về KDL hồ Hòa Bình. Khảo sát vị trí đặt sơ đồ tuyến, biển bảo vệ môi trường. Tổ chức lớp bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh dịch vụ trên KDL hồ Hòa Bình. Bàn giao trang thiết bị, trang phục cho điểm DLCĐ xóm Trụ - xã Hòa Bình (TP Hòa Bình), xóm Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc). Phối hợp UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, người dân kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong PCD Covid-19 cho du khách. Trước đó, Ban chỉ đạo du lịch tỉnh đã tổ chức thành công chương trình giới thiệu, quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Hòa Bình tại Hà Nội, ban hành kế hoạch kích cầu du lịch tỉnh năm 2021, kế hoạch chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2021.

Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trước mắt, ngành du lịch xác định thị trường khách nội địa là thị trường khai thác chính. Ở giai đoạn khởi động, chủ yếu phục vụ nhu cầu khách nội tỉnh. Việc mở cửa rộng rãi cho du khách ngoại tỉnh được cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phố giáp ranh còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, tỉnh chưa đón khách đến từ những vùng có dịch Covid-19. Khách du lịch đến từ các vùng an toàn của địa phương khác là du khách đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng), có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, hoặc realtime RT-PCR trong 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu.

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch theo các nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ cho du lịch hồ Hòa Bình, hoàn thiện dự thảo các clip giới thiệu điểm DLCĐ trên KDL hồ Hòa Bình; triển khai dàn dựng, bổ sung tiết mục văn nghệ cho đội văn nghệ tại các KDL; xây dựng nhóm sản phẩm dịch vụ nông nghiệp, bán hàng OCOP thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Từng bước khởi động, phục hồi ngành kinh tế du lịch, tỉnh chú trọng đảm bảo an toàn cho các điểm đến, an toàn cho du khách và người dân tại địa phương. Đồng thời, xây dựng chương trình kích cầu du lịch nhằm truyền đi thông điệp "Hòa Bình - điểm đến an toàn”, giúp thông tin rộng rãi cho các doanh nghiệp lữ hành và du khách biết, cũng như xây dựng kế hoạch, lịch trình thăm quan trong dịp cuối năm và những tháng tiếp theo. 

 

Lợi thế điểm đến an toàn, hấp dẫn

Phạm Văn Hoàn

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu

Huyện Mai Châu là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng với thiên nhiên phóng khoáng, bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng. Trên địa bàn có nhiều khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, bản làng du lịch cộng đồng được đông đảo du khách trong nước, quốc tế chọn làm nơi dừng chân trên hành trình chinh phục, khám phá, trải nghiệm vùng Tây Bắc.

Đặc biệt, các khu, điểm du lịch tại địa phương đã và đang tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện tái phục hồi du lịch, đảm bảo các tiêu chí trong bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để đón khách nội địa. Trên địa bàn hiện có 147 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, gồm 13 khách sạn, 28 nhà nghỉ, 106 nhà nghỉ cộng đồng. Các cơ sở quan tâm đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút sự quay trở lại của du khách, phát triển du lịch an toàn, bền vững. Mặt khác, để kích cầu du lịch, các cơ sở tăng cường liên kết với doanh nghiệp du lịch, lữ hành khởi động lại tour, tuyến du lịch nội địa và chú trọng truyền thông, quảng bá.

Theo kế hoạch năm 2021, huyện đón trên 300.000 lượt khách. Bằng nỗ lực cao nhất, du lịch Mai Châu tập trung kích cầu du lịch những tháng cuối năm, tận dụng, phát huy lợi thế điểm đến an toàn để phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch, góp phần quan trọng thực hiện "mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển KT-XH.

 

Quảng bá hình ảnh các điểm đến

Nguyễn Thanh Hà

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kim Bôi

Sau một thời gian tạm dừng đón khách để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều điểm đến của huyện Kim Bôi đã mở cửa đón khách. Nắm bắt xu thế hiện nay cùng với việc phát huy lợi thế vùng đất "chén vàng”, các khu du lịch như suối khoáng Kim Bôi, Serena Resort Kim Bôi, An Lạc Eco Farm Hot and Springs đã tập trung quảng bá hình ảnh các điểm đến với ưu thế du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu bằng khoáng nóng. Bên cạnh đó, các điểm đến cũng đưa ra chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho du khách. Như Serena Resort có giá siêu ưu đãi, chỉ từ 750.000 đồng/người với kỳ nghỉ 2 ngày, 1 đêm tại phòng Executive, thư giãn với bể bơi khoáng cùng nhiều dịch vụ miễn phí khác.

Theo công văn mới nhất của tỉnh, du khách đi và đến tỉnh cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin và test nhanh Covid-19, trẻ em dưới 5 tuổi không cần test Covid-19. Các điểm đến trên địa bàn thông qua kênh phát thanh, truyền hình, mạng xã hội zalo, facebook để thông báo, cập nhật thông tin, mời gọi du khách.


Hỗ trợ người làm du lịch cộng đồng phục hồi

Bùi Thị Nhềm

Xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc)

Người làm du lịch cộng đồng xã Tiền Phong cũng như các địa phương trong tỉnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều tháng gần đây không đón khách, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, việc làm. Nguồn thu nhập khác từ nuôi trồng thủy sản cũng phải tự xoay sở tìm đầu ra. Để duy trì cuộc sống, một số hộ làm dịch vụ homestay trong xóm phải tìm các mối hàng ở Thủ đô và các tỉnh lân cận để giải quyết phần nào khó khăn trong tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Cũng vì không được duy trì và dừng hoạt động quá lâu, chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, năng lực của các tổ nhóm cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng. Do vậy, mặc dù du lịch đã được phép hoạt động trở lại, nhưng những hộ làm homestay còn nhiều trăn trở trong việc tìm phương cách tái phục hồi, ổn định nguồn sinh kế từ du lịch. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, các tổ chức, đơn vị có giải pháp hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng và tăng cường khả năng kết nối với khách hàng. Mặt khác, hỗ trợ các hộ làm dịch vụ homestay nâng cấp hạ tầng du lịch đang bị hao mòn.


 

Bùi Minh


Các tin khác


Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch giữa hai tỉnh Hòa Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 5/4, tại thành phố Hoà Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết hợp tác và phát triển du lịch. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Khám phá đảo thiên đường trên cao nguyên Mộc Châu

Được ví như đảo thiên đường của đại ngàn Tây Bắc, khu du lịch (KDL) Mộc Châu Island thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm hấp dẫn của KDL là các công trình nhân tạo đồ sộ, mô hình lưu trú độc đáo cùng nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới lạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục