Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tỉnh Cao Bằng thực hiện nhiều giải pháp để đưa các điểm du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách.



Du khách di chuyển trên bè nổi du ngoạn sông Quây Sơn, ngắm thác Bản Giốc, Cao Bằng. Ảnh: Hà Linh/Báo Tin tức
Lan Homestay là một điểm lưu trú thú vị của du khách trong hành trình khám phá non nước Cao Bằng. Xác định an toàn là tiêu chí hàng đầu trong quá trình phục hồi hoạt động du lịch, Lan Homestay đã đề ra nhiều giải pháp để đưa cơ sở vào hoạt động trong trạng thái "bình thường mới".

Bà Hoàng Thị Lan, Chủ cơ sở Lan Homesay cho biết, du khách khi đến lưu trú tại Lan Homestay đều đã tiêm hai mũi vaccxin phòng COVID-19, test nhanh SARS-CoV-2 âm tính và thực hiện 5K theo qui định của Bộ Y tế. Homestay cũng đã hoàn thiện tiêu chí đón khách ngoài tỉnh bằng việc chủ động cung cấp thông tin cho du khách khi có ý tưởng đến Cao Bằng du lịch và lưu trú tại Lan Homestay. Bên cạnh đó, cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thêm các tour, tuyến phù hợp để hấp dẫn du khách.

Các đơn vị kinh doanh du lịch tỉnh Cao Bằng cũng đang xây dựng những điểm đến an toàn để từng bước phục hồi hoạt động. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Cao Bằng cho biết, doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch, tour du lịch khép kín đến điểm du lịch động Ngườm Ngao (huyện Trùng Khánh) với nguyên tắc đảm bảo an toàn cao nhất cho du khách; xây dựng các tour du lịch nội địa kết nối các điểm du lịch tại khu vực "vùng xanh" hợp lý, tạo điều kiện cho những du khách có đủ điều kiện về phòng, chống dịch được hưởng các dịch vụ, sản phẩm tốt nhất trong điều kiện cho phép. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tiến hành đưa điểm du lịch Lối Bản Thuôn trong động Ngườm Ngao vào khai thác để tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Các khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu năm 2022 lượng khách du lịch tăng từ 10.000 đến 20.000 lượt người, doanh thu ước tăng 3 tỷ đồng so với năm 2021. Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho biết, để hoàn thành mục tiêu, đơn vị triển khai các chương trình kích cầu du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tăng thêm các dịch vụ tiện ích cũng như các tiêu chí du lịch an toàn để thu hút khách du lịch. Đồng thời, chỉnh trang cơ sở vật chất, củng cố lực lượng lao động và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh hướng dẫn và cán bộ làm việc tại các di tích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan...

Trùng Khánh là địa phương có danh thắng thác Bản Giốc nổi tiếng, thu hút khách du lịch. Hiện nay, huyện có 18 homestay, 32 cơ sở lưu trú với trên 600 phòng. Tính đến hết tháng 10/2021, lượng du khách đến Trùng Khánh ước đạt trên 150.000 lượt. Bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh cho biết, để mở cửa đón khách du lịch, huyện Trùng Khách đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó xác định tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những lợi thế để tái khởi động ngành du lịch. Huyện Trùng Khánh đề nghị người dân, du khách, các cơ sở lưu trú tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch COVID-19 bằng việc thực hiện đúng 5K theo qui định của Bộ Y tế; thực hiện rà soát, kiểm tra các du khách ngoại tỉnh đến Cao Bằng du lịch. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch để kích cầu du lịch.

Trong 10 tháng của năm 2021, tổng lượt khách đến Cao Bằng ước đạt gần 500.000 lượt, giảm 20% so với cùng kỳ; trong đó khách du lịch quốc tế giảm 88%, khách du lịch nội địa giảm 18,7 %. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 104 tỷ đồng. Để phục hồi tăng trưởng du lịch trong điều kiện "bình thường mới", tỉnh Cao Bằng đã xây dựng chương trình kích cầu du lịch với các nội dung như xuất bản các ấn phẩm quảng bá du lịch; tổ chức Hội thi sáng tạo ẩm thực "Món ngon miền Non nước", chương trình "Hành trình theo dấu chân Quân đội nhân dân Việt Nam", chuỗi các sự kiện văn hóa cách mạng gắn với Khu du lịch vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, tổ chức Lễ hội Về nguồn Pác Bó và các lễ hội xuân truyền thống năm 2022.

Ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng cũng hợp tác, liên kết, phát triển sản phẩm du lịch như khai trương điểm checkin đỉnh cao Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình; tổ chức vận hành điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc. Bên cạnh đó, ngành tiến hành khảo sát điều kiện bay dù lượn tại tỉnh Cao Bằng; khảo sát tuyến du lịch kết nối giữa Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; chuẩn hóa dịch vụ vui chơi giải trí, chèo xuồng Kayak, bè mảng trên sông...

Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đang tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiến tới tổ chức các tour "du lịch xanh". Theo đó, chỉ những địa phương, khách du lịch, cơ sở kinh doanh, lữ hành đảm bảo các "tiêu chuẩn xanh", "điều kiện xanh" mới được tham gia các hoạt động dịch vụ, lữ hành. Ngành Du lịch đang từng bước khởi động theo hướng mở cửa từng bước với các biện pháp, quy trình đón và phục vụ du khách bảo đảm an toàn trong trạng thái "bình thường mới"; xây dựng tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn, xác định điểm đến an toàn và chuẩn bị đón khách tại các địa phương "vùng xanh" gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch COVID-19...


                                    Theo Baotintuc

Các tin khác


Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

VITM Hà Nội 2024 thu hút gần 80.000 lượt khách tham quan, mua tour kích cầu dịp hè

Chiều ngày 14/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổng kết, bế mạc Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2024 với chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”. Hội chợ thu hút gần 80.000 khách đến thăm quan, mua sắm tour kích cầu dịp 30/4-1/5 và dịp hè.

Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục