Khu di tích Mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) được bảo tồn hứa hẹn phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái trong tương lai.
Theo người dân và lịch sử kể lại, Mái đá làng Vành cách dòng sông Bưởi, con sông gắn bó với biết bao nhiều đời của người dân huyện Lạc Sơn, ở địa phương gọi là đoạn sông Bến Kỵ. Địa danh núi Trắng, núi Vành đã được nhắc đến nhiều lần trong sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường, là hồn cốt tinh hoa của một phần văn hoá Mường Vang. Mái đá làng Vành được nhà khảo cổ học nước Pháp M.Colani phát hiện và khai quật năm 1929 trong đợt điều tra khảo cổ học khu vực núi đá vôi phía Nam của tỉnh Hoà Bình. Người dân ở địa phương còn gọi mái đá làng Vành là hang ốc, bởi trong làng hang đá có rất nhiều vỏ ốc. Mái đá làng Vành là một mái đá khá rộng và thoáng mát, cửa rộng 30m, sâu 18m, vòm trần cao 10m, thấp dần về phía trong. Mặt bằng mái đá cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 5m. Toàn bộ phần có vết tích tầng văn hoá được chiếu sáng tự nhiên, cửa quay về hướng Tây Nam. Trong bức ảnh M.Colani chụp năm 1929, ngay sát cửa mái đá có một cây đa cổ thụ, chắc hẳn vào thời kỳ mà người nguyên thủy cư trú nơi đây có rất nhiều cây to che chắn có khả năng xưa kia là rừng cây rậm rạp. Theo kết quả khai quật đã thống kê được 972 hiện vật, trong đó: Tầng văn hoá ở đây dầy gần 4m, mái đá được cấu tạo bởi đất sét vôi cùng với các vỏ nhuyễn thể, vỏ trai ốc núi tạo thành. Mỗi tầng văn hoá là những tàn tích sau bữa ăn của người Hoà Bình cổ. Các loại hình di vật đá thu được ở trong di chỉ Mái đá làng Vành, bên cạnh công cụ ghè đẽo như rìu hình tam giác, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, rìu có vai mài lưỡi, rìu mài toàn thân, chày, bàn nghiền, hòn kê đập, vòng đá, di vật xương, sừng, nhuyễn thể, di vật gốm. Mộ táng và di cốt người được M.Colani phát hiện ở Mái đá làng Vành 1929 có mảnh của 8 hộp sọ... Tại di chỉ Mái đá làng Vành đã thu được số lượng rất lớn công cụ mài gồm: 54 công cụ mài lưỡi, 4 đục, 5 rìu mài toàn thân, 2 bàn mài, 5 viên đá có khoét lỗ và thu được 3 vòng đá.
Kết quả nghiên cứu khai quật và xác định các bon phóng xạ C14 ở di chỉ Mái đá làng Vành được M.Colani công bố năm 1930 cho thấy, di tích Mái đá làng Vành thuộc nền Văn hoá Hoà Bình, có khung niên đại kéo dài từ 17.000 đến 8.000 năm cách ngày nay. M.Colani xếp Mái đá làng Vành vào giai đoạn trung gian của Văn hoá Hoà Bình, là loại di tích khảo cổ học thời đại đá, thuộc loại di tích cư trú và mộ táng trong mái đá thuộc vùng sơn khối đá vôi.
Hiện, di tích Mái đá Làng Vành còn giữ nguyên một phần tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều những lớp trầm tích của kỷ đệ tứ. Toàn bộ dãy núi đá Trắng và phần cực Tây nơi Mái đá làng Vành còn được giữ nguyên trạng. Đây là một di tích tiêu biểu trong số các di tích của Văn hoá Hoà Bình được phát hiện nghiên cứu ở tỉnh Hòa Bình.
Đồng chí Bùi Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Di tích khảo cổ Mái đá làng Vành là một giá trị văn hoá quý báu đối với địa phương. Để bảo vệ di tích xã đã đầu tư xây dựng các bậc lên hang đá để Nhân dân đến tìm hiểu về lịch sử. Nhiều năm nay, xã đã tổ chức tuyên truyền về di tích này cho bà con và học sinh trên địa bàn có ý thức bảo vệ giữ gìn và tự hào với di tích lịch sử cấp quốc gia, thường xuyên tổ chức các lễ hội vào đầu năm. Khu núi đá trắng Khụ Vành có rừng nguyên sinh, có nhiều loại động vật quý khiếm, có nhiều điểm còn hoang sơ chứa được những nét văn hoá, người dân địa phương cũng đã đến thắp hương, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an. Xã mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng vào khu vực Mái đá làng Vành trở thành điểm thăm quan văn hoá lịch sử cho người dân. Hiện nay, chính quyền xã có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch sử văn hoá, sinh thái khi công trình hồ Cánh Tạng đưa vào tích nước để cải thiện và nâng cao cuộc sống của bà con nơi đây.
Linh Trang