Thiên nhiên hoang sơ và vẻ đẹp ruộng bậc thang ở xóm Mừng, xã Hợp Phong (Cao Phong) khơi dậy tiềm năng du lịch sinh thái.
Xã vùng cao Thạch Yên không chỉ được biết đến với chùa Khánh, địa danh khu căn cứ cách mạng Thạch Yên - Cao Phong mà còn gây thương nhớ cho du khách bởi vẻ đẹp nên thơ mà kỳ vĩ của những chân ruộng bậc thang trải dài, trùng điệp trên khắp bản làng. Cuộc sống của bà con nơi đây mộc mạc, đơn sơ, nhiều phong tục, tập quán còn lưu giữ được. Đặc biệt, ở đây có một ngọn đồi được ví như thảo nguyên rộng lớn với diện tích khoảng 200 ha, nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Phía trên đồi có một giếng nước được nhân dân trong vùng gọi là Vó Vua (giếng Vua) gắn với tích chuyện về hai mẹ con vợ Thánh Tản Viên tên là Mệ Dạ Hoàng Pà. Trong chuyến chu du thiên hạ, hai mẹ con bà đã giả làm người nghèo khổ để thử lòng và giúp đỡ dân nghèo vùng Mường Đai (xã Thạch Yên nay).
Đồng chí Phạm Ngọc Nhất, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Ở một số địa bàn vùng cao như Thạch Yên, xóm Cạn, xóm Mừng - xã Hợp Phong có điều kiện, lợi thế về khí hậu, cảnh quan để hình thành các điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá… nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ. Hiện nay, tại xã Thạch Yên đang triển khai dự án khu du lịch sinh thái tổng hợp Happy Land. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có cả Tập đoàn Sun Group đã đến khảo sát, nghiên cứu thảo nguyên đồi Vó Vua thích hợp làm khu nghỉ dưỡng.
Từ năm 2017 đến nay, huyện đã xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào một số khu, điểm: du lịch cộng đồng xóm Mỗ - xã Bình Thanh; xóm Tiện - xã Thung Nai; xóm Rớm Khánh - xã Thạch Yên; chùa Quèn Ang - xã Hợp Phong, chùa Khánh - xã Thạch Yên; mộ cổ công chúa - xã Dũng Phong. Các dự án tiêu biểu đang khảo sát và đầu tư cho phát triển du lịch, như: đền Đông Sơn tại khu 3, thị trấn Cao Phong nằm trong quy hoạch khu trung tâm thương mại - du lịch, dịch vụ quần thể hang động núi Đầu Rồng. Đền được xây dựng bằng nguồn xã hội hoá với tổng vốn đầu tư 48 tỷ đồng, tổng diện tích gần 11.000 m2, đã đi vào hoạt động, thu hút đông khách du lịch thập phương đến thăm quan. Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xóm Mừng, xã Hợp Phong do Tập đoàn T&T Group đang trong quá trình khảo sát để thực hiện đầu tư về du lịch; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Peninsula Resort tại xã Thung Nai với diện tích quy hoạch 148,8 ha; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh; khu du lịch Parahills Hoà Bình diện tích quy hoạch 66,74 ha; dự án xây dựng khu không gian bảo tồn di sản văn hoá mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại xã Hợp Phong quy mô 36 ha… đã được tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch.
Huyện đặt mục tiêu đến năm 2022 đón trên 170.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch khoảng 170 tỷ đồng. Trong những năm tiếp theo sẽ tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng lĩnh vực du lịch, đặc biệt là dự án không gian văn hoá mo Mường Hoà Bình gắn với phát triển du lịch tại xãHợp Phong; dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các xã Bình Thanh, Thung Nai, Thạch Yên. Thực hiện gắn kết chặt chẽ với hệ thống du lịch của tỉnh như du lịch tâm linh, sinh thái, văn hoá lịch sử. Đồng thời, hình thành và hoàn chỉnh các tour, tuyến du lịch: Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà; du lịch làng cổ dân tộc (Mường, Dao) với các làng nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, thăm quan khu di tích lịch sử anh hùng Cù Chính Lan, đền Chúa Thác Bờ, du lịch sinh thái lòng hồ Hoà Bình; tuyến du lịch Hợp Phong - Dũng Phong - Thạch Yên; khu di tích lịch sử văn hoá chùa Quèn Ang, vườn hoa núi Cối xã Hợp Phong, chùa Khánh, du lịch bản Mường xã Thạch Yên. Tuyến du lịch thị trấn Cao Phong - xã Hợp Phong gồm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, hồ Cạn Thượng, làng dân tộc Mường xóm Cạn, xóm Mừng, xã Hợp Phong; thăm quan di tích quốc gia danh lam thắng cảnh quần thể hang động núi Đầu Rồng, đền Thượng Bồng Lai, đền Đông Sơn tại khu 3, thị trấn Cao Phong.
Bùi Minh