Đền chúa Thác Bờ - điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn du khách tới thăm quan, chiêm bái.
Trong huyện có Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh với đỉnh núi cao nhất Hòa Bình (1.373 m), cùng nhiều ngọn núi, hang động, thác nước đẹp tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình như: Hang Lỗ Làn, suối Ké, vịnh Hiền Lương (xã Hiền Lương); thác Tà Khớp (xã Đồng Ruộng), hang Thần, đảo Dừa (xã Vầy Nưa); suối Láo, hang Mưa, hang Sưng (xã Cao Sơn); hang Sấm (xã Toàn Sơn); đảo Sung (khu du lịch Robinson, xã Tiền Phong)… Bên cạnh đó, trên địa bàn có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia và đền Chúa Thác Bờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Những năm qua, huyện đã phát triển được 4 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đức Phong, Mó Hém, xã Tiền Phong; xóm Sưng, xã Cao Sơn, bởi những nơi này còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và lễ hội dân gian.
Với cách làm du lịch riêng biệt, lâu nay, xóm Sưng, xã Cao Sơn đã có tên trên bản đồ du lịch của tỉnh và là điểm đến yêu thích của du khách nước ngoài. Đây là xóm cổ có hơn 70 hộ người dân tộc Dao Tiền sinh sống. Du khách đến đây bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của núi Biều, hang Sưng, đồi chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Xung quanh xóm có các con đường đi bộ lên núi để du khách khám phá phong cảnh, những khe suối róc rách quanh năm. Do ở trên núi cao nên xóm giữ được không khí trong lành, mát mẻ.
Mới đây, đoàn công tác Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, do bà Anne Rabbitte, Quốc vụ khanh, Bộ Trẻ em, bình đẳng, người khuyết tật, thanh niên và Bộ Y tế Ireland làm trưởng đoàn đã đến thăm xóm Sưng. Đoàn thăm quan, tìm hiểu nét văn hóa, phong tục tập quán của người Dao, được mặc trang phục dân tộc và thưởng thức các tiết mục văn nghệ, những món ăn đặc trưng… Các thành viên trong đoàn đã bày tỏ thích thú với cảnh quan còn giữ nét hoang sơ, chưa bị phá vỡ bởi tác động của con người và ấn tượng đẹp với những người dân thân thiện, chịu thương, chịu khó, sống chan hòa cùng thiên nhiên.
Có thể nói, với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa, ẩm thực độc đáo, Đà Bắc chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch có chất lượng, hấp dẫn, thu hút khách trong nước, quốc tế. Để đánh thức và khai thác tiềm năng này, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều văn bản quan trọng, như: Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 6/2/2015 về phát triển du lịch huyện Đà Bắc giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Huyện đề ra mục tiêu tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân; đảm bảo QP-AN, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và quốc tế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển mang lại hiệu quả KT-XH, để huy động mọi nguồn lực và kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng thúc đẩy du lịch.
Những năm gần đây, huyện Đà Bắc đã thực hiện hàng hoạt giải pháp về phát triển du lịch. Trong đó, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn NSNN được ưu tiên cho các công trình trọng điểm về du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng. Huyện luôn khuyến khích, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư.
Song song với đó, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Có chính sách mời chào các công ty lữ hành, cơ quan báo chí đến khảo sát, giới thiệu, tuyên truyền các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tuyên truyền, vận động người dân, du khách nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với chủ trương phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường và tôn tạo các khu di tích lịch sử, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển du lịch.
Không chỉ giàu tiềm năng về du lịch, huyện Đà Bắc có trên 68.000 ha đất nông nghiệp; 1 khu rừng đặc dụng - Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh trên 4.000 ha; diện tích mặt hồ trên 6.000 ha. Qua khảo sát, toàn huyện có 15 vị trí phù hợp có thể đầu tư phát triển các dự án du lịch hoặc kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp. Với phương châm mến khách, trân trọng đối tác, Đà Bắc luôn mong muốn được chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu nghiên cứu đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển du lịch, nông nghiệp. Đến với Đà Bắc, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.
Hoàng Nga
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.