(HBĐT) - Đón được nhiều đoàn khách với số lượng lớn, bao gồm khách quốc tế và khách nội địa đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Các sản phẩm du lịch tiếp tục được nâng cao chất lượng và xây dựng thêm sản phẩm mới. Một số huyện trọng tâm về du lịch tâm linh (Đà Bắc, Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc) đã khôi phục, duy trì tốt hoạt động tại các khu, điểm di tích, thờ tự… Đó là những tín hiệu vui từ hoạt động du lịch của tỉnh trong những tháng đầu năm.


Du lịch cộng đồng bản Hịch 1, xã Mai Hịch (Mai Châu) thu hút khách đến trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc văn hóa Thái.

Nổi tiếng là miền đất du lịch với nhiều khu nghỉ dưỡng lý tưởng, nhiều bản làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) xinh đẹp và hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, khu du lịch (KDL) Mai Châu là lựa chọn cho chuyến du xuân của đông đảo du khách trong nước, quốc tế dịp đầu năm. Chị Lê Hoàng Thảo Nguyên, giáo viên trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: Đoàn giáo viên và học sinh nhà trường vừa có chuyến đi thật vui và ý nghĩa tại KDL Mai Châu. Trong hành trình trải nghiệm, chúng tôi đã dừng ở Cột Cờ Mai Châu để ngắm cảnh, check in; nghỉ tại nhà dân và thăm quan các bản DLCĐ. Tôi và các học sinh rất thích không gian yên bình của bản người dân tộc Thái. Cảm giác thư thái khi cô, trò cùng dạo chơi quanh bản, đạp xe ngắm đồng lúa xanh, ruộng cải hoa vàng. Người dân nơi đây tiếp đón chúng tôi bằng sự niềm nở, chu đáo.

Trong dịp đầu năm, hồ Hoà Bình là điểm du lịch sôi động. Các đoàn khách thường đi theo chương trình tour với số lượng 20 - 40 người/đoàn. Những điểm đến thu hút khách, bao gồm: các bản DLCĐ xã Tiền Phong, Hiền Lương, Cao Sơn (Đà Bắc), xã Suối Hoa (Tân Lạc), xã Bình Thanh, Thung Nai(Cao Phong) và các khu nghỉ dưỡng ven hồ thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ (Mai Châu). Trên KDL hồ Hoà Bình còn có điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đền Chúa Thác Bờ nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và danh thắng động Thác Bờ. Từ Tết Nguyên đán trở ra, đền không chỉ đón khách hành hương mà còn đón nhiều đoàn khách du lịch tới thăm quan, vãn cảnh, tận hưởng không khí trong lành.

Cùng thời điểm mùa lễ hội, nắm bắt nhu cầu thị trường khách, 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức chương trình, hoạt động văn hoá, lễ hội, thể thao phục vụ khách du lịch và Nhân dân. Tiêu biểu như: 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) tổ chức lễ hội Gầu Tào vào dịp Tết của đồng bào Mông; huyện Lạc Thuỷ tổ chức khai hội chùa Tiên từ ngày 25/1 (tức mồng 4 tháng giêng); xã Dũng Phong (Cao Phong) tổ chức Khai mùa Mường Thàng vào ngày 28/1 (mồng 6 tháng giêng); xã Chiềng Châu tổ chức lễ hội Xên Mường vào ngày 31/1 (mồng 10 tháng giêng); xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tổ chức lễ hội Mường Động vào ngày 29/1 (mồng 8 tháng giêng)… Đáng chú ý, trong 3 ngày 27 - 29 (mồng 6 - 8 tháng giêng) đã diễn ra hoạt động văn hóa - du lịch nổi bật là Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình với quy mô cấp tỉnh, hội tụ bốn Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) nhân sự kiện tỉnh đón chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình cho các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 462 cơ sở lưu trú, tăng 18 cơ sở; 9 điểm du lịch địa phương, 1 KDL cấp tỉnh đã được công nhận; 7 công ty lữ hành, chi nhánh văn phòng đại diện; 3 nhà hàng đăng ký đạt chuẩn phục vụ khách. Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để Kế hoạch phát triển du lịch năm 2023 được thực hiện theo mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, nâng cấp hệ thống điện, nước, hạ tầng thông tin liên lạc tại một số khu, điểm ở các xã vùng cao có tiềm năng du lịch; tăng cường quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm, tích cực tham gia các sự kiện trong nước và qua các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ.

Những tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh có bước khởi đầu tốt đẹp. Ước trong quý I, toàn tỉnh sẽ đón 1.450.000 lượt khách, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,4% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước 90.000 lượt, đạt 20% kế hoạch năm; khách nội địa ước 1.360.000 lượt, đạt 44,6% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30,8% kế hoạch năm. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu năm 2023 đón được 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 450.000 lượt khách quốc tế.


Bùi Minh


Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục