Đại dịch Covid-19 khiến đường hàng không quốc tế gần như bị tê liệt trong thời gian dài. Sau đại dịch, vẫn còn những quy định liên quan đến xuất nhập cảnh và hàng không gây ảnh hưởng đến ngành du lịch. Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động khai thác bay và đưa ra các giải pháp thu hút du khách qua đường hàng không.
Sân bay Liên Khương đón rất nhiều chuyến bay quốc tế từ năm 2016.
Thực trạng
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, hiện tại, sân bay Liên Khương đang khai thác năm tuyến bay nội địa (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng) và ba tuyến bay quốc tế (Bangkok-Thái Lan; Incheon, Muan-Hàn Quốc; Kuala Lumpur-Malaysia) và tổ chức thí điểm một số chuyến bay charter quốc tế phục vụ du lịch (Thái Lan, Hàn Quốc...).
Ba tháng đầu năm 2023, tổng lượng du khách đến địa phương đạt hơn 2,1 triệu lượt, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế khoảng 39 nghìn lượt, tăng 1.676%; khách qua lưu trú hơn 1,4 triệu lượt, tăng 78,7%. Lâm Đồng đặt mục tiêu năm 2023 đón hơn 6,5 triệu lượt du khách qua lưu trú, trong đó có hơn 250 nghìn lượt khách quốc tế.
Với nhiều nỗ lực từ chính quyền, hãng bay và doanh nghiệp, từ năm 2018 đến nay, Cảng hàng không Liên Khương đã thiết lập nhiều đường bay quốc tế thu hút khách đến Lâm Đồng, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...
Trong đó, Hàn Quốc là thị trường đóng góp lượng khách quốc tế đến Lâm Đồng lớn nhất, chiếm bình quân 11,8% tổng lượt khách quốc tế giai đoạn 2018-2022.
Tuy nhiên, hiện hàng loạt chuyến bay quốc tế đến Liên Khương đang tạm dừng, ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động thu hút du khách đến Đà Lạt-Lâm Đồng, như các chuyến bay thuê chuyến giữa Đà Lạt và Muan (Hàn Quốc), Đà Lạt và Incheon (Hàn Quốc); chặng bay thương mại Bangkok-Đà Lạt do Hãng hàng không Thai Vietjet Air khai thác; đường bay thương mại Đà Lạt-Kuala Lumpur (Malaysia) của Hãng hàng không Air Asia cũng đang tạm dừng, dự kiến đến đầu tháng 7/2023 mới khai thác trở lại.
Từ ngày 25/4, Vietjet Air dự kiến khai thác các chặng bay Trung Quốc-Đà Lạt, tần suất ba chuyến/tuần. Đồng thời, hãng hàng không này mở bán vé thương mại chặng bay Đà Lạt-Incheon, tần suất bốn chuyến/tuần; dự kiến tháng 6/2023 khai thác hằng ngày.
Các hãng bay khai thác khách trực tiếp đến sân bay Liên Khương cho biết, sau đại dịch Covid-19, vẫn còn có những quy định liên quan đến xuất nhập cảnh và hàng không, cho nên cần có thêm thời gian để du khách nắm bắt thông tin và lên kế hoạch đi du lịch.
Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, luôn bám sát nhu cầu, sự kiện và các bước phát triển của tỉnh Lâm Đồng để vừa đồng hành, thể hiện sự quan tâm của hãng hàng không quốc gia, vừa là cơ hội hợp tác kinh doanh để phát triển giữa địa phương và Vietnam Airlines.
Hiện, do nhu cầu mở lại đường bay quốc tế, nhất là đường bay kết nối thị trường du khách Trung Quốc và lịch bay mùa hè, Vietnam Airlines đang thực hiện bốn chặng bay kết nối Đà Lạt với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế; các đường bay Phú Quốc, Hải Phòng hãng đang đề xuất điều chỉnh trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần cùng địa phương phát triển sau đại dịch.
Gỡ khó để thu hút du khách
Các hãng hàng không trong nước, quốc tế đều khẳng định hiệu quả của đường bay đến sân bay Liên Khương trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, tình hình phát triển thị trường khách du lịch và tình hình khai thác khách quốc tế qua Cảng hàng không Liên Khương chưa được khả quan.
Theo Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt Lê Tăng Trọng Nghĩa, để các đường bay quốc tế qua Cảng hàng không Liên Khương hoạt động hiệu quả và bền vững, cần có chủ trương hợp tác ba bên (hãng bay, lữ hành và địa phương) về chính sách quảng bá, để người dân nắm được lịch trình đường bay và có đủ thời gian thẩm thấu thông tin, sắp xếp công việc và có kế hoạch cho các chuyến du lịch. "Vietravel sẵn sàng tham gia khi có thông tin đầy đủ về các đường bay, chính sách giá của các hãng bay", ông Nghĩa nói.
Theo Giám đốc Công ty Giáo dục Thiên Nhân Trần Duy Thắng, từng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong khai thác khách đi Hàn Quốc, nhưng do gặp khó khăn trong việc làm visa Hàn Quốc, cho nên một thời gian công ty không giữ được đối tác.
Sắp tới, Công ty Thiên Nhân có kế hoạch hợp tác khai thác thị trường khách Trung Quốc, nhưng nhận thấy vướng mắc cũng ở vấn đề visa. "Chúng tôi hoạt động chủ yếu tại Đà Lạt và Nha Trang, nhưng phải mở văn phòng tại Hà Nội để tiện giải quyết các thủ tục liên quan đến visa", ông Thắng thông tin.
Thực tế, sân bay Liên Khương trang thiết bị chưa đồng bộ (chưa có máy soi để phát hiện giấy tờ giả), đường truyền tại sân bay chưa ổn định, chưa có khu vực cách ly đối với khách không đủ điều kiện nhập cảnh, không có nơi lưu giữ khách trước khi phải trở về nơi xuất phát...
Cùng với đó là việc Liên Khương chưa được công nhận là cảng hàng không quốc tế, cho nên không được trang bị hệ thống giải quyết visa điện tử (evisa), đã phải từ chối khách nhập cảnh bằng visa điện tử. Phó Giám đốc Cảng hàng không Liên Khương Văn Bạch Anh Tuấn thừa nhận, do chưa được công nhận là cảng hàng không quốc tế, dẫn tới cơ sở vật chất và một số cơ chế chưa đáp ứng được nhu cầu như các đơn vị chỉ ra trong hoạt động xuất nhập cảnh, hải quan, y tế, lưu giữ khách...
Ông Tuấn đề nghị, tỉnh cần đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không xúc tiến công nhận Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, thì các vấn đề này sẽ dần được giải quyết.
Ghi nhận ý kiến của các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch, lữ hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá cao sự đóng góp của các đơn vị và mong muốn tăng cường sự hợp tác trong khai thác các đường bay, thu hút du khách đến Đà Lạt-Lâm Đồng.
Để tăng cường thu hút du khách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành, địa phương liên quan, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp, kết nối giữa các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành nhằm thu hút du khách qua đường hàng không; khắc phục các khó khăn trong khai thác bay và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn bay.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Xác định văn hóa là tài nguyên quý và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, bám sát định hướng xuyên suốt: Phải giữ được mạch nguồn văn hóa để phát triển du lịch một cách bền vững.
(HBĐT) - Với tiềm năng đa dạng và độc đáo, Ninh Bình là điểm đến du lịch nổi tiếng ở miền Bắc, chào đón hàng triệu du khách mỗi năm. Nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh gắn với vùng đất Cố đô Hoa Lư: sở hữu quần thể di sản thế giới Tràng An, khu dự trữ sinh quyển thế giới biển Kim Sơn - Cồn Nổi, khu Ramsar thế giới đầm Vân Long và nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác.
(HBĐT) - Là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh, trong bối cảnh mới, Mường Động - Kim Bôi đứng trước cơ hội rất lớn để bứt phá mạnh mẽ. Huyện được tỉnh xác định là vùng trọng điểm phát triển đô thị, du lịch dựa trên tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Đặc biệt, nơi đây có nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng” hiếm có và các nguồn lực đang hướng tới đầu tư.
(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Du lịch huyện Cao Phong tổ chức Đại hội Hội Du lịch huyện khoá I, nhiệm kỳ 2023-2028.
Du lịch Việt dù đang dần có những tín hiệu tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó cần sự chung tay, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để kinh tế xanh phục hồi bền vững.