Việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội chỉnh sửa một số chính sách về thị thực như mở rộng việc cấp thị thực điện tử, nâng thời gian lưu trú,… là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực.
Du khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học. (Ảnh: T.LINH)
Đây là nhận định của ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trong cuộc trao đổi với các phóng viên bên lề cuộc họp báo về Hội chợ Du lịch Quốc tế 2023 ngày 29/3 tại Hà Nội.
Sự cạnh tranh du lịch khắc nghiệt
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: "Sự cạnh tranh để phát triển du lịch của các nước trong khu vực rất khắc nghiệt. Thực tế cho thấy trong mấy năm gần đây, nhất là sau đại dịch mới thấy hạn chế của chúng ta so với khu vực và quốc tế”.
Báo cáo Hiệu quả hoạt động du lịch khu vực Đông Nam Á của công ty nghiên cứu thị trường về du lịch và khách sạn The Outbox Company công bố ngày 27/3 cho thấy, trong tháng 1 và tháng 2, du lịch của các quốc gia trong khu vực đang bám đuổi nhau ở tất cả các chỉ số về mức độ phục hồi, chỉ số mục tiêu, Tổng sức chứa chỗ ngồi (seat capacity). Trong đó, Thái Lan vẫn là điểm đến đón nhiều khách du lịch quốc tế nhất Đông Nam Á khi riêng tháng 1 đã đón được hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế. Philippines đạt mức phục hồi cao nhất khu vực (64,17%) và Việt Nam đứng thứ 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực trong tháng 1/2023, sau Thái Lan và Singapore.
(Nguồn ảnh: The Outbox Company cung cấp)
Trong cuộc đua phục hồi du lịch, Thái Lan đã tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực, và 30 ngày đối với những khách du lịch đủ điều kiện xin Thị thực Nhập cảnh (VOA) để kích thích mùa du lịch cao điểm.
Tại Indonesia, Chính phủ Indonesia cũng nới lỏng các quy định về thị thực, thực hiện quyết định táo bạo như cấp visa 5 năm cho khách nước ngoài lưu trú tại đây mà không phải trả thuế với điều kiện họ không kiếm tiền trong lãnh thổ Indonesia.
Trong sách Trắng năm 2023, với chủ đề "Hướng tới Kinh tế xanh và Phát triển bền vững”, Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: "Khi so sánh với các quốc gia ASEAN khác, Việt Nam hiện đang ít hơn về số quốc gia được miễn thị thực khi mới chỉ thực hiện miễn cho 25 quốc gia. Hơn nữa, thời gian miễn thị thực phổ biến nhất của Việt Nam (15 ngày) cũng ngắn hơn nhiều so với thời hạn được cấp cho khách du lịch ở các nước khác trong ASEAN (thường là 30 ngày trở lên)”.
Quyết định đột phá
Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Tại đây, Chính phủ cùng các doanh nghiệp du lịch, địa phương, đã thảo luận tình hình, đánh giá các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".
Ngày 24/3, cuộc họp của Thường trực Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) đối với 3 nội dung: (i) Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; (ii) Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; (iii) Nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Đà Nẵng chào đón đoàn khách quốc tế du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa. (Ảnh: DINH NGUYỄN)
Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, đây là một quyết định đột phá, bước tiến mới để du lịch Việt Nam đáp ứng dần với xu hướng của khu vực và quốc tế.
"Với chính sách này chúng ta kỳ vọng du khách quốc tế đến với Việt Nam được thuận lợi hơn trong vấn đề lưu trú tại Việt Nam”, ông Thủy bày tỏ.
Đây là một quyết định đột phá, bước tiến mới để du lịch Việt Nam đáp ứng dần với xu hướng của khu vực và quốc tế.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Trao đổi với phóng viên, đánh giá về quyết định này của Chính phủ, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ: Những người làm du lịch thực sự cảm kích với quyết định này của Chính phủ. "Chúng tôi rất bất ngờ khi Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho phép kéo dài thời gian lưu trú cho du khách theo dạng đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày, bởi trước đó Hiệp hội đề xuất kéo dài thời gian lên 30 ngày”.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói thêm, cùng với việc mở rộng làm thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia, việc "nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần” là rất thiết thực. Bởi hiện nay rất nhiều du khách đi du lịch theo tuyến, tới Việt Nam rồi đi sang 1 số nước khác trong khu vực rồi quay lại Việt Nam, do đó, việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử giúp tiết kiệm thời gian cho du khách, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội quay trở lại Việt Nam dễ dàng hơn so với trước đây.
Việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử giúp tiết kiệm thời gian cho du khách, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội quay trở lại Việt Nam dễ dàng hơn so với trước đây.
Khi được Quốc hội thông qua vào tháng 5, đây sẽ "là nền tảng để các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững, bình đẳng với các nước trong khu vực”, ông Phạm Văn Thủy nhận định.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch nói riêng sẽ có trách nhiệm để truyền thông, giới thiệu chính sách này đến với tất cả doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam, cũng như tất cả thị trường gửi khách và đón khách, để họ hiểu biết và nắm sâu hơn về các chính sách của chúng ta đưa ra.
Từ góc độ quản lý, Tổng cục Du lịch cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là hiệp hội Du lịch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp đưa khách đến bảo đảm yếu tố cần và đủ để du khách khám phá, trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam.