Phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Không chỉ hướng đến vùng nông thôn ngoại thành mà ở các đô thị - nơi chịu nhiều "sức ép” về dân số, môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế du lịch theo định hướng xanh lại càng cần được quan tâm.
Tiểu cảnh tái hiện nét văn hóa đặc trưng trong ẩm thực Việt tại chương trình "Ẩm thực xanh - Khách sạn Rex”, TP Hồ Chí Minh, ngày 2/11/2023. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Du lịch xanh được xem là "chìa khóa” hướng đến nền kinh tế bền vững, giảm thiểu rủi ro môi trường và suy kiệt sinh thái, đồng thời bảo tồn văn hóa bản địa, khơi dậy sự sáng tạo của cộng đồng. Vì vậy, ngay trong lòng các đô thị có thế mạnh kinh tế du lịch, dịch vụ, phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa là con đường tất yếu.
Tiềm năng đáp ứng yêu cầu
Đề cập đến du lịch xanh, các chuyên gia khẳng định, không chỉ những sản phẩm gắn với cây xanh, môi trường thuần túy mới là du lịch xanh. Du lịch xanh là các sản phẩm, hoạt động hoặc định hướng phát triển du lịch khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, văn hóa địa phương, thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, phát triển cộng đồng bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch xanh là yêu cầu cũng là cơ hội để các đô thị có thế mạnh về du lịch thích ứng và phát triển.
Tại khu vực Đông Nam Bộ nước ta, nơi có tỉ lệ đô thị hóa trên 67%, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, phát triển kinh tế du lịch theo hướng xanh chính là hướng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu từ thực tế.
TP Hồ Chí Minh với vai trò đô thị trung tâm vùng, đô thị đặc biệt, có sức thu hút và lan tỏa cho toàn vùng hội tụ nhiều thế mạnh phát triển du lịch theo định hướng xanh, bền vững.
Thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Thành phố có gần 400 tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đang được khai thác phát triển du lịch, trong đó, có các tài nguyên in đậm dấu ấn đô thị sông nước, môi trường trong lành ngay giữa lòng đô thị sôi động. Cùng với đó là nhiều di tích, nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc cùng hội tụ sinh sống. Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh đón trung bình trên 40 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, minh chứng cho sức hấp dẫn của điểm đến du lịch đô thị này.
Bà Phan Yến Ly, chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch, Giám đốc công ty tư vấn, truyền thông và sự kiện Cánh Cam cho rằng, ngay trong lòng đô thị hiện đại, TP Hồ Chí Minh luôn có điểm đến thân thiện môi trường, gần gũi thiên nhiên và các điểm đến giàu bản sắc văn hóa. Khảo sát mới đây của Sở Du lịch Thành phố cho thấy, trên 80% công ty lữ hành khi đưa khách tới Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đều quan tâm đến sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường và chú trọng văn hóa bản địa.
Đối với đô thị đông dân ngày càng hiện đại như TP Hồ Chí Minh, điều này không chỉ làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường mà còn tạo trải nghiệm du lịch tích cực, ý nghĩa cho du khách, khi họ có cơ hội tham gia vào hoạt động du lịch thân thiện môi trường, khám phá điểm đến đạt giá trị bền vững.
Cùng ở Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với thành phố du lịch biển Vũng Tàu có vị trí địa lý và vai trò đặc biệt quan trọng, cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước khu vực và thế giới.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, thành phố có bãi biển trong xanh, hệ thống cây xanh đô thị phủ 13,5% tổng diện tích, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, điểm đến tâm linh gắn với văn hóa của cư dân vùng biển, thể hiện sự đa dạng sản phẩm du lịch, thuận lợi nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo định hướng xanh, bền vững.
Xanh hóa các hành trình
Định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm với quan điểm "Xanh trên mỗi hành trình” của du lịch TP Hồ Chí Minh đang mang tới cho đô thị sôi động này nhiều sức hấp dẫn với du khách. Thời gian qua, không chỉ sản phẩm du lịch ở khu vực ngoại thành mà sản phẩm ngay tại các quận nội thành đều được khai thác, phát triển theo hướng xanh, thân thiện môi trường, gìn giữ và phát huy hóa bản địa.
Đại diện Quận 1 - quận trung tâm TP Hồ Chí Minh cho biết, đô thị sôi động nhưng vẫn gìn giữ, phát triển được những khoảng không gian xanh vô giá, di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng đất phương Nam, tạo điểm nhấn thu hút du khách trong hành trình xanh khi đến du lịch Thành phố.
Thảo cầm viên Sài Gòn đón nhiều du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Ví dụ điểm đến Thảo Cầm Viên nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé (Quận 1), rộng khoảng 17 ha được xem như một trong những "khu rừng" tại trung tâm thành phố với hàng nghìn cá thể thực vật, động vật, thu hút đông đảo người dân, du khách tới tham quan, trải nghiệm. Hay Công viên Tao Đàn nằm trên địa bàn Quận 1 hiện là một trong những công viên lớn và đẹp ở Thành phố. Công viên này rộng khoảng 10 ha với hơn 1.000 cây xanh, là điểm đến thường xuyên của người dân, du khách trong và ngoài nước.
Chia sẻ về các sản phẩm du lịch xanh tại đô thị, bà Nguyễn Ngọc Trinh, Công ty Cổ phần dịch vụ lữ hành du lịch Chim Cánh Cụt cho biết, với mảng du lịch trong nước, ngoài tour du lịch đến vùng ngoại ô, nông thôn, doanh nghiệp này đang phục vụ du khách nhiều tour nội đô Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng xanh, ưu tiên gắn hoạt động cộng đồng bảo vệ môi trường, có câu chuyện sản phẩm gắn văn hóa bản địa, tiêu thụ đặc sản địa phương.
Ví dụ tour Sử-Xanh, đưa du khách trở về với hồi ức lịch sử, tìm hiểu di tích, đồng thời tham quan dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng một thời bị ô nhiễm nặng, nay được "hồi sinh”, khoác tấm áo mới là làn nước trong, cây cối hai bên bờ xanh mát. Du khách còn được tìm hiểu cách thức đơn vị chức năng bảo vệ, phục hồi môi trường và cùng thả cá, tái tạo môi trường cho dòng kênh chảy qua nhiều quận của Thành phố.
Cùng ở Đông Nam Bộ, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) không chỉ là đô thị phát triển sản xuất công nghiệp mà còn được nhiều du khách biết đến với các điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, thể hiện định hướng phát triển xanh, bền vững. Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh thông tin, Biên Hòa là đô thị có trên 320 năm hình thành, phát triển, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, di sản gắn liền với hệ thống sông, ngòi kết nối rộng khắp địa bàn mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Ngay trong lòng thành phố có Khu du lịch sinh thái Bửu Long được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ với hệ thống cây xanh, vườn hoa, thác, hồ nước. Biên Hòa còn có các điểm đến như, Khu du lịch sinh thái Sơn Tiên, làng nghề gốm Biên Hòa, di tích lịch sử, văn hóa ghi dấu ấn hình thành, phát triển đô thị ở Đông Nam Bộ đang là sản phẩm du lịch thể hiện định hướng phát triển xanh, thân thiện môi trường, khai thác đậm nét văn hóa bản địa, tạo đà phát triển bền vững.
Bài tiếp theo: Mở rộng các giá trị
Theo TTXVN
Với triết lý độc đáo cùng những lợi thế "vô tiền khoáng hậu”, Shoshin Binh Thanh WorldHotels Spa & Resort được kỳ vọng là dự án đẳng cấp nâng tầm du lịch nghỉ dưỡng tại Hòa Bình và trở thành điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ các làng nghề trong cả nước đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, góp phần quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tổ chức các Chương trình Phiên chợ vùng cao, Hội chợ, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của tỉnh Hòa Bình năm 2024; ; Công văn số 1932/UBND-KTTH ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh;
Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản".
Thiên nhiên ưu đãi cho xã Hiền Lương (Đà Bắc) nhiều cảnh đẹp với vùng lòng hồ mênh mang, thơ mộng, làn nước trong xanh suốt bốn mùa. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển kinh tế bền vững, hình thành điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ).
Rừng tràm Gáo Giồng thuộc địa bàn xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) rộng hàng nghìn ha, có hệ sinh thái động thực vật phong phú. Việc quan tâm, giữ gìn "lá phổi xanh” và nhiều loài động vật hoang dã của rừng tràm, gắn với phát triển du lịch sinh thái, đã thu hút đông đảo du khách thời gian qua.