(HBĐT) - Theo kết quả điều tra năm 2016, toàn tỉnh có 1.757 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó, số người nghiện có mặt tại cộng đồng là 1.483 người, giảm 180 người so với năm 2015. 133/210 xã, phường, thị trấn có người nghiện, giảm 3 xã so với năm 2015.



ĐV-TN huyện Mai Châu tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện và tích cực hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Người nghiện ma túy, độ tuổi dưới 18 có 9 người (chiếm 0,6%), từ 18 đến dưới 30 tuổi có 618 người (chiếm 41,6%), trên 30 tuổi có 856 người (chiếm 57,7%); nam giới chiếm 98,2%, nữ chiếm 1,8%. Số người nghiện tập trung nhiều nhất ở thành phố Hòa Bình với 594 người, huyện Kỳ Sơn có ít nhất với 18 người.

Nỗ lực thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy


Người nghiện ma túy lựa chọn phương pháp điều trị bằng thuốc thay thế methadone giúp tăng cường cả về sức khỏe lẫn tinh thần, hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện. ảnh: Người nghiện ma túy sử dụng thuốc methadone tại Trung tâm Phòng, chống ma túy tỉnh.
 
Theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó, Chi cục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thông qua hơn 30 hội nghị lồng ghép triển khai nội dung của Đề án. Hơn 1.000 cán bộ cấp xã, xóm ở 210 xã, phường, thị trấn được tập huấn nâng cao năng lực dự phòng và điều trị nghiện ma túy. Ngành Y tế tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ xác định tình trạng nghiện ma túy cho đội ngũ cán bộ y tế các cơ sở của 11 huyện, thành phố.
 
Một điểm mới trong thực hiện Đề án là việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy. Hiện toàn tỉnh có 2 Cơ sở cai nghiện ma túy số I và số II tại thành phố Hoà Bình và huyện Lạc Sơn. Các cơ sở được chuyển đổi với 4 chức năng gồm: tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng… cho người nghiện vào cai bắt buộc, cai tự nguyện tại cơ sở; tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ; khám và điều trị bằng thuốc thay thế methadone; cung cấp các dịch vụ kết nối cộng đồng liên quan đến công tác cai nghiện ma tuý.
 
Đồng chí Hoàng Kiên Giang, Phó Chi cục Phòng – chống TNXH tỉnh cho biết: "Việc chuyển đổi các Cơ sở cai nghiện ma tuý là bước đi quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện. Vừa góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của các Cơ sở cai nghiện, vừa phát triển đa dạng hoá về hình thức, biện pháp cai nghiện gắn với các dịch vụ kết nối với cộng đồng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma tuý có thể tiếp cận, lựa chọn tham gia hình thức cai nghiện, chữa trị phù hợp”.
 
Đa dạng hình thức cai nghiện ma tuý
 
Hiện nay, người nghiện được tổ chức cai nghiện dưới 3 hình thức: cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; điều trị bằng methadone.
 
Cai nghiện tại các cơ sở là hình thức cai bắt buộc đối với người nghiện có hồ sơ quản lý. Thực hiện Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, liên ngành LĐ-TB&XH, Tư pháp, Y tế, Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp số 33 ngày 8/7/2015 về lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma tuý. Trong đó, quy định hồ sơ đề nghị rõ biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc áp dụng theo Điều 103, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tính đến ngày 31/3/2017 có 260 người nghiện được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tổ chức cai tự nguyện cho trên 300 lượt người.
 
Đồng chí Bùi Đức Minh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số I cho biết: "Hiện, cơ sở quản lý 148 học viên, trong đó có 30 học viên cai tự nguyện và 108 học viên cai bắt buộc. Điều đáng lo ngại là có đến 50% số học viên vào cơ sở từ lần thứ 2 trở lên. 6 tháng đầu năm, cơ sở tổ chức cắt cơn nghiện an toàn cho 109 học viên. Công tác y tế được đảm bảo nên chỉ sau 7 – 10 ngày, đa số học viên mới vào đều nhanh chóng phục hồi sức khoẻ, ổn định tâm lý và đủ khả năng tham gia các hoạt động giáo dục trị liệu. Công tác tư vấn, giáo dục và hoà nhập cộng đồng được quan tâm thực hiện qua việc duy trì hoạt động giao ban Daytop hàng tuần”. Hơn 700 lượt học viên được phổ biến pháp luật và giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; phổ cập giáo dục tiểu học cho 138 lượt; truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm hại ma tuý, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho 375 lượt học viên. Ngoài ra có 66 lượt học viên được tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV/AIDS; 25 lượt học viên được tư vấn tái hoà nhập cộng đồng. Các hoạt động giáo dục chiếm 60% thời gian học viên ở tại cơ sở. Công tác dạy nghề cấp chứng chỉ cho học viên được cơ sở chú trọng thực hiện thông qua liên kết với trường Cao đẳng Nghề Hoà Bình, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh. Qua đó giúp học viên có hành trang vững chắc trên con đường tái hoà nhập cộng đồng.
 
Song song với đó, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, phòng LĐ-TB&XH các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thuỷ và UBND các xã, thị trấn được lựa chọn để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Năm 2016 có 19 người nghiện được tổ chức cắt cơn tại cơ sở cai nghiện số II ở huyện Lạc Sơn, hết thời gian cắt cơn được bàn giao về địa phương tiếp tục quản lý tại nơi cư trú. Trong đó, huyện Lạc Sơn có 9 người, Tân Lạc có 8 người và Yên Thuỷ có 2 người.
 
Một hình thức điều trị được nhiều bệnh nhân lựa chọn là sử dụng thuốc thay thế methadone. Hiện, toàn tỉnh có 5 cơ sở điều trị methadone cho 636 bệnh nhân tại thành phố Hoà Bình, huyện Mai Châu, Lương Sơn, Lạc Sơn. Trong đó, ngành Y tế quản lý 3 cơ sở với 529 bệnh nhân, ngành LĐ-TB&XH quản lý 2 cơ sở với 107 bệnh nhân. Việc điều trị thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được nguyện vọng của người nghiện ma tuý và nhận được sự ủng hộ của gia đình, cộng đồng. Riêng 2 cơ sở do Sở LĐ-TB&XH quản lý, 6 tháng đầu năm đã điều trị bằng methadone cho 126 người. Qua điều trị, bệnh nhân được tăng cường cả về sức khoẻ lẫn tinh thần, hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện ma tuý.
 
Khắc phục khó khăn, đưa người nghiện tái hoà nhập cộng đồng
 
Về những khó khăn trong triển khai thực hiện, đồng chí Phó Chi cục Phòng-chống TNXH tỉnh cho biết: "Kinh phí hỗ trợ lập hồ sơ và quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai bắt buộc chưa đảm bảo. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy gặp khó khăn do người nghiện không hợp tác, không tự giác khai báo, có tình trạng chống đối, bỏ trốn khi được triệu tập. Trong điều trị methadone, người bệnh phải uống thuốc hằng ngày trong thời gian dài, yêu cầu một số công việc không cho phép người bệnh uống trong giờ hành chính gây những trở ngại nhất định. Cơ sở vật chất phục vụ cho cai tại cộng đồng chưa có. Các trạm y tế chưa đảm bảo trang thiết bị để điều trị cắt cơn. Việc giải quyết các vấn đề xã hội sau cai cho người nghiện ở địa phương còn hạn chế”.
 
Để khắc phục tình trạng đó, các ngành chức năng thực hiện Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ về "tín dụng đối với gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương”. Hiện, toàn tỉnh có 17 hộ người sau cai nghiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn với tổng số tiền 440 triệu đồng tại các huyện Lương Sơn, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Sử dụng số vốn được vay, các hộ tập trung phát triển kinh tế như chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, sản xuất đồ mộc,…
 
Do người nghiện trong độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ cao, BTV Tỉnh Đoàn tích cực chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về tác hại của ma túy. Đồng chí Hoàng Xuân Giao, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: "Tỉnh Đoàn phối hợp với Công an tỉnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03 về phối hợp tuyên truyền, phòng-chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Đồng thời xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho mỗi xã, phường, thị trấn giúp đỡ, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến, trong đó có đối tượng người nghiện ma túy. 6 tháng đầu năm, hơn 12.000 lượt ĐV-TN được tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Duy trì tốt hoạt động ở các đoàn cơ sở với nhiều mô hình như "Nhà trường an toàn không có ma túy”, CLB Đồng Đẳng, CLB sau cai ở thị trấn Lương Sơn,…”.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, số người sau cai toàn tỉnh 1.170 người, có mặt tại cộng đồng 1.046 người. Trong đó, số người chưa sử dụng lại ma túy trong 12 tháng 309 người (chiếm 29,4%), số có việc làm 282 người (chiếm 26,9%). Anh Nguyễn Tiến Hưng, Chủ nhiệm CLB sau cai thị trấn Lương Sơn chia sẻ: "Xuất phát từ tinh thần, ý tưởng cũng như mong muốn được làm lại cuộc sống bằng chính nghị lực của mình, từ bỏ hoàn toàn ma tuý, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội nên các thành viên nhiệt tình tham gia và có chuyển biến tích cực. Nhờ công việc ổn định và sự ủng hộ của cộng đồng nên 100% hội viên trong CLB không tái nghiện hay bị chính quyền địa phương nhắc nhở, góp phần tạo sự tin tưởng cho bà con, làng xóm”.


                                                             Thanh Sơn

 

Quan tâm đẩy mạnh hoạt động cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Quách Văn Triều Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh

Thực tế hiện nay, việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ rệt. Nguyên nhân do cơ sở vật chất phục vụ cho công tác cai nghiện tại cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu người nghiện. Việc quản lý, theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Để hình thức cai nghiện này thực sự là lựa chọn tối ưu cho người nghiện, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gia đình và bản thân người nghiện cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đặc biệt cần tích cực thăm hỏi, động viên, cảm hóa người nghiện phải sâu sát hơn đến từng cá nhân, gia đình với sự tham gia của chính quyền khu dân cư, người có uy tín và từ mỗi dòng họ. Đồng thời, các ngành chức năng cần phối hợp tư vấn, giáo dục, hỗ trợ vay vốn và tập trung tháo gỡ các vấn đề xã hội sau cai để người nghiện yên tâm cai nghiện tại cộng đồng.

 

Cần có sự phối hợp giữa các cơ sở cai nghiện ma túy với gia đình người nghiện

Đặng Đình Tình, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số I

Người nghiện khi vào các cơ sở cai nghiện đều có hồ sơ đầy đủ và chịu sự quản lý trực tiếp của cơ sở. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sự phối hợp giữa gia đình người nghiện với cơ sở cai nghiện còn nhiều hạn chế, chưa thực sự rõ nét. Chính điều đó đôi khi đem lại tâm lý mặc cảm, tự ti cho người nghiện.

Để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, từ bỏ hoàn toàn ma túy cần nhiều hơn nữa sự chung tay từ mỗi người thân trong gia đình an ủi, động viên, tạo niềm tin cho người bệnh. Các ngành chức năng cần thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng, xã hội tránh sự phân biệt, đối xử, kỳ thị đối với họ. Giữa cơ sở trực tiếp quản lý người nghiện và mỗi gia đình học viên nên có sự trao đổi thông tin thường xuyên để thuận tiện trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người nghiện. Ngoài ra, cơ sở cần thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa học viên với người thân, tổ chức các hoạt động tập thể, nâng cao chất lượng dạy nghề để học viên tự tin hòa nhập, thoát khỏi mặc cảm.

 

Chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy trong thanh niên

Hoàng Đức Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn

Số lượng người nghiện trong độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ cao trên tổng số người nghiện toàn tỉnh. Vì vậy, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội cần ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc chung tay đẩy lùi tệ nạn đặc biệt nghiêm trọng này.

Mỗi gia đình cần tăng cường quan tâm hơn đến việc quản lý, giáo dục con em mình tránh bị dụ dỗ hoặc sa vào tệ nạn xã hội do thói ăn chơi, đua đòi. Các tổ chức Đoàn cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng - chống tệ nạn ma túy trong thanh niên định kỳ theo tháng, theo quý thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa, nhất là trong các trường học có thể lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Bên cạnh đó, duy trì các mô hình về phòng - chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Đồng thời cần có chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng sau cai, tái hòa nhập cộng đồng.

 

 


 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục