Lực lượng chức năng diễn tập chữa cháy tại khu dân cư trên địa bàn phường Tân Hòa, TP Hòa Bình.
Nâng cao cảnh giác với "bà hỏa”
Ngày 27/2/2023, vào khoảng 11h, người dân phát hiện đám cháy ở khu rừng thuộc tổ 14, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) liền thông báo cho lực lượng chức năng. Nhận tin báo, lực lượng kiểm lâm thành phố, dân quân, bảo vệ dân phố, công an phường đã triển khai lực lượng chữa cháy, phát huy phương châm "4 tại chỗ”, làm đường băng cản lửa, chống cháy lan. Lãnh đạo UBND TP Hòa Bình và UBND phường cũng có mặt kịp thời để chỉ đạo, tổ chức công tác chữa cháy rừng. Đồng thời, ngay khi nhận tin, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 2 xe chữa cháy và 20 cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường phun nước dập lửa. Đến 16h cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.
Gia đình ông Nguyễn Viết Sơn, trú tại tổ 15, phường Đồng Tiến là hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ vụ cháy rừng, ông cho biết: Diện tích bị cháy khoảng 4 ha chủ yếu là keo 10 năm tuổi. Rất may đám cháy đã được khống chế kịp thời, không có thiệt hại về người nhưng cũng gây ra tổn thất lớn về tài sản của gia đình.
Chưa đầy 1 tháng sau vụ việc nêu trên, tại xã Tân Thành (Mai Châu) xảy ra vụ cháy khoảng 1,5 ha rừng luồng. Và cũng phải mất 2,5 giờ đồng hồ nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng chức năng, đám cháy mới được khống chế.
Theo thống kê sơ bộ, trong 10 năm (từ năm 2013 đến nay), trên địa bàn tỉnh xảy ra 161 vụ cháy làm 6 người chết, 55 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 52 tỷ đồng và 22,7ha rừng. Trong đó, chiếm trên 40% tổng số vụ do sự cố hệ thống và thiết bị điện; còn lại là do sơ suất sử dụng nguồn lửa, do đốt, sự cố kỹ thuật, sét đánh… Tuy nhiên, có một điểm trùng hợp là đa phần các vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng hầu hết rơi vào thời điểm thời tiết nắng nóng. Điển hình như vụ cháy nhà điều hành khu nghỉ dưỡng sân golf của Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng thuộc địa phận xã Lâm Sơn (Lương Sơn) gây thiệt hại về tài sản 20,7 tỷ đồng xảy ra vào tháng 9/2018. Hay vụ cháy 6,9 ha keo, bạch đàn xảy ra tại xóm Ngòi Mít, phường Trung Minh (TP Hòa Bình) xảy ra vào tháng 7/2015…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp đang hoạt động; trên 9.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại; trên 30 khu dân cư, đô thị mới; 94 chợ; 8 siêu thị - trung tâm thương mại; 7 công trình cao tầng… Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN nhận định: Tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, nhiều loại hình cơ sở sản xuất hình thành, mở rộng về quy mô, tính chất hoạt động; tập trung lớn lượng vật tư hàng hóa, vật liệu dễ cháy; việc sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí gas ngày càng phổ biến và phong phú, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt, mùa nắng nóng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn nhất trong năm. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao, đặc biệt với các thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: quạt máy, điều hòa... Nhiều thiết bị, dây dẫn điện kém chất lượng, cùng sự bất cẩn trong quá trình sử dụng có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện, phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt gây ra cháy, nổ. Do đó, việc chủ động các phương án phòng ngừa là nhiệm vụ vô cùng bức thiết.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Hòa Bình, nền nhiệt độ trên địa bàn tỉnh trong mùa nắng nóng năm 2023 sẽ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm.
Chủ động phòng ngừa
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa số vụ tai nạn, sự cố cháy, nổ, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, giai đoạn 2013 - 2023, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH, UBND tỉnh đã ban hành 42 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có 402 văn bản của UBND cấp huyện và 1.661 văn bản của UBND cấp xã chỉ đạo tổ chức triển khai các yêu cầu nhiệm vụ PCCC&CNCH.
Phát huy vai trò nòng cốt, công an trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 1.343 buổi tuyên truyền trực quan về PCCC với hơn 46.700 lượt người tham gia; tổ chức phát 165.887 tờ rơi tuyên truyền về PCCC và thoát nạn tại các khu dân cư; trực tiếp hướng dẫn các cơ sở, địa bàn dân cư treo 6.021 panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu PCCC; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng nội dung và gửi 3.968.345 tin nhắn (sms) khuyến cáo, hướng dẫn an toàn PCCC; trực tiếp đăng tải 2.804 tin, bài, clip tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC trên trang mạng xã hội; phổ biến, hướng dẫn 3.246 lượt người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Báo cháy - 114 và trên 8.000 lượt quan tâm tài khoản "Cục Cảnh sát PCCC&CNCH” trên mạng xã hội Zalo. Bên cạnh đó, có trên 1.300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã ban hành kế hoạch và tự tổ chức tuyên truyền về công tác này với trên 40.000 người tham gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm trực thuộc tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ rừng và PCCC rừng thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị, phát quà lưu niệm có in hình ảnh tuyên truyền về bảo vệ rừng, phát nội dung tuyên truyền trên loa phát thanh. Kết quả, đã tuyên truyền được gần 600.000 lượt người; phát 18.000 chiếc quạt và 11.675 cuốn sổ tay tuyên truyền; lắp hàng trăm biển báo về bảo vệ rừng và PCCC rừng tại các khu dân cư ven rừng…
Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 761 mô hình tổ dân cư tự quản và 115 tổ an ninh, trật tự, 10 mô hình "Khu dân cư an toàn PCCC”, 38 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC”, 1 mô hình "Khu nhà trọ an toàn PCCC”, 1 mô hình "Chung cư an toàn PCCC”, 1 mô hình "Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC” và 22 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng”. Các mô hình đã đi vào hoạt động ổn định, huy động được sức mạnh toàn dân, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ xảy ra nhằm xây dựng lực lượng tình nguyện tại chỗ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC& CNCH, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Bùi Vĩnh Lộc, về lâu dài, lực lượng PCCC&CNCH cần đẩy mạnh thực tập, diễn tập các tình huống chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại nhà cao tầng, dưới tầng hầm, trung tâm thương mại… khi tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh.
Hiện đang trong cao điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện ở mức cao, đồng nghĩa với nguy cơ cháy, nổ thường trực hơn. Vì thế, mỗi gia đình, người dân cần trang bị cho mình ý thức sử dụng điện, nguồn nhiệt an toàn cũng như kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi xảy ra cháy. Đó là điều kiện cần và đủ để cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC& CNCH ngăn ngừa các vụ cháy, nổ có thể xảy ra.
Sẵn sàng xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống cháy rừng Lê Minh Thủy Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng; hướng dẫn người dân, chủ rừng chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ rừng. Chủ động rà soát, tu sửa, bảo dưỡng các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm luôn trong tư thế sẵn sàng. Đặc biệt, Chi cục đã xây dựng phương án, bố trí lực lượng thường trực 24/24h trong thời kỳ cao điểm nắng nóng và trong suốt mùa khô hanh nhằm kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ”. |
Nhân rộng các mô hình phòng cháy, chữa cháy Lưu Hoài Thanh Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) Cuối tháng 1/2022, UBND phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) đã chính thức ra mắt mô hình "Khu dân cư an toàn về phòng cháy chữa cháy” (PCCC) tại khu nhà ở xã hội Dạ Hợp DH-12 thuộc tổ 5. Đây là mô hình PCCC ở khu dân cư cao tầng đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Khu nhà được xây dựng trên diện tích 2.853,8 m2, gồm 1 tòa nhà 12 tầng, 220 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Tòa nhà hiện có 205 hộ với 558 nhân khẩu cư trú. Nơi đây đã từng xảy ra vụ cháy căn hộ tại tầng 8, xuất phát từ chập điện cháy bình nóng lạnh. Trước nguy cơ cao cháy, nổ tại hộ gia đình và khu chung cư cao tầng tập trung đông người, việc ra mắt mô hình được đánh giá là thiết thực. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã cho thấy là giải pháp quan trọng, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức về công tác PCCC cũng như nắm các kỹ năng đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của chính mình và cộng đồng. Đây là mô hình đầu tiên và Ban chỉ đạo công tác PCCC phường sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các khu nhà ở cao tầng đông dân cư tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn. |
Minh Vũ