(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 


Việc triển khai mô hình điểm "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ" tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức đến giao dịch. 

Chuyển biến trong cải cách hành chính

CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định là khâu đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm cải thiện chất lượng công vụ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển KT-XH.

Theo kết quả đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia về Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công, tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC toàn tỉnh đạt 89,08%; tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính đạt 95%. Công tác CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC được đẩy mạnh. Số TTHC đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt trên 76%, có 50% TTHC về nộp phí, lệ phí áp dụng thanh toán trực tuyến, chủ trương cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC được quan tâm thực hiện.

Các cấp, ngành và toàn thể CBCCVC trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ công vụ; hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn được cải thiện tích cực. Số CBCCVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng từ 27,11% (năm 2020) lên 35,62% (năm 2022); số CBCCVC có hành vi vi phạm quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xử lý kỷ luật giảm (năm 2020 là 83 người, năm 2022 là 78 người). Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2022 của tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021 và tăng 30 bậc so với năm 2020. Qua 2 năm thực hiện bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ngành, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh đã có chuyển biến, năm 2022, tỉnh ta xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố và tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2021. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp so với kỳ vọng của tỉnh và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, công tác CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém về công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý Nhà nước; việc thể chế hóa, xây dựng cơ chế, chính sách một số lĩnh vực còn chậm, chưa đồng bộ. Kết quả CCHC ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác phân cấp, ủy quyền còn bất cập. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; còn tình trạng một số CBCCVC đùn đẩy, né tránh, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Môi trường đầu tư, chỉ số PCI cải thiện chậm; còn biểu hiện gây phiền hà nhũng nhiễu cho doanh nhiệp và người dân ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh… Phân tích các chỉ số PCI thành phần liên quan đến CB,CC đều được đánh giá chưa tích cực gồm: Chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức… Chẳng hạn trong 19 chỉ tiêu nhỏ của chỉ số gia nhập thị trường có 3 chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến CB,CC chưa tích cực. Trong 14 chỉ tiêu nhỏ, có 3 chỉ tiêu được doanh nghiệp đánh giá chưa tích cực liên quan trực tiếp đến CB,CC. Bên cạnh đó, công tác đánh giá CB,CC có nơi còn hình thức, chưa bám sát các tiêu chí đánh giá xếp loại CBCCVC; việc đánh giá xếp loại chưa tương xứng với kết quả thực hiện nhiệm vụ của CB,CC. Một số nơi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ công tác này, đánh giá CB,CC chạy theo hình thức…



Cán bộ, công chức xã Bắc Phong (Cao Phong) ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công việc.

Thực tế này đã được thảo luận, phân tích kỹ tại Hội nghị giao ban chuyên đề về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền được Tỉnh ủy tổ chức mới đây. Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của CB,CC tốt mọi việc mới tốt, quan điểm nhất quán của tỉnh là phải xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành, địa phương chủ động tham mưu, hiến kế xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính  trị của địa phương với tinh thần phát huy tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiến kế, cống hiến vì sự phát triển của tỉnh Hòa Bình. 

Theo đó, tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi CB,CC về thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ về văn hóa công vụ, đạo đức công vụ; tập trung  quán triệt triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ  Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác điều hành, quản lý thực thi công vụ. Đẩy mạnh CCHC, đổi mới phương thức, lề lối làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại CC,VC hằng năm, đổi mới phương thức đánh giá, xếp loại bảo đảm thực chất, có cơ chế để kiểm soát công tác này nhằm khắc phục tình trạng đánh giá, xếp loại mang tính hình thức đã và đang tồn tại. Lấy việc đánh giá CB,CC bằng sản phẩm cụ thể làm cơ sở thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ. Xây dựng đội ngũ CB,CC tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Đối với CBCCVC lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín. Tăng cường thanh tra công vụ và kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; xây dựng bộ máy chính quyền, đồng hành, hỗ trợ doanh  nghiệp và người dân.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ


Huyện Tân Lạc đã cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh, theo đó đã chủ động xây dựng quy chế, ban hành các nghị quyết, chỉ thị phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Giao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, CBCCVC trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. BCH, BTV Huyện ủy phải là cơ quan đi đầu gương mẫu trong thực thi công vụ, thực hiện chức trách nhiệm vụ gắn với Quy chế làm việc.

Thường trực Huyện ủy, các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, UBND phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành giờ giấc làm việc, kỷ luật phát ngôn, sâu sát cơ sở, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển KT-XH. Qua đó, một số mặt công tác về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH đạt được kết quả tích cực. Huyện phối hợp với các sở,   ngành hỗ trợ nhà đầu tư khởi công Dự án du lịch, nghỉ dưỡng vùng Ngòi Hoa; chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng trên địa bàn; quyết liệt chỉ đạo các nhiệm vụ CCHC. Hai năm gần đây, huyện đứng thứ 2/10 huyện, thành phố về chỉ số CCHC và chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức. 

Đinh Anh Tuấn
Bí thư Huyện ủy Tân Lạc

Ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn

Quý Hòa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn. Địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, trình độ nhận thức một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhân dân có thói quen sử dụng văn bản giấy, việc giao dịch thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia, trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại còn nhiều phần mềm như: phần mềm chuyên ngành, phần mềm hành chính công của tỉnh, của các huyện, thành phố; phần mềm theo dõi CCHC; hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ... hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến việc truy cập cũng như khai thác số liệu chưa đồng nhất. Chưa có nhà làm việc riêng cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả một cửa của xã.

Xã đề nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế đặc thù cho cán bộ, công chức không đáp ứng được trình độ, chuyên môn đã làm việc nhiều năm; chưa đến tuổi nghỉ hưu hoặc nghỉ theo Nghị định số 108. Xem xét tích hợp một số phần mềm có tính năng gần giống nhau để giúp cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp được thuận tiện, theo dõi được hiệu quả. Xây dựng nhà làm việc Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để đảm bảo nơi làm việc cho cán bộ, công chức. Tập huấn chuyên đề về thực thi công vụ, CCHC cho cán bộ, công chức cấp xã.

Bùi Văn Bèo
Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa (Lạc Sơn)

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức

Phòng TN&MT thành phố Hòa Bình luôn xác định việc nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và khích lệ động viên cán bộ, công chức đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Phòng đã chủ động nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Thành ủy, UBND thành phố về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức. Đại đa số cán bộ, công chức trong cơ quan đều có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; phát huy vai trò và khả năng của mình trong thực thi công vụ. Điều đó thể hiện rất rõ trong việc thực hiện CCHC, ở cách tiếp cận, xử lý và đem lại hiệu quả cao trong công việc, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc với đơn vị.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, phòng tạo điều kiện để cán bộ, công chức được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực làm việc, tạo môi trường văn hóa học tập trong cơ quan. Hầu hết cán bộ, công chức thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã vận dụng được kiến thức vào thực tiễn công tác, tham mưu hiệu quả các mảng công việc được giao.

Lê Quang Huân
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hòa Bình

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” - điểm tựa của trẻ mồ côi

(HBĐT) - Chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 với ý nghĩa nhân văn vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện được phát triển toàn diện. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người"Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục