Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại vịnh Ngòi Hoa (Tân Lạc), hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2023.
Nguồn tài nguyên giá trị
Theo Chi cục Thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 5 con sông chảy qua và có 308 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ, tạo thành các thủy vực lớn giúp cho hệ sinh thái thủy sinh tại các địa phương trong tỉnh trở nên phong phú, đa dạng. Hồ thủy điện Hòa Bình có diện tích mặt nước 8.890 ha, thuộc 4 huyện và thành phố Hòa Bình với 19 xã ven hồ. Nguồn lợi thủy sản của hồ phong phú về giống, loài, được coi là kho tàng quý báu về các loài thủy sinh vật của vùng Tây Bắc với nhiều loài thủy sản quý hiếm như: cá dầm xanh, anh vũ, lăng, chiên và nhiều loại thủy sản khác...
Với điều kiện về nguồn nước hồ chứa sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, không có chất thải và hóa chất công nghiệp nên các hồ chứa rất phù hợp, thuận lợi cho phát triển các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tạo ra các sản phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng, chất lượng cao.
Nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình, những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương về phát triển thủy sản như: Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5/7/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình... Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách, số lồng bè nuôi cá trên hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nhanh, từ 1.700 lồng (năm 2014) tăng lên 4.980 lồng (tháng 9/2023). Sản lượng thủy sản thu hoạch hàng năm đạt trên 7.000 tấn, chủ yếu là các loại cá: chiên, lăng chấm, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm...
Đặc biệt, cùng với sự phát triển, tiến bộ của khoa học công nghệ, hiện trên khu vực hồ Hòa Bình có một số doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh nuôi trồng thủy sản với quy trình hữu cơ, VietGAP. Hệ thống lồng bè, máy móc được đầu tư, áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất. Một số loại cá đặc sản được nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Nhờ đó, chất lượng thủy sản luôn đảm bảo. Một số sản phẩm từ thủy sản của tỉnh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình”. Đây là tiền đề tạo động lực cho các đơn vị, hộ nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản tuy có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ phát triển còn chậm, chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Việc đưa các giống cá có giá trị kinh tế, cá đặc sản vào nuôi trồng còn hạn chế do giá thành đầu vào con giống, thức ăn cao, trong khi người dân còn khó khăn về kinh phí đầu tư sản xuất.
Toàn tỉnh có 4 cơ sở ương dưỡng cá giống, chủ yếu là cá truyền thống, chưa cung cấp được con giống có giá trị kinh tế cho nuôi lồng bè. Việc đăng ký lồng bè cho các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ do quy định về giao, cho thuê mặt nước. Sự liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh còn hạn chế; chưa có nhà máy chế biến, bảo quản sau thu hoạch dẫn tới việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn...
Ông Xa Văn Huy, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương, xã Hiền Lương (Đà Bắc) cho biết: Nuôi cá lồng bè tại lòng hồ sông Đà, cá được thay đổi dòng nước từng phút, từng giây. Điều này giúp cá khỏe, lồng sạch, thức ăn không bị đọng lại như nuôi ao hay bể. Dòng nước lưu thông, trong xanh, giúp cá có màu đẹp, bắt mắt, cũng vì thế mà thịt cá thơm, dai, ngọt và không bị ngấy. Tuy nhiên, trên địa bàn xã không phải nông dân nào cũng đủ nguồn lực để phát triển nghề nuôi cá lồng và sản xuất theo quy trình VietGAP, bởi vậy rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách để tạo đà cho nghề này phát triển. Một vấn đề nữa mà không ít người nuôi cá còn trăn trở là điều hòa mực nước, bởi có thời điểm nước trên hồ xuống thấp khiến cá chết do thiếu oxy.
Chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà, thời gian qua, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển thủy sản theo Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5/7/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Vận động, khuyến khích thành lập trong năm được 1 HTX trở lên, tổ hợp tác trong sản xuất thủy sản phát triển theo hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển hiệu quả mô hình liên kết 5 nhà; tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả Chương trình giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản; công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý chất lượng các vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản…
Người dân xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Với tiềm năng, lợi thế rất lớn từ vùng lòng hồ sông Đà, Chi cục đã khảo sát và cho thấy trữ lượng nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ có thể đạt 16.000 tấn cá/năm. Đây là một lợi thế rất lớn, vì nguồn nước hiện nay vẫn đảm bảo để nuôi cá. Thời gian tới, thông qua quy hoạch tổng thể của tỉnh, ngành thủy sản rà soát và xây dựng quy hoạch ngành thủy sản với mục tiêu sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, gắn với thị trường. Căn cốt nhất là phát triển ngành thủy sản bền vững gắn với đánh thức tiềm năng, lợi thế vùng hồ.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như nuôi trồng thuỷ sản trên hồ chứa. Ngành thủy sản tỉnh chú trọng phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực thi pháp luật; giao quyền quản lý, khai thác tiềm năng mặt nước cho các tổ chức cộng đồng. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà. Bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái vùng hồ. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hoá giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản. Tiếp tục duy trì diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản...
Thu Hằng
Nhóm ý kiến:
Tích cực tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là việc làm mang tính cấp thiết nhưng khó khăn và phải thực hiện lâu dài. Các địa phương cần tích cực vận động, tuyên truyền người dân cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tích cực tham gia thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản một cách hợp lý, đúng quy định. Đặc biệt là nghiêm cấm việc sử dụng xung điện, hóa chất, chất độc để khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản; bảo vệ và phát triển các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm để giữ gìn sự phong phú của nguồn lợi thủy sản; đảm bảo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Vương Đắc Hùng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Mong muốn triển khai các giải pháp nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản
Hiện nay, một số khu vực lòng hồ Hòa Bình có diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do rác thải sinh hoạt của các hộ dân và du khách khi tới đây du lịch. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá vẫn diễn ra. Bởi vậy, để đảm bảo môi trường an toàn cho các loài cá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của nông dân vùng hồ, rất mong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản; có những chế tài, hình thức xử lý nghiêm khi phát hiện các hành vi sử dụng xung, kích điện để khai thác thủy sản, khai thác tận diệt, bất hợp pháp nguồn thủy sản đang được nuôi trồng trên lòng hồ.
Nguyễn Xuân Sang
Xã Thung Nai, huyện Cao Phong