Công đoàn cơ sở (CĐCS) giữ vai trò then chốt trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Trong đó, đội ngũ cán bộ công đoàn được xem là sợi dây gắn kết giữa chủ sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp công đoàn đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức và tâm huyết đưa tổ chức, hoạt động công đoàn lên tầm cao mới. Từ đó vun đắp mối quan hệ lao động, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.


Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và đại diện Công ty TNHH MTV Thành Sơn (TP Hòa Bình) nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Dấu ấn cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp

Là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các hoạt động chăm lo cho NLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà, thành phố Hoà Bình) đã thỏa thuận, thương lượng với chủ doanh nghiệp về việc nâng lương thường xuyên cho NLĐ. Đồng thời cải thiện môi trường làm việc với việc ứng dụng hiệu quả hệ thống máy móc hiện đại nhằm tiết kiệm sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công ty đã chi gần 15 tỷ đồng để thực hiện hoạt động chăm lo cho NLĐ. Các phần quà bao gồm tiền mặt, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các gia đình vào dịp Tết.

Anh Nguyễn Long, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam chia sẻ: "Chủ sử dụng lao động xác định NLĐ là "vốn quý”, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Công đoàn luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của NLĐ để trao đổi, thương lượng với doanh nghiệp. Theo đó, mức thu nhập bình quân của NLĐ tại công ty đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó mức thu nhập bình quân của khối sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã quán triệt lực lượng cán bộ công đoàn tại tổ, nhóm thường xuyên nắm bắt tình hình lao động, chủ động giải quyết những mâu thuẫn, phát sinh ngay từ cơ sở. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp tạo cơ hội cho NLĐ được làm việc trong điều kiện tốt nhất, tâm lý thoải mái nhất để đóng góp nhiệt huyết, trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.

Tại Công ty TNHH Tessellation Hòa Bình (Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn) hoạt động trong lĩnh vực may mặc với gần 4.000 công nhân lao động. Là một trong những doanh nghiệp có số lượng công nhân lao động đông nhất khu công nghiệp, Ban Chấp hành Công đoàn đã hoạt động hiệu quả nhằm tạo sự tin tưởng giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động. Theo đó, Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết để triển khai đến các tổ công đoàn. Đồng thời phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ CĐCS trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao tại đơn vị.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết NLĐ. Thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Theo rà soát trong năm 2024, có 176 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở, đạt 133% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) giao; 32 doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với NLĐ điều chỉnh giá trị bữa ăn ca theo quy định; 175 doanh nghiệp tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ tại nơi làm việc, trong đó đã có 16 doanh nghiệp ký mới thỏa ước lao động tập thể có lợi cho NLĐ, đạt 320% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao.

Còn đó những khó khăn, thách thức...

Vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ CĐCS tại các doanh nghiệp đã và đang được khẳng định góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ lao động. Mỗi cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp đã góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt là các chế độ, chính sách, tiền lương, thưởng, điều kiện làm việc và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, thời gian nghỉ ngơi… đối với NLĐ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra đối với lực lượng cán bộ CĐCS làm nhiệm vụ tại cơ sở.

Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 4.000 doanh nghiệp với trên 34.000 NLĐ, tuy nhiên đến nay chỉ có 237 doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức công đoàn, chiếm tỷ lệ xấp xỉ khoảng 6% tổng số doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Lực lượng tham gia hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp có gần 4.200 người, bao gồm thành viên Ban Chấp hành CĐCS, người được phân công nhiệm vụ đảm nhận các tổ công đoàn. Trong đó có 237 người giữ vai trò "thủ lĩnh” và tại các CĐCS thuộc doanh nghiệp.

Khảo sát thực tế cho thấy, 100% cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp đều làm kiêm nhiệm, không có cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp. 100% cán bộ công đoàn đều chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về công tác công đoàn. Chính vì vậy, một số cán bộ công đoàn còn lúng túng trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chưa nắm bắt kịp thời các chế độ, chính sách, dẫn đến việc đoàn viên, NLĐ chưa tin tưởng tuyệt đối với tổ chức công đoàn. Tại các doanh nghiệp, tình trạng thay đổi cán bộ chủ chốt của CĐCS cũng thường xuyên diễn ra do hết hạn hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng để đi tìm việc làm mới đã gây xáo trộn hoạt động công đoàn tại cơ sở. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức, có nơi việc thành lập và tổ chức hoạt động CĐCS còn mang tính hình thức, đối phó, NLĐ không thiết tha gắn bó với tổ chức công đoàn. Đặc biệt, cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp là NLĐ tại doanh nghiệp, được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng và trả lương trực tiếp, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đơn vị, do đó ít nhiều đã tác động đến tiếng nói, vai trò của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.

Theo báo cáo năm 2024, toàn tỉnh có 795 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền là 6,7 tỷ đồng. Trong đó, có 24 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với số nợ 5,3 tỷ đồng, 771 doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn với số nợ 1,4 tỷ đồng. Công tác đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động CĐCS khu vực ngoài nhà nước đạt tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ đạt 60%. Trong khi đó tại các CĐCS khu vực nhà nước đạt trên 90%.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp đã và đang được khẳng định trong việc triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Đặc biệt là nhiệm vụ đại diện bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các cấp công đoàn đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐCS. Phân loại cán bộ công đoàn để có nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Lựa chọn những cán bộ công đoàn tâm huyết, trách nhiệm và có uy tín tại doanh nghiệp. Cùng với việc chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp cần trau dồi kỹ năng mềm giúp cán bộ CĐCS tự tin, tham gia giải quyết, tham mưu, đề xuất với chủ sử dụng lao động. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, NLĐ tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức công đoàn trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Trong năm 2024, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 3.000 cán bộ công đoàn, đã thu hút 100% cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp tham gia. Trong đó tập trung vào các nội dung nghiệp vụ kế toán công đoàn, phương pháp hoạt động và vận hành CĐCS... Kịp thời biểu dương 59 cán bộ công đoàn tiêu biểu trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo” năm 2024, trong số này có 9 cán bộ thuộc khối sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh khẳng định: "Đội ngũ cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị số 55/CT-TU, ngày 31/12/2024 của Tỉnh uỷ về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Quan tâm nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ CĐCS tại các doanh nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt, có trách nhiệm, uy tín, năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng và tập hợp đoàn kết NLĐ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động công đoàn. Từ đó là nguồn động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp tận tâm cống hiến, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đồng thời góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thi đua lao động sản xuất tại doanh nghiệp.

Đức Anh


Nhóm ý kiến: 

Lựa chọn những cán bộ công đoàn tâm huyết, trách nhiệm với công việc

Cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp được xem là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Công đoàn cần sáng suốt lựa chọn những cán bộ công đoàn thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Không ngại khó, ngại khổ để góp phần thúc đẩy phong trào, hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, chủ sử dụng lao động tại các doanh nghiệp cần tạo điều kiện tối đa để đội ngũ cán bộ công đoàn được tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo luật quy định. Từ đó nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp. Đồng thời góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Đinh Quốc Huy

Phó trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra, Liên đoàn Lao động tỉnh

 


Quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp 

Công ty TNHH GGS Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà, thành phố Hoà Bình) luôn đặt nhiệm vụ chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động lên hàng đầu. Tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ này cần có đội ngũ cán bộ công đoàn nhiệt huyết, sát sao với tình hình lao động tại doanh nghiệp.

Quá trình triển khai các hoạt động công đoàn, việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ là yếu tố "then chốt” quyết định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Theo đó nên quy hoạch, lựa chọn những cán bộ công tác tại các phòng Hành chính, Tổ chức, Nhân sự…, bởi những cán bộ này được giao nhiệm vụ tham mưu, xây dựng chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Bên cạnh đó, những cán bộ làm việc tại đây cũng nắm rõ về tình hình nhân sự của doanh nghiệp. Chính vì vậy nếu được tin tưởng lựa chọn tham gia công tác công đoàn, lực lượng này sẽ có lợi thế trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động công đoàn.

Vũ Thị Sâm

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GGS Việt Nam


 

Đổi mới hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp 

Cùng với việc đại diện tiếng nói, quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn cần đổi mới phương thức hoạt động hướng về công nhân lao động, đặc biệt đối với người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đa dạng các hoạt động chăm lo, tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các chế độ, chính sách đảm bảo theo quy định pháp luật. Mỗi cán bộ cần phát huy bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn.

Bên cạnh đó là quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Duy trì triển khai các hội thi, hội diễn, chương trình giao lưu… nhằm thu hút sự tham gia của người lao động. Thông qua đó để xây dựng, bồi đắp niềm tin của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững.

Lò Anh Tuấn

Người lao động Công ty cổ phần CoAsia CM VINA


Các tin khác


Huy động nguồn lực xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thời gian qua, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời, được tỉnh Hòa Bình quan tâm thực hiện thông qua hình thức đa dạng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã chung tay, huy động nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực giúp người nghèo "an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Học tập và làm theo lời Bác Hồ đi vào thực chất

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo (HT<) Người là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với tất cả các tổ chức đảng, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phục vụ quê hương, đất nước, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực.


Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ chăm sóc người cao tuổi

Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy (CS&PH) vai trò người cao tuổi (NCT) tỉnh Hòa Bình đã được thành lập và hoạt động hiệu quả tại 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương dành cho công tác chăm lo cho NCT còn hạn hẹp thì việc phát huy nội lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó tạo thêm nguồn lực góp phần thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ, CS&PH vai trò NCT, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên

Năm 2023, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình kết nạp được 1.856 đảng viên, đạt tỷ lệ 2,65% tổng số đảng viên và xếp thứ 55 toàn quốc về công tác phát triển đảng viên (PTĐV). Năm 2024, tỉnh ta phấn đấu kết nạp được 2.100 đảng viên mới trở lên so với tổng số 70.045 đảng viên có đến thời điểm 31/12/2023 (đạt tỷ lệ 3%). 6 tháng đầu năm 2024, với rất nhiều nỗ lực và giải pháp quyết liệt, toàn tỉnh đã kết nạp được 876 đảng viên, đạt 41,71% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Một số đảng bộ thực hiện kết nạp đảng viên mới trong 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá như Lạc Thủy đạt 67%, Tân Lạc 59,5%, Công an tỉnh đạt 48,57%, Mai Châu đạt 47,65%... Tuy nhiên cũng có một số đảng bộ thực hiện đạt thấp như Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh 36,13%, huyện Kim Bôi 33,17%, huyện Cao Phong 33%, thành phố Hòa Bình 26,52%.

Xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân

Thực tiễn hiện nay cho thấy, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng đã có bước phát triển lớn mạnh, trưởng thành về chất và có những đóng góp to lớn vào quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, đủ sức làm chủ quá trình đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên có không ít thách thức đặt ra cho sự phát triển, lớn mạnh của giai cấp công nhân.

Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành

Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-TTg, ngày 3/1/2023 (Đề án 01) có mục tiêu tổng quát là: Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã. Nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục