Theo khảo sát của phóng viên, thông thường mỗi hộ có 3 GCNQSD đất đó là: GCNQSD đất ở, GCNQSD đất nông nghiệp và GCNQSD đất lâm nghiệp. Trong đợt triển khai thực hiện điểm này, dự kiến sẽ sắp xếp, điều chỉnh, đổi tên 123 thôn, xóm, tổ dân phố để thành lập mới 63 thôn, xóm, tổ dân phố. ước tính sẽ có khoảng trên dưới 1 vạn hộ dân thay đổi địa chỉ cư trú ở mục "thôn, xóm, tổ”. Như vậy, số lượng GCNQSD đất cần được điều chỉnh thông tin là không hề nhỏ.
Việc thay đổi thông tin về địa chỉ trên GCNQSD đất sẽ được thực hiện theo 2 hình thức: chỉnh lý thông tin trên trang 4 trong GCNQSD đất hoặc cấp mới (do người dân yêu cầu).
Đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sắp tới ngành TN&MT sẽ có văn bản hướng dẫn giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố, cụ thể là việc điều chỉnh thông tin trên GCNQSD đất. Chúng tôi sẽ có văn bản thông báo và hướng dẫn về thời gian, địa điểm, hồ sơ để người dân làm thủ tục, hồ sơ điều chỉnh thông tin trong GCNQSD đất. Đồng thời Sở sẽ có văn bản chỉ đạo các chi nhánh Văn phòng đăng ký QSD đất huyện, thành phố tập trung thời gian, nhân lực để thực hiện việc điều chỉnh thông tin trong GCNQSD đất cho nhân dân. Lưu ý là ngay sau khi có quyết định về việc sáp nhập, có thông báo hướng dẫn của ngành TN&MT, các hộ gia đình cần khẩn trương làm thủ tục để điều chỉnh thông tin trong GCNQSD đất theo quy định. Theo quy định, lệ phí của việc điều chỉnh thông tin trong GCNQSD đất của các huyện là 20.000 đồng/lần, thành phố là 28.000 đồng/lần. Sở sẽ báo cáo đề xuất UBND tỉnh miễn lệ phí cho những trường hợp điều hành do sáp nhập, kiện toàn xóm.
Đối với những trường hợp người dân đang thế chấp GCNQSD đất tại các ngân hàng thì ngành TN&MT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ngân hàng để tổ chức việc chỉnh sửa thông tin trên GCNQSD đất cho những trường hợp thay đổi thông tin do sáp nhập, kiện toàn xóm.
Ngoài việc thay đổi các thông tin trên GCNQSD đất, việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố sẽ dẫn đến thừa, dôi dư nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Đã có một số ý kiến đề xuất bán đấu giá những nhà văn hóa thừa, dôi dư, quy mô không hợp lý để lấy kinh phí mua đất, xây dựng mở rộng nhà văn hóa của xóm mới. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hầu hết nhà văn hóa của các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay đều không có GCNQSD đất. Việc bán đấu giá đất nhà văn hóa phải do Nhà nước đứng ra thực hiện, kinh phí thu được sau khi bán đấu giá sẽ được sử dụng vào việc đầu tư cho địa phương để xây dựng các công trình công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng. Cá nhân, đơn vị nào sau khi mua nhà văn hóa của các khu dân cư sẽ được hướng dẫn, tạo điều kiện để cấp GCNQSD đất theo đúng quy định.
Dương Liễu