Bà Ngô Thị Na ở xóm Dệ 2, xã Bắc Phong (Cao Phong) sử dụng các biện pháp kỹ thuật chữa bệnh vàng lá cho cây cam.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bệnh vàng lá trên cây cam ở huyện Cao Phong có 2 dạng: một là lá vàng (cả gân và phiến lá), hai là lá vàng gân xanh. Đối với bệnh lá vàng thì do tác nhân bên ngoài như điều kiện chăm sóc, thời tiết… Còn đối với bệnh vàng lá gân xanh quan sát kỹ cây cam bị bệnh sẽ thấy: Trên lá bị bệnh phiến lá hẹp, lá nhỏ hơn, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng, gân chính ở giữa lá và các đường gân phụ có màu xanh, nên có tên gọi là bệnh vàng lá gân xanh (bệnh Greening) trên cây cam, quýt. Những cây cam bị bệnh Greening vào giai đoạn nặng, đào gốc lên sẽ thấy rễ cây bị thối, đa phần rễ tơ bị mất dần, chỉ còn lại các rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối. Bệnh vàng lá gân xanh Greening do chủng vi rút Candidatus loài Liberibacter asiaticus (Las) châu Á gây ra. Loại vi rút này tấn công vào mạch dẫn của cây, lây lan do rầy chổng cánh truyền vi rút từ cây bị bệnh sang cây chưa bị bệnh và lây lan qua mắt ghép. Loại bệnh này cho đến nay chưa có thuốc đặc trị phòng trừ hiệu quả.
Anh Nguyễn Hoàng Khanh ở khu 4, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Nhà tôi có 1,5 ha cam Canh và cam lòng vàng. Từ đầu năm, thấy có hiện tượng vàng lá với khoảng 30 - 40% lượng cây, tôi nhờ cán bộ kỹ thuật đến tư vấn, chăm sóc và bón nhiều phân hữu cơ. May sao phần lớn cây vàng lá do thời tiết không phải vi rút, đến nay, cây đã xanh trở lại. Do ảnh hưởng của bệnh, năng suất cam năm nay sẽ ảnh hưởng ít nhiều.
Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Qua khảo sát, từ đầu năm đến nay, diện tích cam trên địa bàn bị vàng lá gia tăng. Ngoài nguyên nhân do vi rút thì phần lớn do thời tiết không thuận lợi, nắng, mưa thất thường ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây cam. Chúng tôi đã gửi văn bản về các xã, thị trấn tuyên truyền cho bà con sử dụng các biện pháp phù hợp, phòng, chữa bệnh cho cây đảm bảo năng suất. Theo đó, chủ động phát hiện và phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các loại nấm đối kháng, bổ sung các chất vi lượng, chất điều hòa sinh trưởng giúp bộ rễ nhanh phục hồi. Kiểm tra độ PH của đất, nếu thấy độ PH dưới 5,5 xử lý bằng cách bón bổ sung vôi bột để tăng độ PH. Sử dụng chế phẩm vừa cải tạo đất vừa kích rễ như: rhizomyx, novaking, nano-siêu ra rễ, toba net... để tăng nguồn nấm cộng sinh rễ cây trồng, kích rễ mới, kích thích bộ rễ phát triển, cải tạo đất, khử chua, sau 5-7 ngày tiếp theo tưới quanh gốc cây bệnh chế phẩm trichoderma, ketomium... để cung cấp nấm đối kháng và tăng cường hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong đất. Sử dụng phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây nhanh hồi phục. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp.
V.L