(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (Công ty T&T 159) là doanh nghiệp đã mạnh dạn, tiên phong trong ứng dụng chuyển giao các quy trình sản xuất hiện đại nhằm kiểm soát chất lượng, tiến tới truy xuất nguồn gốc, minh bạch các thông tin tới người tiêu dùng.


Trại nuôi trâu, bò, bê lấy thịt của Công ty CP giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình) hiện đang duy trì nuôi 2.000 con, phát triển tốt.

Với tổng mức đầu tư gần 280 tỷ đồng, năm 2018, Công ty T&T 159 triển khai đầu tư khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao tại xã Yên Mông (TP Hòa Bình). Dự án gồm: Khu liên hợp sản xuất thức ăn gia súc từ phụ phẩm nông nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh, công suất 200-210 tấn/ngày, công nghệ phối trộn (TMR) đã hoàn thành, đi vào hoạt động; trang trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt với quy mô 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò, trâu nuôi vỗ béo. Hiện tại đang nuôi 1.200 con trâu, bò sinh sản, 2.000 con trâu, bò, bê lấy thịt; nhà máy sản xuất đệm lót sinh học từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp, công suất 100 tấn/ngày và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi, công suất 25.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động ổn định.

Sản xuất, sử dụng đệm lót sinh học là bước đột phá trong chăn nuôi đại gia súc mà Công ty T&T 159 triển khai thực hiện thành công. Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Văn Thắng chia sẻ: Những lợi ích của đệm lót sinh học nói riêng, chế phẩm sinh học nói chung trong ngành chăn nuôi giải quyết những vấn đề nan giải như: gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật, chi phí vệ sinh chuồng trại, chi phí xử lý chất thải… Phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học là phương pháp đưa các vi sinh vật vào trong đệm lót để thực hiện quá trình lên men tiêu hủy hoàn toàn mùi hôi. Trong đó, nguyên liệu để làm đệm lót sinh học công ty đang thực hiện là phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, cây ngô và chế phẩm men…). Việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ đem lại hiệu quả cao khi đảm bảo được môi trường, giảm chi phí mà còn có tác động xã hội tích cực. Nếu theo phương pháp chăn nuôi truyền thống, người chăn nuôi sẽ phải thu gom chất thải, rửa chuồng hàng ngày, sử dụng hầm biogas... mất nhiều thời gian, nhân công, việc xử lý môi trường cũng không triệt để. Sử dụng đệm lót sinh học, tự các vi sinh được cấy trong đệm lót sẽ phân giải mạnh, đồng hoá tốt các thành phần có trong chất thải động vật để chuyển hoá thành các chất vô hại, kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật có hại có trong nền chuồng nuôi. Chúng tôi không phải lo thu gom chất thải, rửa chuồng, xử lý môi trường thì đương nhiên sẽ giảm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, cũng không phải quá lo lắng cho việc mua thuốc phòng, chữa trị bệnh cho vật nuôi.

Không chỉ tiên phong trong sản xuất và sử dụng đệm lót sinh học, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải chăn nuôi công suất 25.000 tấn/năm của Công ty T&T 159 là bước đi mạnh dạn về ứng dụng công nghệ trong quá trình SX-KD. Ông Đinh Văn Bảo, cán bộ Công ty T&T 159 cho biết: Việc xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ với phương pháp phủ kín hoàn toàn bằng nilon. Nhờ quá trình lên men tự nhiên và nhiệt độ tự sinh của phân ủ sẽ tiêu diệt được phần lớn các mầm bệnh nguy hiểm, tạo nên phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Trong phân ủ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thụ khoáng của cây trồng, đồng thời có tác dụng tốt đến hệ vi sinh vật có ích trong đất. Phân ủ còn có tác dụng tốt đối với tính chất lý, hoá học và sinh học của đất, không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái. Hơn nữa, do nhu cầu cao của xã hội đối với rau an toàn, rau hữu cơ nên các sản phẩm phân bón hữu cơ và phân vi sinh có nguyên liệu chủ yếu từ chất thải rắn trong chăn nuôi đã qua xử lý ngày càng được nhiều người mua về sử dụng. 

Để đáp ứng yêu cầu SX-KD, những năm qua, Công ty T&T 159 chủ động đầu tư máy móc, thiết bị, thực hiện liên kết với gần 6.000 hộ dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận để đảm bảo cung cấp phế phụ phẩm nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật để các hộ tiến tới chăn nuôi trâu, bò tại nhà. Hiện tại, công ty giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương, với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Đức Phượng

Các tin khác


Chiều tối nay, Bắc Bộ có mưa dông, vùng núi mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m nên trong chiều tối và đêm nay, mưa dông có khả năng mở rộng ra Bắc Bộ, riêng vùng núi phía bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Phòng trừ dịch bệnh vàng lá trên cây cam

(HBĐT) - Chúng tôi tìm đến vườn cam của hộ anh Nguyễn Xuân Trường ở xã Thu Phong (Cao Phong) - nông dân có thâm niên trồng cam trên địa bàn. Anh Trường cho biết: Nhà tôi có hơn 200 gốc cam năm thứ 6. Từ đầu năm, tôi thấy có hiện tượng vàng lá, rồi thời tiết thất thường. Biết là cây có nguy cơ bị bệnh nên tôi đã sử dụng nhiều thuốc để chữa. Với cam Canh, cam V2, cam Malaixia cơ bản chữa được. Riêng giống cam lòng vàng rất khó chữa do nhiễm vi rút. Đến nay, hơn 40 gốc cam lòng vàng đã bị hỏng do bệnh vàng lá gân xanh. Vụ cam năm ngoái, hơn 40 cây này cho năng suất khoảng hơn 1 tấn. Năm nay chắc chỉ được vài tạ. Mặt khác, quả còn bị "lệch tim” nên đến vụ rất khó bán. Anh Trường cho biết thêm: Hiện nay, không chỉ nhà tôi mà hầu hết các hộ trồng cam đều bị bệnh vàng lá, thối rễ. Tùy từng điều kiện chăm sóc, chọn giống… mà tỷ lệ cây bị bệnh khác nhau. Có hộ cây bị bệnh chiếm đến 70% số lượng cây.

Nhiều khó khăn xung quanh cung đường 438B dang dở

(HBĐT) - Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438B đi qua 4 xã: Khoan Dụ, Liên Hòa, An Lạc, An Bình (Lạc Thủy) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2923/QĐ-UBND ngày 31/12/2015, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh từ năm 2016. Công trình được thi công từ tháng 11/2016 với thời gian thực hiện hợp đồng 42 tháng. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2017, giá trị hoàn thành mới đạt 11,5/167,4 tỷ đồng, đạt 6,9%. Hai năm trở lại đây, dự án tạm thi công để lại sự ngổn ngang trên toàn tuyến trải dài 24,2 km, gây nhiều khó khăn, bức xúc cho người dân trong sinh hoạt và đi lại hàng ngày.

Xã Vầy Nưa phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”

(HBĐT) - Vầy Nưa là xã vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc, nhân dân chủ yếu sinh sống dọc theo bờ sông Đà. Địa hình các xóm phần lớn là đồi, núi đá, độ dốc cao nên khi có mưa bão thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở, đá lăn. Vào mùa khô thường có nắng hạn kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, hàng năm, UBND xã chỉ đạo các thôn, xóm chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Miền bắc nắng nóng gay gắt hết ngày mai

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 38 độ C. Đợt nắng nóng này khả năng kéo dài đến ngày mai ở Bắc Bộ; ở Trung Bộ nắng nóng còn kéo dài nhiều ngày tới.

Diễn tập tổ chức ứng phó với thiên tai, thảm họa tại xã Yên Bồng

(HBĐT) - Ngày 13/8, Hội CTĐ tỉnh phối hợp tổ chức diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa tại xã Yên Bồng (Lạc Thủy). Đây là hoạt động nằm trong dự án "Nâng cao năng lực của các cấp Hội CTĐ trong quản lý rủi ro thiên tai, sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp” tại 3 xã Yên Bồng, Khoan Dụ, Đồng Tâm do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục