Hàng chục hộ dân nghèo của thôn Trại Mới, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đang hằng ngày, hằng giờ phải sống trong sự lo lắng và sợ hãi trước những hiểm họa rình rập chực chờ cướp đi tính mạng, tài sản… khi núi đất thải từ mỏ than Bố Hạ luôn nhăm nhe "nuốt chửng” ngôi làng bé nhỏ mà họ đã gắn bó bao nhiêu năm qua.

Khốn đốn vì … than!

Biển cảnh báo nổ mìn tại mỏ than.

Mỏ than Bố Hạ rộng chục ha nằm giữa hai xã Đồng Hưu và Dương Hưu của huyện Yên Thế. Hai năm gần đây, khi mỏ than đi vào hoạt động, gần như cảnh quan môi trường nơi đây dần bị tàn phá nghiêm trọng. Những vạt rừng bạch đàn xanh mướt nay chỉ còn là vùng đất lỗ chỗ xám xịt màu than cám, những khoảnh đồi giờ nham nhở vết gầu xúc, vết xe goòng… Cô bạn của tôi xa quê lâu ngày trở lại, đứng sững trước vùng đồi tuổi thơ mà mắt đỏ hoe, thảng thốt: "Anh ơi, tan hoang hết cả…! Tuổi thơ của em là tím lịm những đồi sim chang chang nắng gió, là vạt rừng xanh mướt thì giờ chỉ còn một màu xám đen. Đành rằng, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng than đang vùi lấp những phận người neo khó bao năm bền bỉ đời mình với đất quê hương. Về quê mà như ra tiền tuyến bởi bụi đen bám nhọ mặt người, chả còn nhận ra ai. Bát cơm sum họp mà rưng rưng nước mắt bởi lấm láp bụi than…”



Quang cảnh trên đỉnh núi đất thải tại mỏ than Bố Hạ.

Lời chia sẻ của người bạn cứ văng vẳng bên tai tôi trên con đường dẫn vào thôn Trại Mới. Hóa ra, lời nói nói đó chỉ lột tả được phần nào sự khắc nghiệt của bà con nơi đây. Con đường vào Trại Mới nhỏ hẹp như sợi dây thừng uốn theo chân núi đất thải của mỏ, thi thoảng lại có bụi đất, đá nhỏ lăn từ trên cao xuống khiến những chú chim đang kiếm mồi giật mình bay lên. Vào đến nhà của bà Hoàng Thị Xuân, quần áo, mặt mày chúng tôi cũng đã được "phủ xi-măng” xám. Nhà bà Xuân là hộ đang phải chịu nhiều hệ lụy nhất từ đất thải. Ngôi nhà mái ngói bị xô lệch bởi trải qua hàng trăm cơn rung chấn nổ mìn phá đá mở mỏ.

Bà Xuân chỉ về phía những ngôi nhà hàng xóm đang xiêu vẹo đến xót xa, bảo: "Nhà chúng tôi sắp sập đến nơi rồi các bác ạ. Lúc cao điểm, công ty họ cho nổ mìn hai lần mỗi ngày, vào lúc bảy giờ sáng và năm giờ chiều. Hầu hết những ngôi nhà cấp bốn trong thôn đều xuống cấp nghiêm trọng vì rạn nứt tường và sụt lún móng nhà. Có hôm cả nhà tôi đang làm vườn thì nghe ầm một cái, chưa kịp định thần thì đã thấy đất đá rào rào lao xuống vườn. Có những viên to bằng cái gáo múc nước, may mà không trúng vào người. Chúng tôi cũng gửi đơn kêu cứu nhiều lần, cán bộ xã cũng xuống ghi nhận ý kiến rồi … để đấy. Việc nổ mìn vẫn không thay đổi”.

Đại diện một hộ dân khác trong thôn là ông Nguyễn Văn Trọng bức xúc phản ánh, ông cùng gia đình về đây sinh sống đã 70 năm. Núi rừng Yên Thế ngày xưa đẹp và bình yên là thế, con suối Đèo Vàng rộng và trong vắt, đầy tôm cá … giờ ngổn ngang sau những đợt nổ mìn, trẻ con nhún chân là nhảy qua khe suối đục ngàu, đất đai chỗ lõm chỗ lồi vì tải trọng của xe hạng nặng, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.


Con suối Đèo Vàng giờ chỉ còn là khe nhỏ dưới chân núi đất thải.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết, cánh đồng Đèo Vàng kể từ khi mỏ đi vào hoạt động đã không còn canh tác được nữa, do các loại cây lương thực, thực phẩm không cho thu hoạch vì môi trường ô nhiễm. Mùa khô, suối cạn không đủ nước tưới, còn mùa mưa thì đất trũng đọng nước lũ về, gây ngập úng trên diện rộng… "Dân chúng tôi giờ khổ quá rồi. Kêu trời, trời lúc hạn lúc lũ. Kêu đất, đất ngày một lầy lội, thùng vũng. Còn kêu người thì… càng kêu càng nản!”, ông Trọng buột thốt.

Quanh một vòng thôn Trại Mới, chúng tôi đều chứng kiến bầu không khí u ám như quánh đặc bụi đất thải có chứa kim loại nặng. Núi đất không chân mà lừ lừ ngày này qua tháng khác cứ tiến sâu vào giành đất ở của người, gặm đi từng mảng xanh lơ thơ còn sót lại của những mảnh vườn tạp tiêu điều. Nhìn khối núi đất đổ thải nhân tạo cao hơn núi thật không được chắn vén, xây vỉa ngăn đạt yêu cầu chuẩn, nhìn đám mây vần vũ gọi cơn mưa nặng hạt về từ phía tây, chúng tôi bất giác rùng mình khi nghĩ đến thảm cảnh lũ từ đầu nguồn suối Đèo Vàng đổ về, ăn mòn chân núi đất và kéo ụp cả khối đất đá khổng lồ xuống cái thôn bé nhỏ này.

Con người sống lo việc sinh nhai chưa xong, ngay cả việc tâm linh cũng đau đáu trong lòng mà không biết kêu ai. Số là, trên phạm vi khu vực hoạt động của mỏ Bố Hạ có Đền thờ cô Chín hay còn gọi là Đền Thượng, là một di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Tương truyền, đây là một ngôi đền rất linh thiêng nên hằng năm người dân từ nhiều nơi về đây dâng hương tưởng nhớ công đức của tiền nhân và cầu phúc lộc cho bách gia trăm họ. Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với núi đất thải ngày một đắp cao thì lượng khách về chiêm bái ngày một thưa. Lý do là bởi đường vào thắng cảnh đã không còn đẹp như xưa, không khí thì ô nhiễm nặng nề. Và theo duy tâm thì núi đất án ngữ đã phá phong thủy của đền, làm mất đi sự linh thiêng mà hình sông thế núi ban tặng.

Trao đổi với cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, chúng tôi được biết, mỏ than Bố Hạ được cấp phép khai thác trên diện tích 70 ha, ngoài ra có hơn 30 ha được quy hoạch làm khu đổ thải. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đơn vị điều hành mỏ than này là Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang đã để xảy ra nhiều vấn đề "nóng” khiến hàng nghìn hộ dân ven tỉnh lộ 242 thuộc các xã Đồng Hưu, Hương Vỹ và thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế vô cùng bức xúc. Nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến đường này tăng cao do mặt đường lúc nào cũng dấp dính bùn đất, bụi mù theo vòng quay bánh xe che khuất tầm nhìn và lưu lượng xe tải trọng lớn nhiều đột biến.

Núi đất thải tiến sát nhà dân.

Cuối năm 2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ ra hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng tại mỏ than Bố Hạ như đổ chất thải trái phép, không nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khoáng sản, xe tải chở than của doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, khiến đường sá xuống cấp nghiêm trọng…

Ghi nhận của chúng tôi tại địa bàn vào những ngày này cho thấy mỏ than Bố Hạ đang vào kỳ hoạt động sôi động khi 4/6 tổ công tác đã tiến hành bán sản phẩm. Lượng xe vào "ăn than” từ mỏ đã quần nát con đường dài hơn bảy km từ xã Đồng Hưu đến bến Tuần giáp ranh với huyện Tân Yên.

Những lời tâm sự buốt xót của người dân Trại Mới có lẽ là tâm trạng chung của hàng trăm hộ dân đang bị đảo lộn cuộc sống bởi những vấn đề nghiêm trọng đang nảy sinh khi vận hành mỏ than Bố Hạ.

Thiết nghĩ, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên để phục vụ đời sống và tạo nguồn thu cho ngân sách là chính đáng và cần thiết, song các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang cũng như Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang cần có thêm những động thái tích cực hơn nữa nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân là được sinh sống bình yên, an toàn trên mảnh đất mà cha ông họ đã nhiều đời khai phá, gây dựng.


                                                                              Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục