Xã Ngọc Sơn nâng cao cảnh giác, phòng ngừa thiên tai
Thứ tư, 29/4/2020 | 8:34:48 Sáng
(HBĐT) - Là xã vùng cao của huyện Lạc Sơn, xã Ngọc Sơn nằm ở độ cao khoảng 650 m so với mặt nước biển. Địa hình nhiều đồi dốc cao, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá vào mùa mưa bão. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền xã đã đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại tối đa tài sản của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.
Nhiều hộ dân ở xóm Rộc, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) thuê máy móc vạt đồi, chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở đất, đá vào mùa mưa.
Xã Ngọc Sơn có 705 hộ dân, 2.900 nhân khẩu, sinh sống tại 6 xóm. Theo thống kê, diện tích tự nhiên toàn xã 3.382 ha, tuy nhiên, diện tích đất ở chỉ có 126 ha, chiếm 3,7%. Địa bàn xã bị chia cắt bởi nhiều đồi núi cao, diện tích đất bằng phẳng hạn hẹp, dân cư sinh sống không tập trung. Nhiều hộ dân dựng nhà tại chân đồi, ven sườn núi, thậm chí trên cả đỉnh đồi. Khu vực được xác định tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá vào mùa mưa tập trung tại 2 xóm Rộc và Khú, bởi nền đất không ổn định, độ dốc cao, địa hình hiểm trở.
Cùng đoàn công tác Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã, chúng tôi khảo sát tại địa bàn xóm Rộc. Qua thực tế cho thấy, xóm có địa hình phức tạp, dốc đứng quanh co, hiểm trở. Do không có diện tích đất bằng phẳng, nhiều hộ dân phải dựng nhà cheo leo trên sườn núi. Ngoài ra, một số gia đình đã bỏ tiền thuê máy múc vạt đồi, để tránh tình trạng đất, đá lăn từ trên đồi cao xối thẳng vào nhà. Anh Bùi Văn Hiên, Trưởng xóm Rộc trăn trở: "Toàn xóm có 115 hộ, thì có đến 70 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Mưa lớn kéo dài là nước kèm theo đất, đá từ trên đồi xối xả chảy xuống. Rất may trong những năm qua chưa có thiệt hại lớn về người và tài sản. Hiện nay, một số gia đình đã chủ động bỏ kinh phí thuê máy xúc với giá khoảng 300.000 – 400.000/giờ để vạt đồi, chủ động gia cố các khu vực có nguy cơ sạt lở cao”.
Không những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh do sạt lở đất, ngập úng hoa màu cũng là nỗi lo lắng đối với các hộ dân sinh sống tại vùng thấp. Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 50 ha diện tích lúa, cây màu thường xuyên bị ngập nước khi mưa lớn kéo dài. Mặt khác, các tuyến đường giao thông vào mùa mưa bão thường xuyên bị ách tắc do sạt lở đất. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân đến thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm chủ động thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, ngay từ đầu năm, xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN với đầy đủ các lực lượng, thành viên. Tổ chức họp bàn, thống nhất phương án và triển khai hiệu quả các giải pháp theo kế hoạch. Thành lập tổ kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Phân công cán bộ bám địa bàn, kiểm tra, đôn đốc người dân gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Khi xảy ra thiên tai, các lực lượng sẵn sàng túc trực 24/24h Thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”. Huy động nhân lực, vật lực đảm bảo lưu thông các tuyến đường, giúp nhanh chóng di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Đảm bảo lương thực, thực phẩm cung cấp cho Nhân dân.
Đồng chí Bùi Văn Hiềng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: "Trong những năm gần đây, công tác chủ động PCTT&TKCN trên địa bàn thực hiện hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa về tài sản, hoa màu. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là, chủ quan trước thiên tai. Xã mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí khảo sát, cải tạo các khu vực có địa hình bằng phẳng, để thuận lợi việc di dân đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm chủ động ứng phó, ngăn ngừa thiên tai. Qua đó, giúp người dân yên tâm sinh sống, phát triển KT – XH địa phương.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), sáng 27/4. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
(HBĐT) - Trong quý I, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát cũng như các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm hết hạn sử dụng lưu thông trên thị trường.
(HBĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND, ngày 26/4/2020 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá.
(HBĐT) - Trong đợt mưa dông kéo dài ở khu vực tỉnh Hòa Bình vừa qua, nhiều xã, thị trấn của huyện Đà Bắc có mưa lớn, như: thị trấn Đà Bắc có thời điểm lượng mưa đạt 90,6 mm; Mường Chiềng 43,8 mm; Cao Sơn 90,8 mm; Đồng Chum 74 mm... Đặc biệt, trong đêm 22, rạng sáng ngày 23/4, trên địa bàn huyện đã xảy ra dông lốc, gió giật mạnh kèm theo mưa đá cục bộ tại một số địa phương, gây thiệt hại lớn về nhà ở, tài sản, hoa màu của Nhân dân.