(HBĐT) - Cơm nấu không chín, nhiều thiết bị điện bị hư hỏng do nguồn điện không ổn định… Thực trạng khó khăn về điện sinh hoạt là nỗi trăn trở đối với người dân xã Vân Sơn (Tân Lạc) trong những khung giờ cao điểm. Nguyên nhân chính do các trạm biến áp (TBA) quá tải, mạng lưới truyền tải điện xuống cấp. Từ đó dẫn đến nguồn điện chập chờn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Theo rà soát, toàn xã hiện có khoảng 400 hộ dân sinh sống tại các xóm: Bục, Bương Bái, Hày Dưới... thường trực nỗi lo thiếu điện sinh hoạt.


Hộ kinh doanh ở xóm Bục, xã Vân Sơn (Tân Lạc) phải lựa chọn giờ sản xuất phù hợp để có nguồn điện ổn định, đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện.  

Trên địa bàn xã có 8 TBA, hệ thống hạ tầng điện sinh hoạt được lắp đặt từ năm 2004 đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân. Hiện nay, đời sống Nhân dân được cải thiện, nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu tốn điện năng như điều hòa, tủ lạnh… ngày càng tăng cao. Do đó, việc thiếu điện vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra, nhất là đối với các hộ cách xa TBA từ 1 - 2 km. Khắc phục những khó khăn về điện, các hộ buộc phải phân bố thời gian sử dụng điện phù hợp để sinh hoạt, sản xuất. Ngoài gia, những hộ có việc hiếu, hỷ luôn phải dự phòng máy nổ để đảm bảo nguồn điện ổn định. 

Hộ bà Hà Thị Điền ở xóm Bục cách TBA khoảng trên 100 m. Trong nhà, chiếc ti vi chỉ phát ra âm thanh, hình ảnh chập chờn do nhiều lần sụt điện. Gia đình cũng chỉ có những thiết bị điện gia dụng phổ biến như ti vi, tủ lạnh, quạt và điện thắp sáng. Bà Điền trăn trở: "Cao điểm từ 17 - 21h hàng ngày nguồn điện không ổn định. Đặc biệt, trong mùa hè vừa qua, tình trạng điện yếu thường xuyên xảy ra dẫn đến hư hỏng các thiết bị điện. Như gia đình tôi hỏng 2 đầu chảo sóng ti vi trị giá gần 2 triệu đồng. Gia đình đã chủ động trang bị thiết bị dự trữ điện để hạn chế phần nào việc hư hỏng các thiết bị gia dụng, tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời”. 

Anh Bùi Văn Đăng, xóm Bục cho biết: "Bên cạnh việc gây đảo lộn đời sống sinh hoạt, việc thiếu điện còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gia đình tôi đầu tư máy xay xát hơn 1 năm nay để phục vụ bà con trên địa bàn. Nhưng do điện yếu nên việc xay xát ngày được ngày không. Muốn xay xát phải lựa giờ người dân đi làm nương, nguồn điện ổn định máy mới chạy được. Vào giờ cao điểm, điện yếu, gia đình tôi thường xuyên phải sử dụng đèn pin, nến để thắp sáng phục vụ sinh hoạt gia đình”. 

Không chỉ khó khăn về điện sinh hoạt, vấn đề đảm bảo an toàn sử dụng điện hiện cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chính do địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác. Để có nguồn điện sử dụng, các hộ ở xa TBA phải sử dụng cột bương, tre tự dẫn điện băng qua những cánh đồng, đường giao thông. Sau khoảng thời gian ngắn, nhiều cột chống dây điện bị mục nát, gãy đổ do mưa to, gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn.

Chính quyền xã đã kiến nghị ngành điện xây dựng kế hoạch đầu tư đường điện giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng thêm 3 TBA đặt tại khu vực khó khăn về điện sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời đầu tư, sửa chữa các TBA đã xuống cấp. Nâng cấp đường truyền tải điện đến những khu vực đông dân cư, cách xa trung tâm nhằm nâng cao chất lượng điện. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chỉ dừng ở mức độ khảo sát, chưa triển khai thi công.

Đồng chí Hà Văn Huê, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: Những khó khăn về điện ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất đối với nhiều hộ dân đã được chính quyền xã nắm bắt. Tuy vậy, các dự án nâng cao chất lượng nguồn điện cho Nhân dân vẫn chưa được triển khai. Xã mong muốn Nhà nước hỗ trợ kinh phí, ngành điện đẩy nhanh tiến độ, huy động nhân lực, vật lực, xây dựng các phương án hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn về điện sinh hoạt. Qua đó ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KT-XH địa phương.

 Đức Anh

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục