Nhà lớp học ở Mai Sơn, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang vẫn bỏ hoang gây lãng phí tiền của Nhà nước.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của vùng hồ Hòa Bình và cơn bão số 5 năm 2007 dẫn đến sạt lở đất đai, vườn tược, nhà cửa tác động lớn đến đời sống nhân dân hai xã Phúc Sạn và Tân Mai (Mai Châu). Trước thực trạng đó, xóm Mai Sơn (Yên Nghiệp - Lạc Sơn) là khu di dân được đầu tư xây dựng theo quyết định của UBND tỉnh nhằm chuyển dân để ổn định đời sống cho 60 hộ hai xã Tân Mai, Phúc Sạn.
Theo quy hoạch, xóm Mai Sơn được đầu tư xây dựng tại khu vực đội 4, Nông trường 2-9 với tổng diện tích tự nhiên 32,9 ha. Trong đó có 4,2 ha đất ở, 30 ha đất SX, 1 ha đất nghĩa địa. Tháng 4/2010, các hộ dân vùng sạt lở đất ở Phúc Sạn và Tân Mai đã chuyển về nơi ở mới với tổng số 60 hộ, 253 nhân khẩu gồm 28 hộ dân tộc Dao, 32 hộ dân tộc Mường. Về nơi ở mới, mỗi hộ được cấp 5.000 m2 đất SX, 350 m2 đất ở. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ 12 tháng lương thực và mỗi hộ được hỗ trợ 900.000 đồng để xây dựng công trình nhà tiêu và 3 triệu đồng để xây dựng bể nước. DA nuôi bò lai sind cũng được triển khai có hiệu quả với 16 hộ tham gia. Đến nay, đàn bò tiếp tục phát triển, có hộ bò đã đẻ được 3 lứa. Năm 2013 có 22 hộ tham gia xây dựng vùng mía nguyên liệu cho Công ty CP mía đường Hòa Bình với tổng số 11 ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại nơi ở mới cũng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ gồm điện, đường bê tông rộng, nhà lớp học tiểu học và mầm non, NVH.
Đã gần 4 năm định cư tại nơi ở mới nhưng SX và đời sống của người dân Mai Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn. Trưởng xóm Đặng Văn Đạm cho biết: Năm 2012, hồ De được Nhà nước đầu tư sửa chữa. Trong đó, mặt đập tràn được nâng cao thêm 30 cm. Theo đó, cả xóm có 30 hộ có diện tích đất canh tác bị ngập do nước hồ dâng cao. Hộ ít nhất là gia đình ông Lò Văn Tuân bị ngập 300 m2. Các hộ bị ngập nhiều như gia đình ông Bùi Văn Ản: 5.000 m2, Lò Văn Linh: 4.000 m2, Lý Văn Dương: 3.000 m2, Đặng Văn Chung: 2.500 m2... Do bị ngập nước dẫn đến các hộ không có đất SX và cây trồng như sắn, mía bị hư hỏng không bán được hoặc phải thu non ảnh hưởng lớn đến đời sống, tư tưởng người dân.
Đưa chúng tôi ra khu vực đất sản xuất của các hộ trong xóm, Trưởng xóm Đặng Văn Đạm cho biết thêm: Theo thời vụ, tháng 9 - 10 hàng năm mới thu hoạch sắn nhưng do bị nước ngập nên tháng 7 đã phải nhổ khi củ sắn vẫn còn non nên năng suất, chất lượng thấp bán mất giá. Ngoài 2 ha sắn, 3 ha mía bị ngập sâu trong nước hơn 2 m, trong đó, diện tích mía tím hầu như bị mất trắng. Do ngập nước nên nhiều hộ như gia đình ông Bùi Văn Ản, Lý Văn Tân, bà Bùi Thị Ngân cùng 7-8 hộ khác về quê cũ ở Phúc Sạn, Tân Mai để thu hoạch bương, luồng hoặc tìm việc làm.
Cùng với tình trạng nước hồ ngập ảnh hưởng đến SX và thu nhập, thiếu nước sinh hoạt khiến đời sống của người dân Mai Sơn gặp nhiều khó khăn. Ông Lò Văn Tuân bức xúc: Công trình cấp nước được khởi công từ tháng 4/2010 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Thiếu nước, 100% hộ dân ở đây phải đi xin và đi mua nước ở đội 4 về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Giá nước phải mua 30.000 đồng/m3 nên các hộ chỉ dám mua để phục vụ ăn uống, còn tắm giặt kéo nhau ra hồ khiến đời sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đất ở hạn hẹp cũng là vấn đề khiến người dân ở Mai Sơn băn khoăn, trăn trở. Bà Lý Thị Tươi giãi bày: Dự án quy hoạch 350 m2 đất ở/hộ, vừa ở, vừa chăn nuôi, trồng rau nên rất chật chội. Những hộ có con mới xây dựng gia đình, dù có tách hộ cũng phải ở chung trong diện tích đó nên rất bất tiện trong ăn ở, sinh hoạt. KDC không có quy hoạch khu xử lý rác thải nên VSMT chưa đảm bảo, nhất là chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạt đều xử lý theo cách thủ công như chôn, đốt hoặc tiện đâu vứt đó, rất mất vệ sinh.
Mặc dù cơ sở hạ tầng ở xóm Mai Sơn được xây dựng khá đồng bộ nhưng cũng tồn tại không ít bất cập, đó là nhà lớp học mầm non và tiểu học được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng gần 4 năm qua vẫn khóa cửa bỏ không vì trong xóm không đủ học sinh gây lãng phí tiền của Nhà nước. Liền kề với xóm Mai Sơn là mặt bằng của 26 lô đất thuộc DA nhưng từ năm 2004 đến nay vẫn bỏ trống, một số thương lái đã tận dụng để phơi và chế biến sắn. Theo đó, xe quá tải vào chở hàng đã làm hưng hỏng nhiều đoạn đường mà Nhà nước đã đầu tư xây dựng. Với thẩm quyền của xóm cũng đành bất lực không thể ngăn chặn, xử lý được.
Định cư gần 4 năm nhưng thu nhập bình quân ở Mai Sơn hiện mới đạt 4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 96% (58/60 hộ). Thiếu nước sinh hoạt, trên 31% đất SX bị ngập úng, không có nơi xử lý rác thải, đường sá bị hư hỏng do xe quá khổ, quá tải, nhà lớp học được xây dựng bỏ hoang gây lãng phí tiền Nhà nước. Đến bao giờ những tồn tại, hạn chế, bất cập đó được khắc phục? Xin nhường câu trả lời cho các ngành chức năng.
Đức Phượng