Thành viên cơ sở sản xuất rượu Láu Siêu (bên trái), xã Mai Hạ (Mai Châu) giới thiệu về hệ thống máy lọc khử độc tố trong rượu với khách hàng.
Gia đình bà Vì Thị Tồn là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nấu rượu tại xóm Chiềng Hạ. Theo bà Tồn, công đoạn làm men là kỳ công nhất và quyết định chất lượng của rượu. Bà Vì Thị Tồn chia sẻ: Để làm được men rượu chúng tôi phải lên rừng hái hơn 20 loại lá cây, củ, quả như: riềng, gừng, ổi, hồng bì… Sau đó rửa sạch, phơi khô, giã thành bột trộn với bột sắn để làm men. Nguyên liệu nấu rượu Láu Siêu là sắn. Sắn phải phơi khô, đập nhỏ, ngâm vào nước đúng 24 giờ. Sau khi xả nước ngâm tiếp tục ngâm trong nước mới 6 ngày, 6 đêm để loại bỏ những bụi bẩn trong sắn, đến khi nước ngâm trong vắt mang đãi, trộn đều với trấu gạo đem đồ chín. Sắn sau khi đồ chín hong đều ra các nia, mẹt để nguội ủ với men, rồi cho vào chum sành ủ khoảng 25 ngày thì mang ra chưng cất.
Để chưng cất ra được những lít rượu Láu Siêu mất cả tháng trời. Các quy trình nấu rượu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, sau khi chưng cất ra những lít rượu thơm nồng, gia đình bà Vì Thị Tồn còn quan tâm tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sử dụng công nghệ tiên tiến để lọc những độc tố trong rượu. Cơ sở sản xuất được đầu tư xây dựng nhà xưởng diện tích khoảng 600 m2, với hệ thống máy móc, trang thiết bị và áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong khâu hoàn thiện sản phẩm, sử dụng máy lọc rượu để khử độc tố trong rượu, công nghệ làm giảm độ sốc cho rượu trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Gia đình bà Tồn là cơ sở duy nhất của xóm Chiềng Hạ sử dụng máy lọc để khử độc tố trong rượu. Việc chú trọng xử lý, loại bỏ các độc tố trong rượu bằng máy lọc đã khẳng định thương hiệu rượu Láu Siêu, tạo được niềm tin, uy tín chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Bên cạnh đó, gia đình bà Vì Thị Tồn đầu tư hàng trăm chiếc chum sành Bát Tràng để chứa rượu, kiên quyết không sử dụng can nhựa để chứa rượu. Rượu được chứa trong chum sành sẽ không độc hại và giữ được mùi thơm. Rượu Láu Siêu được đóng chai có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác để chống hàng giả, hàng nhái và khẳng định thương hiệu rượu truyền thống của người Thái. Năm 2019, gia đình bà Vì Thị Tồn sản xuất được 3.000 lít rượu. Rượu sau khi lọc được bán với giá 60.000 đồng/lít. Khách du lịch tới thăm quan xưởng sản xuất thường mua rượu Láu Siêu về làm quà. Theo thời gian, rượu Láu Siêu trở thành món quà tinh túy của người Thái dành tặng những thượng khách khi tới Mai Châu. Được khách du lịch quảng bá, giới thiệu, rượu Láu Siêu đã có mặt ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định…
Bà Vì Thị Tồn, cho biết thêm: Để phát triển thương hiệu rượu Láu Siêu, gia đình tôi nỗ lực mở rộng thị trường vào các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng đồ uống tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định...; tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi đang vận động khoảng 10 hộ nấu rượu lâu năm trong xóm Chiềng Hạ để thành lập tổ hợp tác vào tháng 6/2020. Sau khi thành lập được tổ hợp tác sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cáchộ nấu rượu trong xóm liên kết, tạo thành chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế nguyên liệu tới khâu đóng chai và tiêu thụ sản phẩm.
Thu Thủy