Đã mấy năm nay, người dân xã Mai Hịch cũng như các bản homestay ở Mai Châu đã quen với hình ảnh khách nước ngoài ăn Tết ở bản mình. Nhiều khách đã thành quen, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lại sang đây ăn Tết cùng bà con. Anh Lê Ngọc Hoàng, hướng dẫn viên du lịch Peak DMC (Hà Nội) cho biết: Tết Nguyên đán năm nào cũng vậy, nhiều khách du lịch đặt lịch đến đây ăn Tết. Những khách này chủ yếu ở châu âu, đặc biệt là khách đến từ các nước: Pháp, Đức, Hà Lan rất thích tới Mai Hịch và hài lòng về điểm đến cũng như con người ở đây.
Đi bộ trong bản homestay là một trong những hoạt động được người nước ngoài ưa thích khi đến Mai Châu. Ảnh chụp tại bản Lác, xã Chiềng Châu.
Hầu hết các bản làng vẫn giữ được nét văn hóa và cách sinh hoạt tự nhiên. Từ ngôi nhà sàn lợp cỏ tranh, lá cọ với gỗ mộc tới cuộc sống thường nhật, du khách thích sự tự nhiên, dân dã. Đó là thế mạnh của Mai Hịch nói riêng và của các hộ làm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình nói chung. Đến đây, du khách có nhiều sự lựa chọn từ trải nghiệm đi bộ, chèo mảng, đạp xe đạp… Khách thường ở Mai Hịch từ 1-2 đêm rồi đi các tour khác. Có những đoàn khách đặt tour vào dịp Tết âm lịch. Họ muốn cảm nhận sự độc đáo của Tết cổ truyền của người Thái tại Mai Hịch. Vào dịp này, du khách được thưởng thức và trải nghiệm những sản phẩm đặc sắc nhất về văn hóa, cuộc sống của người Thái.
Anh Alex, 40 tuổi (người Anh) sống và làm việc ở Hà Nội cho biết, 5 năm trước, tôi đã đến Mai Hịch, mọi thứ ở đây vẫn giữ được nét hoang sơ và dân dã. Mọi người sống nồng hậu, dễ mến. Mấy năm nay, tôi đều về nhà bà Vì Thị Chiếu, ông Hà Công Bàng ở bản Hịch 2 để ăn Tết. Là người xa quê, tôi rất ấn tượng với Tết cổ truyền của Việt Nam. Đến đây vào dịp Tết, tôi được sống cùng gia đình người dân tộc Thái với nhiều thế hệ, họ rất thoải mái, coi tôi như con cái trong nhà. Vào những ngày cận Tết, tôi còn được học gói bánh chưng, tối ngồi bên bếp lửa hồng canh nồi bánh và múa hát cùng gia đình, bà con dân bản. Với người dân Mai Hịch, nụ cười luôn ở trên môi khi gặp du khách, bất kể già hay trẻ đều gửi lời chào tới những người bạn họ gặp trên đường. Đây là những ấn tượng đẹp đối với du khách quốc tế khi tới vùng đất này, họ cảm thấy mình được chào đón, thấy yêu quý con người Việt Nam hơn. Nhiều hộ khi có khách ở lại đón Tết cũng không kiêng kỵ nên người nước ngoài cảm thấy thoải mái và đến đây ngày càng nhiều.
Chúng tôi tới gia đình bà Vì Thị Chiếu ở xóm Hịch 2. Năm nay đã 72 tuổi nhưng bà vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bà cho biết, ở đây, người dân chuẩn bị và ăn Tết từ ngày 27 tháng chạp. Nhiều nhà góp nhau mổ trâu, mổ bò, lợn, 29 Tết thì gói bánh chưng gù, đêm 30 và mùng 1, mùng 2 cúng tổ tiên. Trong mấy ngày Tết, các gia đình đi chúc nhau, thăm ông bà thường mang theo 2 cái bánh chưng gù. Đêm 30, cúng giao thừa xong, nghe tiếng kẻng của làng, tất cả các hộ tập trung ra nhà văn hóa đốt lửa trại, đánh chiêng, trống thật rộn ràng. Mọi người tập trung hát, nhảy múa, phụ nữ mặc trang phục truyền thống rất đẹp. Từ khi làm du lịch cộng đồng, nhiều khách nước ngoài đã tham gia đón Tết cùng bà con. Họ rất vui khi tham gia các hoạt động này.
ông Vì Văn Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết: Trong những năm gần đây, lượng khách đến lưu trú, ăn Tết cổ truyền cùng bà con ngày càng tăng. Nếu như những năm trước khách ở lại chỉ chục người, năm nay, các đoàn đã đăng ký hơn 100 khách ở lại dịp Tết âm lịch. Từ khi bản có khách du lịch tới ai cũng vui, vì khách đến đã tạo thêm thu nhập và việc làm cho người dân. Họ cũng có ý thức hơn trong giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo động lực phát triển KT-XH địa phương.
Việt Lâm