Mặc dù xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng giải quyết việc làm giúp giảm nghèo nhanh, hiệu quả nhưng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số của tỉnh khó chủ động về kinh phí xuất cảnh. Với sự hỗ trợ vốn chính sách của Trung ương, của tỉnh, hàng trăm đối tượng đã được "tiếp sức” để tham gia thị trường lao động chất lượng cao.


Nguồn vốn vay giải quyết việc làm, trong đó có vốn xuất khẩu lao động được hộ dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) trả lãi, gốc đúng kỳ hạn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Năm 2023, huyện nghèo Đà Bắc có hàng chục trường hợp con em được vay tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ mà thực hiện được nguyện vọng tham gia thị trường XKLĐ để thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Điển hình như các em: Lường Văn Thư (SN 1995) ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum; Xa Thị Thân (SN 2004) - xóm Náy, Xa Mạnh Hùng (SN 2004) - xóm Thùng Lùng, xã Tân Pheo; Bùi Văn Đội (SN 2003), xóm Đầm Phế, xã Mường Chiềng... Cùng với một số chính sách khác về học tiếng, đi lại, các lao động được hỗ trợ mọi mặt để thuận lợi xuất cảnh sang nước ngoài và hiện đang có công việc ổn định, mức thu nhập tốt.

Trên địa bàn các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu… cũng có nhiều trường hợp con em thuộc đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay vốn tín dụng ưu đãi đi XKLĐ trong những năm gần đây. Đồng chí Khuất Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Tỉnh đã và đang đẩy mạnh chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với việc lựa chọn thị trường việc làm an toàn, có phúc lợi tốt, thu nhập cao để giúp người lao động, người nghèo nâng cao điều kiện kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo. Thực hiện công tác giải quyết việc làm, XKLĐ, HĐND tỉnh Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/ 2022 quy định chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động tỉnhHòa Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023 - 2026. Theo đó, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ lao động thường trú trên địa bàn từ đủ 6 tháng trở lên có nhu cầu vay vốn. Nguồn vốn được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giải quyết việc làm và XKLĐ, giúp người lao động nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước; chủ động lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng đào tạo và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho người lao động, để tạo nguồn cung lao động có chất lượng cho XKLĐ; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ XKLĐ đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng như: hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khỏe, vay vốn từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ quốc gia về việc làm…

Theo đại diện NHCSXH chi nhánh Hòa Bình, NHCSXH tăng cường bám sát các quyết định cho vay XKLĐ của Chính phủ để chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng, thuận lợi. Đơn vị đã thực hiện chương trình cho vay XKLĐ theo Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Tính đến ngày 31/10/2024, dư nợ khách hàng vay XKLĐ theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CPlà 279 người, tổng dư nợ cho vay trên 16,3 tỷ đồng. Kết quả cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách địa phương là 9 người, tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. Nguồn tín dụng ưu đãi phát huy vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả, góp phần vào việc thực hiện đạt và vượt kế hoạch, mục tiêu XKLĐ giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

Bùi Minh


Các tin khác


Lao động trẻ xóm Củm tích cực tham gia xuất khẩu lao động

Xóm Củm, xã Vạn Mai (Mai Châu) có 100 hộ, hơn 460 nhân khẩu, 95% dân số là người dân tộc Thái. Theo ông Hà Công Minh, Trưởng xóm Củm, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt với lúa là cây trồng chính kết hợp nuôi cá ao và phát triển đàn gia cầm, kinh tế hộ gia đình chưa có bước đột phá...

Thành phố Hòa Bình thực hiện hiệu quả công tác xuất khẩu lao động

Trong 10 tháng năm 2024, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của thành phố Hòa Bình tiếp tục khởi sắc. Qua các kênh của doanh nghiệp có chức năng tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng đã đưa 112 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điểm sáng xuất khẩu lao động ở xã Thanh Sơn

Xã Thanh Sơn (Lương Sơn) đang trên đà khởi sắc về diện mạo cơ sở hạ tầng nông thôn mới, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Theo đồng chí Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã, bên cạnh sự quan tâm về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân địa phương có ý thức chủ động vươn lên, nhanh nhạy lựa chọn phương cách làm giàu. Trong đó, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là mục tiêu được nhiều lao động xác định tạo ra những thay đổi cuộc sống mang tính bước ngoặt.

Công ty cổ phần quốc tế Việt Nam Hòa Bình tăng cường tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài

Với bề dày nhiền năm hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, Công ty CP quốc tế Việt Nam Hòa Bình (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) đã giới thiệu, hỗ trợ nhiều lao động của tỉnh, chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn tham gia thị trường xuất khẩu lao động với công việc ổn định, mức thu nhập hấp dẫn.

Thanh niên xã Tân Pheo tích cực tham gia thị trường việc làm ngoài nước

Nếu chỉ dựa vào điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương mà không tự tìm kiếm công việc bên ngoài, đời sống kinh tế, thu nhập gia đình sẽ mãi bấp bênh. Với suy nghĩ đó, nhiều lao động trẻ ở xã Tân Pheo (Đà Bắc) lựa chọn đi làm ăn xa tại các khu, cụm công nghiệp ngoại tỉnh. Trong vài năm gần đây, một số người quyết định tham gia thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) với chế độ đãi ngộ và thu nhập hấp dẫn.

Chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản thu hút lao động trẻ huyện Cao Phong

Năm 2023, anh Bùi Văn Dũng (SN 1990) ở xã Hợp Phong chọn hướng thoát nghèo bằng con đường XKLĐ tại Nhật Bản theo đơn hàng xây dựng. Điều kiện kinh tế khó khăn nên để dồn đủ tiền làm thủ tục xuất cảnh, anh Dũng phải vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau thời gian ngắn nhận mức lương cơ bản 20 triệu đồng/tháng, anh Dũng được giao thêm việc, đồng thời đạt mức thu nhập bình quân đảm bảo từ 33 - 35 triệu đồng/tháng. Cùng năm, vợ anh Dũng cũng tham gia thị trường lao động Nhật Bản theo đơn hàng điện tử, mong muốn với 3 năm làm việc có thời hạn theo hợp đồng tích lũy được khoản tiền lo cho cuộc sống gia đình, tương lai con cái về sau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục