Bằng nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Lạc Sơn đã triển khai công tác đào tạo nghề, thực hiện một số dự án phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế cho người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, giải quyết nhiều việc làm cho lao động, đồng thời thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững.


Hộ nghèo xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) phát triển chăn nuôi sau khi được hỗ trợ con giống, vật tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. 

Chị Bùi Thị Thủy ở xã Thượng Cốc là một trong những học viên tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo và nhận chứng chỉ nghề, chị được giới thiệu làm công nhân vận hành máy may cho một cơ sở may gia công gần nhà. Bên cạnh nghề chăn nuôi, trồng trọt, công việc nghề may trở thành một trong hai nguồn thu nhập chính cải thiện kinh tế gia đình chị.  

Hiện nay, bà con nông dân các xã đang được định hướng phát triển chăn nuôi gà. Ngoài các trang trại, gia trại tập trung, chăn nuôi gà quy mô hộ gia đình cũng được khuyến khích. Cùng với đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với sự tham gia của người dân trong diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Bà Bùi Thị Tiên, trưởng nhóm chăn nuôi gà ri lai Lạc Sơn ở xóm Đảng 2, xã Quyết Thắng cho biết: không chỉ hỗ trợ con giống, thức ăn ban đầu, hộ tham gia còn được tập huấn, trang bị kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà dự án. Chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện của các gia đình, giúp bà con tạo việc làm tại chỗ, cải thiện sinh kế bền vững để vươn lên thoát nghèo.

Theo đồng chí Bùi Thế Hòa, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng năm, huyện tuyển sinh các lớp nghề thuộc các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Huyện Đoàn, các cơ quan liên quan và UBND các xã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, tư vấn học nghề cho hàng nghìn lượt lao động. Công tác hướng nghiệp, học nghề cho học sinh và người lao động được thực hiện tốt. Các cấp, ngành phối hợp tăng cường tuyên truyền về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, đoàn viên, lao động địa phương.

Các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng nghề được thực hiện đầy đủ. Năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở 13 lớp đào tạo nghề cho 223 học viên. Các lớp đào tạo theo nhu cầu học nghề, điều kiện kinh tế giúp nâng cao trình độ của người lao động, bao gồm lớp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp ở xã Tân Lập; kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia cầm ở các xã Nhân Nghĩa, Tuân Đạo, Định Cư; may công nghiệp ở xã Tuân Đạo… Sau đào tạo, lao động nông thôn áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi và có cơ hội đi làm việc tại một số doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. 

Với sự quan tâm, chú trọng của cấp ủy, chính quyền huyện về công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm đã góp phần giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2024 ước giảm 4%, từ 14,98% xuống còn 10,98%. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về lợi ích của việc học nghề, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. Đồng thời, ưu tiên nguồn kinh phí của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ cải thiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo.   


Bùi Minh

Các tin khác


Xuất khẩu lao động mở lối thoát nghèo ở xã Đồng Chum

Đồng Chum thuộc vùng lõi nghèo huyện Đà Bắc. Phần lớn dân số trong xã là đồng bào dân tộc Tày, canh tác nông, lâm nghiệp là chủ yếu, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Các chương trình mục tiêu quốc gia tập trung hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, giải quyết những vấn đề đời sống sinh kế của người dân, nhất là về thu nhập, hộ nghèo.

Lao động trẻ xóm Củm tích cực tham gia xuất khẩu lao động

Xóm Củm, xã Vạn Mai (Mai Châu) có 100 hộ, hơn 460 nhân khẩu, 95% dân số là người dân tộc Thái. Theo ông Hà Công Minh, Trưởng xóm Củm, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt với lúa là cây trồng chính kết hợp nuôi cá ao và phát triển đàn gia cầm, kinh tế hộ gia đình chưa có bước đột phá...

Thành phố Hòa Bình thực hiện hiệu quả công tác xuất khẩu lao động

Trong 10 tháng năm 2024, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của thành phố Hòa Bình tiếp tục khởi sắc. Qua các kênh của doanh nghiệp có chức năng tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng đã đưa 112 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điểm sáng xuất khẩu lao động ở xã Thanh Sơn

Xã Thanh Sơn (Lương Sơn) đang trên đà khởi sắc về diện mạo cơ sở hạ tầng nông thôn mới, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Theo đồng chí Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã, bên cạnh sự quan tâm về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân địa phương có ý thức chủ động vươn lên, nhanh nhạy lựa chọn phương cách làm giàu. Trong đó, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là mục tiêu được nhiều lao động xác định tạo ra những thay đổi cuộc sống mang tính bước ngoặt.

Công ty cổ phần quốc tế Việt Nam Hòa Bình tăng cường tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài

Với bề dày nhiền năm hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, Công ty CP quốc tế Việt Nam Hòa Bình (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) đã giới thiệu, hỗ trợ nhiều lao động của tỉnh, chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn tham gia thị trường xuất khẩu lao động với công việc ổn định, mức thu nhập hấp dẫn.

Thanh niên xã Tân Pheo tích cực tham gia thị trường việc làm ngoài nước

Nếu chỉ dựa vào điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương mà không tự tìm kiếm công việc bên ngoài, đời sống kinh tế, thu nhập gia đình sẽ mãi bấp bênh. Với suy nghĩ đó, nhiều lao động trẻ ở xã Tân Pheo (Đà Bắc) lựa chọn đi làm ăn xa tại các khu, cụm công nghiệp ngoại tỉnh. Trong vài năm gần đây, một số người quyết định tham gia thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) với chế độ đãi ngộ và thu nhập hấp dẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục