Chữ Hán cổ khắc trên một phiến đá của khu mộ.
(HBĐT) - Mường Động không chỉ nổi tiếng là một trong bốn trung tâm Mường xưa kia mà còn được biết đến bởi sự huyền bí của khu mộ cổ Đống Thếch, nơi chôn cất của dòng họ Đinh thời quan lang và là dấu tích về một thời phồn vinh, thịnh vượng của người Mường Động khi xưa. Khu mộ cổ đã được bộ VH – TT công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 1997
Tìm hiểu, trò chuyện cùng ông Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư TT xã Vĩnh Đồng và ông Bùi Minh Lợi, Trưởng Ban văn hoá xã, tôi mới biết được: “ Đó là cả một truyền thuyết về dòng họ Đinh - dòng họ quan lang, giàu có nhất của người Mường xưa, nó là “ thánh địa” bất khả xâm phạm của nhà lang Mường Động. Những truyền thuyết về nó đến tận ngày nay vẫn chưa được khám phá hết”.
Ngay từ cái tên Đống Thếch cũng khiến cảm giác được cái huyền bí của nó. “đống” là những nơi mồ mả, những nơi hoang vu ít người qua lại. Thếch là một địa danh đã có từ lâu, một địa danh riêng có của người Mường. Đống Thếch là một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng, trong đó, nhấp nhô hàng trăm hòn mồ cao thấp đứng cùng thời gian. Địa thế khu đất khá đẹp, thuận lợi giao thông, vây quanh ba mặt là những quả đồi thấp tạo nên một bồn địa nhỏ trong một thung lũng lớn. Phía bắc Đống Thếch giáp núi Chùa cũ, phía tây là đồi Ông Nội, phía nam giáp Nà Thếch và suối Thếch, phía đông giáp ruộng Pạng Đông.
Mộ cổ chôn cất thi thể của những người thuộc dòng dõi họ Đinh, bên cạnh đó có nhiều lời đồn cho rằng mộ cổ còn chôn cất thi thể cả những nô tỳ của các quan lang. Mỗi mộ có nhiều phiến đá khắc bằng chữ Hán, ghi lại tên, tuổi, chức sắc của người dưới mồ, ghi lại ngày tháng dựng mồ và còn khác cả hình ảnh của các con vật. Bản dịch về một tảng đá lớn có nội dung như sau: ông Đinh Công Kỷ, tước Uy Lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ sửu, ngày 13/10/1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22/2/1650 được đưa về huyệt trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa...". Các tảng đá này có kích thước, độ dài khác nhau và được lấy tận vùng đất Ngọc Lạc – Thanh Hoá. Các phiến đá to nhô lên khỏi mặt đất gần 3m và nặng đến hàng tấn, còn các phiến đá nhỏ nhô lên khỏi mặt đất chỉ khoảng 0,5m. Kích thước của các tảng đá ám chỉ những ý nghĩa riêng. Nó là nơi cắm dấu quyền lực của dòng họ Đinh. Nay các phiến đá đã được phủ bởi một lớp rêu xanh, hình thú các con vật và chữ khắc trên đó đã mờ đi vì thời gian. Mỗi ngôi mộ đều chôn ba phiến đá cao ở phía trước, ba phiến đá nhỏ hơn ở phía dưới mồ và hai bên sườn mộ được chôn các hòn mồ cao, thấp không đều nhau, số lượng không giống nhau. Cả khu có đến hàng trăm ngôi mộ với hàng trăm phiến đá, nhìn từ xa ta thấy hình ảnh nhấp nhô tựa như dáng người đứng, ngồi.
Diện tích của cả khu mộ rộng tới vài vạn mét vuông, xen kẽ các phiến đá là cỏ cây um tùm, rậm rạp, bao quanh là rừng núi. Chính vì vậy, khu đất ít ánh sáng và càng trở nên hoang vu, ít người qua lại.
Đống Thếch được chia thành hai tuyến mộ khác nhau cùng tồn tại song song trong cùng một thời gian. Nhóm khu mộ trung tâm không có dấu vết của quan tài, còn khu B có biểu hiện chủ nhân của các ngôi mộ. Điều đó cho thấy, trong lễ thức tang ma của người Mường có hai lần. Một mộ là chôn thật và một là giả.
Theo tương truyền khu mộ này có niên đại hơn 400 năm và hiện nay, số các tảng đá ngày càng ít đi do sự xâm hại của cả người dân và những tên trộm. Dân bản xứ rỉ tai nhau về các truyền thuyết bí ẩn xung quanh khu mộ cổ. Các cụ, các mế kể lại rằng, người vợ thứ ba của vua Hùng giận chồng đã bỏ lên khai hoang, sinh sống đây cùng với hai người con. Về sau khu vực này trở nên một vùng đất trù phú, đông dân cư. Khi mất, ba mẹ con đã hoá thành ba ngọn núi dáng “rồng chầu” và cùng hướng về kinh đô. Khu đất có địa thế, hình dáng miệng rồng - một thế đất đẹp theo quan niệm thuật phong thuỷ ngày xưa nên từ lâu, dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm là nghĩa địa, nơi yên nghỉ cuối cùng của dòng họ mình.
Sự huyền bí của Đống Thếch đến nay vẫn chưa được khám phá hết, nó vẫn còn là một bí ẩn. Vì vậy nó còn có sức hút với những người ham mê khảo cổ.
Bùi Thu
(Sở Thông tin và Truyền thông)
(HBĐT) - Khám phá và trải nghiệm. Thử thách và hoà mình cùng thiên nhiên. Được sống và tìm hiểu văn hoá của người dân bản địa... Đó chính là điều mà những du khác đã một lần được đặt chân đến mạnh đất Hòa Bình đều không thể nào quên khi tham gia các tour du lịch đi bộ.
(HBĐT) - Đây là lễ hội phổ biến của người Thái ở Mai Châu, cụ thể ở đây là lễ hội của người Thái vùng Mai Thượng, Mai Châu. Lễ xên bản, xên mường chính là lễ cúng bản, cúng mường, thờ cúng thành hoàng bản mường, những người lập nên bản người Thái từ buổi đầu thiên di từ Mường Hước Khà về đây lập nghiệp.
(HBĐT) - Đồng bào Dao chiếm một bộ phận trong cộng đồng dân tộc của tỉnh ta, phân bố hầu hết ở các huyện, thành phố, nhưng tập trung nhiều ở các vùng núi thuộc huyện Kim Bôi, Đà Bắc.
(HBĐT) - Cuộc sống của người Tày thường gắn bó với thiên nhiên, do đó, nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh.
(HBĐT) - Trong đời sống, sinh hoạt của người Mường Hoà Bình, ngôi nhà sàn là một phần quan trọng nhất. Nếp nhà không chỉ là nơi che chở, nghỉ ngơi của đồng bào mà còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hoá riêng, độc đáo.
(HBĐT) - Có một lớp học được dựng nên bởi tâm huyết của nhiều người mong muốn bảo tồn và phát huy nét độc đáo của văn hoá dân tộc. Nghệ nhân truyền dạy hay thế hệ sau khi đến lớp học đều mang trong mình tinh thần tự nguyện và lòng yêu mến, say mê.