Mô hình nuôi gà thả đồi, nuôi dê đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Quách Văn Luân, xóm Chiềng, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn). Đây là hướng đi được nhiều bà con xã vùng sâu này lựa chọn.
Phúc Tuy là xã vùng 135, cách trung tâm huyện Lạc Sơn 15 km. Xã có 7 xóm với trên 2.800 nhân khẩu, trên 96% bà con là người Mường. Đến hết năm 2016, xã mới đạt 7 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn trên 50%. Đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tuy cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên ngay từ đầu triển khai, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức thường xuyên ở các chi bộ, cơ quan bằng nhiều hình thức. Trong đó, mục tiêu quan trọng là đổi mới nề nếp, tác phong của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 03 (2011 – 2015), văn phòng hành chính "một cửa” của xã đã phát huy tốt nhiệm vụ, chức năng của mình, thực hiện đúng quy chế tiếp dân, các ý kiến của nhân dân được cán bộ ghi nhận đầy đủ, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo xử lý, giải quyết.
Trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, những năm gần đây, bà con có hướng đi đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của gia đình ông Bùi Văn Nhọ, xóm Khoang cho thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng. Mô hình trồng dổi của gia đình anh Bùi Văn Dần, Bùi Văn Don mỗi năm cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, khi bãi chăn thả ngày càng thu hẹp, bà con xã Phúc Tuy đã tập trung trồng cỏ để chăn nuôi gia súc theo hình thức bán chăn thả, hiện, diện tích trồng cỏ của xã đạt trên 30 ha. Với tiềm năng lớn về phát triển lâm nghiệp, nhiều năm qua, bà con đã phát triển trồng keo. "ở các đồi trồng keo, nhiều hộ dân đã tận dụng để chăn nuôi gà ri thả đồi, nuôi lợn, dê đem lại hiệu quả kinh tế khá. Một số rừng sau khi khai thác, bà con chuyển đổi sang trồng cây có múi, trồng dổi”, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
ở xóm Chiềng có nhiều hộ đang phát triển chăn nuôi gà thả đồi, điển hình như mô hình của gia đình anh Quách Văn Luân. Trong vườn keo rộng hơn 1 ha, trước đây, gia đình anh Luân chỉ trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tham khảo một số mô hình nuôi gà thả đổi ở xã Chí Thiện (Lạc Sơn), 3 năm trước, anh Luân đã đầu tư chuồng trại nuôi gà. Bà Quách Thị Vẹn, mẹ anh Luân cho biết: "Đây là giống gà bản địa rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Mỗi lứa gia đình nuôi khoảng 1.000 con, một năm 2 lứa, xuất bán trên 2 tấn gà thịt, giá bán dao động trên dưới 100.000 đồng/kg, giúp gia đình có được thu nhập trang trải cuộc sống”. Ngoài nuôi gà, gia đình anh Luân còn phát triển nuôi dê núi. Năm ngoái, anh Luân mua 10 con dê giống nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên bị chết 5 con. Đến nay, sau khi tìm tòi, học hỏi, dê đã sinh trưởng, phát triển tốt và tăng đàn lên 21 con. Với đầu ra ổn định, nuôi dê hướng đi có nhiều tiềm năng ở xã vùng sâu này.
Trồng cỏ để chăn nuôi gia súc, cải tạo vườn tạp chuyển sang cây có múi và trồng dổi là những hướng phát triển kinh tế chính của Phúc Tuy trong thời gian tới. "Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc nâng cao vai trò gương mẫu, xung kích của cán bộ, đảng viên tiếp tục là những nhiệm vụ quan trọng trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gắn học tập và làm theo gương Bác Hồ với việc thực hiện Nghị quyết T.ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhân rộng các điển hình kinh tế, tạo phong trào thi đua giữa các hội, đoàn thể để việc học tập và làm theo đi vào thực chất, đem lại hiệu quả trong xóa đói - giảm nghèo, xây dựng NTM”, đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tuy nhấn mạnh.
Viết Đào