(HBĐT) - Nhiều năm nay, tỉnh ta đạt được kết quả đáng ghi nhận từ việc thực hiện chính sách dân tộc. Thông qua đó, kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được cải thiện, năng lực của cán bộ dân tộc, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị cơ sở được nâng cao. Trên địa bàn tỉnh không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng 135 giảm từ 4-5%. Tỉnh ta được đánh giá là địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách di dân tái định cư.
6 tháng năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp
với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy
định hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ cho vùng
đồng bào dân tộc. Năm 2017, tổng nguồn vốn thực thiện Chương trình 135 là 153
tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư 114 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 38,4 tỷ đồng. Ban Dân
tộc đang phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu thực hiện nguồn vốn
bảo đảm 100% kế hoạch. Đồng thời tổng hợp báo cáo thực hiện dự án định canh,
định cư tập trung, xen ghép, xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
tích cực thực hiện các chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách
cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt
khó khăn...
Theo đánh giá của Ban Dân tộc, quá trình triển khai
các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nhất là 6 tháng năm nay đang gặp
nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135 của tỉnh phần
lớn dựa vào phân bổ của T.Ư, vốn lại chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc triển
khai chương trình theo luật mới như Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn
chưa đồng bộ. Đến tháng 5/2017, ủy ban Dân tộc mới thông báo vốn cho từng dự án
và đến ngày 20/6, Chính phủ mới phê duyệt danh sách xã vào diện đầu tư của
chương trình nên đã ảnh hướng đến tiến độ. Sau rà soát vùng đặc biệt khó khăn,
công tác lập kế hoạch phải làm đi làm lại nhiều lần, dẫn chậm tiến độ giao. Bên
cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ban,
ngành trong triển khai đến các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng dân
tộc và miền núi đôi lúc chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Thực tế triển khai chương trình, dự án chính sách cho
vùng dân tộc khó khăn còn nhiều bất cập. Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135
bình quân đạt 700-800 triệu đồng/xã. Theo định hướng là đầu tư tập trung, có
trọng tâm, trọng điểm đặt trên yêu cầu bức thiết cần đầu tư. Song việc phân bổ
nguồn vốn Chương trình 135 thường dàn trải, không tập trung, chủ yếu được chia
bình quân kể cả đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả
nhiều. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất vùng khó khăn còn
rất hạn chế cũng ảnh hướng phát triển sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào
vùng dân tộc.
Từ thực tế đó, Ban Dân tộc đang phối hợp với các ngành
chức năng kiến nghị với ủy Ban Dân tộc, UBND tỉnh thực hiện các giải pháp tháo
gỡ khó khăn như: kiến nghị bố trí đủ
định mức kinh phí, sớm ban hành hướng dẫn cụ thể thực hiện các chương trình,
chính sách đã phê duyệt; bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện Dự án hỗ trợ,
đầu tư 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Huy động các nguồn lực, lồng
ghép các chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc, chú trọng phát triển
sản xuất, khơi dậy ý thức vươn lên phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc,
chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, củng cố khối
đại đoàn kết các dân tộc, từng bước cải thiện chất lượng đời sống vùng đồng bào
dân tộc thiểu số.
Lê Chung