Mô hình nuôi gà của CCB Bùi Văn Sượi ở xóm Đình Vặn, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) thu về 400 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí).
Đồng chí Dương Văn Lạc, Chủ tịch Hội CCB xã Lạc Thịnh cho biết: "Hội CCB xã có 326 hội viên, sinh hoạt tại 15 cơ sở hội. Trong những năm qua, các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên CCB năng động, sáng tạo xây dựng các mô hình kinh tế mới để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Song song với sản xuất nông nghiệp, nhiều hội viên đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, chăn nuôi tổng hợp và trồng trọt… Theo thống kê, toàn xã có 12 hội viên CCB thuộc các xóm Phố Sấu, Xí Nghiệp, Thịnh Vượng, Thịnh Phú sinh sống dọc đường Hồ Chí Minh phát triển dịch vụ nhà hàng. Tổng đàn gia cầm của hội viên CCB dao động từ 3.000 - 4.000 con. Ngoài ra, một số hộ đã mạnh dạn cải tạo diện tích vườn tạp trên 2 ha để trồng cây ăn quả có múi. Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình, đến nay, toàn xã có trên 40 hộ giàu, 160 hộ khá và còn 5 hộ thuộc diện hộ nghèo.
Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Bùi Văn Sượi ở xóm Đình Vặn, hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Hiện nay, gia trại của ông Sượi được mở rộng 1,2 ha, trong đó nuôi gà là nguồn thu nhập chính. Theo chu kỳ chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường 3 lứa, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Với mức giá dao động từ 65.000- 75.000 đồng/kg, ông Sượi thu về gần 400 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Ngoài ra, trồng vải, mía cũng giúp gia đình ông thu thêm khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả có múi, năm 2017, ông Sượi đầu tư vốn cải tạo diện tích vườn tạp trồng 300 gốc bưởi Diễn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Sượi cho biết: Trước đây, kinh tế của gia đình trông cậy vào cây ngô, cây sắn, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ năm 2016, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi gà, bước đầu cải thiện thu nhập, cuộc sống cũng ổn định hơn. Yếu tố quan trọng để đạt được thành công khi phát triển mô hình nuôi gà đó là luôn luôn chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh. áp dụng hiệu quả KH-KT vào quá trình chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, người chăn nuôi lo lắng trước vấn đề giá cả thị trường bấp bênh, chưa có các công ty liên kết thu mua sản phẩm.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên có cơ hội phát triển kinh tế, Hội CCB xã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện quản lý 3 tổ vay vốn với tổng dư nợ 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các cơ sở hội đã huy động hội viên xây dựng nguồn quỹ bình quân đạt 500.000 đồng/hội viên. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua đó, các hội viên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Đồng chí Chủ tịch Hội CCB xã cho biết thêm: Để khắc phục khó khăn về giá cả thị trường, Hội CCB xã sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tìm hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế mới để cải thiện thu nhập và đời sống cho hội viên. Qua đó xây dựng Hội không có hộ hội viên nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
Đức Anh