Các buổi sinh hoạt chi bộ ở huyện Lạc Thủy đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao phê bình và tự phê bình. ảnh: Cuộc sinh hoạt thường kỳ tháng 9/2018 của chi bộ thôn Tiên Lữ, xã An Bình có sự tham gia của cán bộ cấp ủy.
Xuất phát từ thực tế trên, những năm qua, Đảng bộ huyện Lạc Thủy đã xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Điều này đã được thể hiện rõ từ thực tiễn cơ sở. Ví như ở thôn Sóc Bai, Đầm Bíp (xã Yên Bồng). Đây là 2 thôn thuộc diện khó khăn nhất xã, vừa mới sáp nhập theo Đề án 1084 của tỉnh. Đồng chí Quách Thị Nga, bí thư chi bộ thôn Sóc Bai (mới) cho biết: Dù là địa bàn khó khăn nhưng những năm qua, chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong phát triển kinh tế, chi bộ đã lấy ý kiến nhân dân trước khi xây dựng các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo. Từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của gần 40 đảng viên trong chi bộ và quần chúng nhân dân. Nhờ vậy, các nghị quyết chuyên đề về trồng rừng gắn với phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê... đã được triển khai một cách hiệu quả. Qua đó đưa thu nhập bình quân của xóm đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, chi bộ Sóc Bai cùng với cấp ủy các cấp chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Đặc biệt là tuyên truyền về việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện để CBĐV và nhân dân hiểu rõ, đồng thuận trong triển khai thực hiện.
Cũng như Sóc Bai, thôn Phú Thắng (xã Phú Thành) có diện tích rộng, dân số đông với 149 hộ, 557 nhân khẩu. Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai rộng, bằng phẳng và màu mỡ, những năm qua, chi bộ thôn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các hộ đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng như cam, bưởi, nhãn và chăn nuôi gà. Hiện toàn thôn có 200 ha cây ăn quả có múi, trong đó 15 ha đã cho thu quả, 20 trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ. Nhờ đó, toàn thôn hiện có 60% hộ khá, giàu, trên 90% hộ có nhà ở kiên cố. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Để có được kết quả này, theo đồng chí Hà Quyết Thắng, bí thư chi bộ thôn Phú Thắng là do: Chi bộ đã đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng gắn liền với thực tiễn của địa phương. Các nghị quyết của chi bộ đều được xây dựng trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với thực tế của địa phương. Cùng với đó, chi bộ đã vận động CBĐV phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống...
Đồng chí Phạm Văn Đức, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Thủy cho biết: Huyện ủy Lạc Thủy đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tế địa phương nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đến nay, 100% chi bộ có cấp ủy viên phụ trách, giúp các chi bộ tổ chức sinh hoạt đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao phê bình và tự phê bình. Việc sinh hoạt định kỳ hàng tháng được tổ chức theo đúng quy định. Nội dung sinh hoạt được đổi mới. Các chi bộ đã tập trung bàn về chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị; đánh giá về tư tưởng đảng viên; kịp thời phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo tính thời sự cao. Qua đó đã nâng cao tính giáo dục, chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng đảng viên. Công tác đảng viên tiếp tục được coi trọng và thực hiện toàn diện trên cả 3 mặt quản lý, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển đảng viên mới. Qua đánh giá, phân loại hàng năm, 100% chi bộ được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó chi bộ được công nhận TSVM đạt từ 50% trở lên. Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 13%, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 75% trở lên...
Mạnh Hùng