(HBĐT) - Nếu như Nam Định là quê hương của Đức Thánh Trần, Hà Nam là kho quân lương lớn nhất của nhà Trần thì Vạn Kiếp, Kiếp Bạc chính là nơi Người đã cống hiến cả cuộc đời và làm nên sự nghiệp lẫy lừng với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Đây cũng là nơi Đức Thánh Trần hiển Thánh mất đi. Vậy nên trong tiềm thức dân gian Kiếp Bạc chính là thánh địa thờ Đức Thánh Trần. Cách Kiếp Bạc không xa là di tính Côn Sơn - nơi ẩn dật tu tâm, dưỡng tính của các bậc danh nhân tiêu biểu cho tâm hồn, khí khách tinh hoa văn hóa Việt ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Tất cả hòa quyện tạo nên "Côn Sơn - Kiếp Bạc” - Khu di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Hải Dương.
Lãnh đạo Báo Hải Dương giới thiệu với lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình về giá trị của di tích Kiếp Bạc. Ảnh: P.V
Kiếp Bạc - đất linh ghi dấu chiến công nhà Trần
Đền Kiếp Bạc thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh (Hải Dương) có vị trí đặc biệt với "thế sông núi hiểm mà hài hòa, hùng vĩ mà khoáng đạt”. Tại đây hội nước 4 dòng sông lớn đổ về mang theo phù sa bồi đắp yên ổn và thịnh vượng cho trăm họ, muôn dân đất Hải Dương.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Vì vị trí chiến lược "quyết chiến điểm” này mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh. Vào thời nhà Trần ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp để đặt đại bản doanh, xây dựng phủ đệ. Với tài thao lược của Quốc Công Tiết Chế, Kiếp Bạc – Lục Đầu Giang đã phát huy tổng lực của thế trận chiến tranh nhân dân, quân dân Đại Việt "trên dưới một lòng, cả nước giúp sức” 3 lần đẩy lùi quân Nguyên Mông xâm lược với đỉnh cao là trận chiến Bạch Đằng lừng lẫy đánh tan hoàn toàn sự xâm lược của đại quân Nguyên Mông hùng mạnh. Sau đại thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Vạn Kiếp cũng chính là nơi Trần Hưng Đạo đã sáng tác những binh thư nổi tiếng như: Binh gia diệu lý yếu lược, Hịch tướng sỹ, Vạn Kiếp tông bí truyền thư… để khích lệ binh sĩ, đúc kết kinh nghiệm cầm quân truyền lại cho hậu thế. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), Đại Vương mất tại Kiếp Bạc và được nhân dân tôn là Đức Thánh Trần, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông, đất nước. Hiện nay, Đền Kiếp Bạc thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng toàn thể gia quyến.
Chúng tôi đến thăm Kiếp Bạc vào những ngày đầu xuân Kỷ Hợi và không khỏi ngỡ ngàng bởi không gian cổ kính, linh thiêng mà nơi đây vẫn còn lưu giữ được khá trọn vẹn. Bắt đầu từ nghi môn cổ kính vẹn nguyên dấu thời gian trên từng dòng chữ, nét rồng chầu cho đến phong cách kiến trúc đặc trưng. Nhón nhẹ bước chân qua các bậc thềm tượng trưng cho "ngũ phúc”, chúng tôi đã vào đến chính điện. Không gian điện thờ chính thể hiện sự trọn vẹn ân tình của người sống đối với bậc hiền nhân. Trung tâm của điện thờ là ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương, phía trước là ban thờ 4 người con trai "Tứ vị Vương tử” của Hưng Đạo Vương là: Hưng Vũ Vương, Hưng Hiển Vương, Hưng Nhượng Vương và Hưng Trí Vương. Cung cấm là ban thờ gia tiên và Đức Quốc Mẫu (phân nhân Đức Thánh Trần) cùng hai người con gái của Hưng Đạo Vương. Trong đền Kiếp Bạc còn thờ những vị tướng tài của Hưng Đạo Vương là Phạm Ngũ Lão, tướng quân Yết Kiêu, tướng quân Dã Tượng và công đồng Trần triều…
Đặc biệt, trong khu di tích Kiếp Bạc còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể, di sản Hán Nôm phong phúc, đúc kết tinh hoa văn hóa Việt. Lễ hội đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 16 – 20 tháng 8 âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức tế lễ, nhưng quan trọng nhất là lễ dâng hương quốc tế dân an, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ hầu thánh, lễ hội hoa đăng…
Ngỡ ngàng cảnh sắc Côn Sơn
Cách Kiếp Bạc chừng 5 km là di tích Côn Sơn bao gồm cụm di tích thờ Phật (chùa Hun) và cụm di tích về danh nhân Nguyễn Trãi. Nếu như Kiếp Bạc mang đến cảm giác linh thiêng thì Côn Sơn lại khiến cho du khách cảm thấy bình yên, thanh tịnh và thích thú ngoạn cảnh, tiêu dao. Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm, Thanh Mai thì Côn Sơn được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây Phật hoàng Trần Nhân Tông đã về hoằng dương thuyết pháp, phát triển giáo giới xây dựng chùa Hun thành chốn tổ đình, một Thiền viện lớn từ thời đại nhà Trần.
Cùng với ý nghĩa lớn lao về giá trị lịch sử, Côn Sơn còn mang đến những ấn tượng riêng biệt đối với du khách bởi cảnh sắc quá đỗi đẹp đẽ nơi đây. Bởi nơi đây có núi Kỳ Lân, Ngũ Nhạc, có rừng thông xanh bát ngát reo đùa trong gió xuân, có suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát. Trung tâm của di tích là Bàn Cờ Tiên cheo leo vách núi; Thạch Bàn, Giếng Ngọc rêu phong dấu tích thời gian; có chùa Hun cổ kính, am Bạch Vân, đền Nguyễn Trãi, động Thanh Hư, cầu Thấu Ngọc, Ngũ Nhạc linh từ… Nơi đây cảnh vật tốt tươi, chùa chiền cổ bích, am pháp thâm nghiêm, u tịch mà tao nhã, phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình hòa hợp say đắm hồn người. Thật xứng đáng là điểm đến xúc cảm đầu xuân!
Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hóa hiếm có. Ở đây có Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ và để lại dấu ấn thấm đẫm trong từng công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc; qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối…Di sản văn hóa phi vật thể quý giá ở Côn Sơn chứa đựng trong sách vở, trong các thuyền thuyết còn lưu, trong các nghi thức cúng tế, hoạt động lễ hội phong phú.
Hiếm đâu như Côn Sơn lại có nhiều tri thức, văn nhân, những nhà văn hóa đến thăm, cảm hứng và sáng tạo đến vậy. Tiêu biểu như Trần Nguyên Đán – quan Đại tư đồ phụ chính – nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để nghỉ dưỡng những ngày tháng cuối đời. Đặc biệt là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã nhiều năm sống, gắn bó cùng cảnh vật Côn Sơn. Đến với Côn Sơn hôm nay, dù dòng thời gian đã chảy trôi hàng ngàn năm nhưng dấu vết Ức Trai - Sao Khuê Nguyễn Trãi vẫn còn khá vẹn nguyên trong từng bút tích, áng thơ văn kiệt xuất mà tiêu biểu như "Côn Sơn ca”…
Những năm gần đây, địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện không gian kiến trúc, cảnh quan của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, góp phần làm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ, công năng sử dụng, phục vụ cho phát triển du lịch, công tác nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Nhờ vậy, Côn Sơn – Kiếp Bạc ngày càng được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, là một chốn "tìm về” linh thiêng, tao nhã.
Dương Liễu
Tháng 3, đường tuần tra biên giới phủ vàng những vạt hoa cải. Tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng, Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu bước thoăn thoắt giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trước mắt Yên và Thu là những cột mốc từ 197 đến 199 ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.
(HBĐT) - Từ hàng trăm năm qua, cánh rừng dưới chân đèo Đá Trắng (xã Phú Cường, Tân Lạc) vẫn là rừng nguyên sinh. Dù nghèo đói thế nào cũng không ai dám vào rừng đốn củi, lấy măng. Dù rằng ngay phía dưới là quốc lộ 6 chạy qua...
Vượt lên mọi khó khăn gian khổ chồng chất sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, 40 năm qua, quân và dân tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng TP Lào Cai trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là cửa ngõ giao thương quốc tế ở vùng biên giới phía bắt đất nước.
(HBĐT) - Giữa Thủ đô hoa lệ, náo nhiệt, làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét cổ kính, thanh lịch với cổng làng, giếng nước, cây đa, sân đình, mái chùa mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Phố Lụa yên ả, nuột nà mà rực rỡ sắc màu của gấm, của lụa, làm say lòng du khách. Chẳng vậy mà, những ngày đầu xuân, rời xa ồn ào phố thị, không ít người đã về làng cổ Vạn Phúc như tìm về chốn quê nuôi dưỡng giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt. Sự kết hợp giữa gìn giữ làng nghề truyền thống và làm du lịch đã khiến nơi đây có sức hút riêng với du khách trong, ngoài nước.
Mỗi độ Xuân về, trong muôn vàn loài hoa tỏa sắc khoe hương chợ Tết, tôi không thôi nhớ những dáng đào bích, đào phai của vùng đất Bảo Thắng (Lào Cai) cứ bình dị, hồn nhiên khoe hoa thắm, lá tươi giữa phố phường đông vui, như cô gái quê đang thì xuân sắc.
(HBĐT) -Một ngày cuối năm 2018, chúng tôi có dịp trở lại vùng cao huyện Lạc Sơn thăm các cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ giữ bình yên trên những cánh rừng đại ngàn. Khoác trên mình màu áo xanh của lực lượng kiểm lâm là niềm tự hào đối với 22 cán bộ làm nhiệm vụ giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Cùng với niềm tự hào đó là trách nhiệm không nhỏ đặt lên vai họ, những con người ăn ngủ với "vàng trên đất”.