Những ngày đầu xuân, làng lụa Vạn Phúc thu hút nhiều du khách nước ngoài tới thăm quan, mua sắm.
Làng lụa Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội). Từ rất lâu, nơi đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng với chất liệu riêng biệt, mẫu mã, hoa văn độc đáo.
Tương truyền, Thành Hoàng làng Vạn Phúc là bà Ả Lã, hiệu Thị Nương. Bà là người có công truyền dạy nhân dân Vạn Phúc nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Hàng năm, địa phương đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn bà và giáo dục con cháu truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đến nay, nghề dệt có bề dầy lịch sử trên 1.000 năm. Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn. Sản phẩm tuyệt đẹp này được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931), Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương... Từ năm 1958 - 1988, lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất khẩu sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, người dân Vạn Phúc không còn dệt vải bằng những khung cửi thủ công mà bằng hệ thống máy dệt với các sản phẩm phong phú. Những sản phẩm tinh tế như lụa vân, sa tanh… vẫn được nghệ nhân trong làng dày công nghiên cứu để giữ gìn và truyền lại cho con cháu. Hoa văn trang trí trên vải lụa đa dạng từ các mẫu Song hạc, Thọ đỉnh, Tứ quý, hoa sen... làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế mà kiêu sa, lịch lãm. Lụa Vạn Phúc độc đáo bởi hoa văn đa dạng, được bàn tay khéo léo, cần mẫn của các nghệ nhân làm nên như tạo dựng tác phẩm nghệ thuật.
Tuy có quãng thời gian chìm lắng, nhưng thực hiện chủ trương, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, phường Vạn Phúc đã xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Ngoài việc duy trì hàng trăm gian hàng và có công ty giới thiệu sản phẩm lụa ngay trong làng, phường đã mở rộng thêm các tuyến phố và mô hình kinh doanh dịch vụ tạo sự mãn nhãn, thuyết phục đối với khách du lịch qua phố Lụa, phố Ẩm thực, chợ cây sinh vật cảnh, kinh doanh may mặc...
Những người thợ làng Vạn Phúc miệt mài tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách.
Hiện, làng Vạn Phúc có gần 800 hộ làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống nơi đây. Hàng năm, làng sản xuất khoảng 2,5- 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề.
Đầu xuân, người dân thường tìm đến những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhưng làng lụa Vạn Phúc vẫn không vắng người. Khách từ các tỉnh, thành phố và nhiều khách nước ngoài đã du xuân nơi này để tìm về sự thư thái, thanh lịch giữa phố lụa muôn màu, mê hồn du khách bởi chất liệu mềm mại, nhẹ nhàng, mát lạnh của gấm, của lụa. Đặc biệt, để bắt kịp xu hướng thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trang phục may sẵn và các sản phẩm từ lụa như khăn, mũ, cà vạt, túi xách... được bày bán, giới thiệu, tạo nhiều cơ hội để du khách lựa chọn. Với xu hướng kết hợp hài hòa giữa nét xưa và hiện đại, bên cạnh những xấp gấm, lụa, các cửa hàng đều bày bán trang phục với kiểu dáng phong phú từ áo dài truyền thống, áo dài cách tân của cả nam và nữ, quần áo, váy với dòng sản phẩm từ cao cấp đến bình dân, khiến du khách đến đây đều có thể lựa chọn cho mình sản phẩm vừa ý.
Trong tiết trời trong lành ngày xuân, được dảo bước trên phố lụa, ướm mình với tấm vải mềm mại, nhẹ nhàng và được xem những người thợ miệt mài dệt vải mà như thấy con người nơi đây đã gửi hồn dân tộc vào từng tấm lụa. "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...”- câu ca bất chợt của một du khách và nụ cười thân thiện, rạng rỡ từ người bán hàng giúp tôi hiểu rằng, làng lụa Vạn Phúc đang làm được những điều mong muốn.
Bình Giang