Theo ông Hà Văn Phượng, Trưởng xóm Vó, từ hàng trăm năm qua, khu rừng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, dù nghèo đói thế nào cũng không phá rừng.
Rừng thiêng dưới chân đèo
Trong một cuộc trò chuyện, chúng tôi được nghe đồng chí Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường (Tân Lạc) kể về khu rừng thiêng này. Theo anh Khải, đây là cánh rừng của ông cha để lại từ nhiều đời trước. Gọi là cánh rừng thiêng bởi nó gắn bó với cuộc sống cộng đồng và có nhiều điều kỳ lạ xảy ra đến giờ vẫn chưa thể lý giải được, như việc đá lở, đá lăn.
Theo các cụ cao niên trong xóm kể lại, bình thường khi không có chuyện gì xảy ra thì không có hiện tượng này. Khi trong xóm có chuyện lớn như ông mo hoặc quan lang qua đời thì chỉ hôm trước hôm sau sẽ có hiện tượng đá lở, đá lăn. Bây giờ không còn quan lang nhưng những cụ cao niên sống có đức độ hay những ông mo lớn của vùng là người ở xóm Vó qua đời vẫn còn xảy ra hiện tượng này. Thêm một điều kỳ lạ nữa là tất cả những lần đá lở, dù hòn to hay hòn nhỏ đều lăn về một hướng và nằm ở bãi Hộc Khoai. Ngay dưới chân núi là hàng trăm nóc nhà của xóm Vó nhưng chưa một lần đá lăn về phía những ngôi nhà dưới chân núi.
Chỉ tay về phía cánh rừng, đồng chí Bùi Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường góp chuyện: Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này cũng được chứng kiến nhiều điều kỳ lạ của cánh rừng thiêng Khụ Vó. Nhưng ly kỳ nhất được nghe các cụ kể lại là vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khi quân Pháp tổ chức đi càn đến vùng đất Phú Cường, biết được ở xóm Vó cuộc sống trù phú đã kéo quân đến nhưng cả làng, cả bản chẳng có một người dân. Khi biết người dân bỏ làng mang theo tài sản trốn lên khu rừng Khụ Vó, cả trăm tên lính được xua lên tìm, bắt người mang về. Nhưng càng đi, chúng càng hoang mang vì mới đầu còn nghe thấy tiếng người, bóng người nhưng loáng cái biến mất rồi lại thoắt ẩn, thoắt hiện, cười đùa giữa rừng núi hoang vu. Cả trăm tên lính mất ngày, mất buổi lùng sục, kiếm tìm nhưng cuối cùng đành trở về tay không. Kỳ thực khi đó, người dân trốn trên núi cũng không xa làng. Thậm chí, còn nghe rất gần tiếng giày đinh bước trên đá, tiếng xì xèo của đám lính bợ. Nhưng rồi ai cũng được bình an vô sự. Sau lần ấy, đám lính Pháp có thêm một vài lần tổ chức càn quét nhưng chưa một lần chúng thấy được bóng dáng người dân làng Vó.
"Khi biết đi là biết giữ rừng”
Hướng ánh mắt về phía cánh rừng Khụ Vó ngay phía trên nóc nhà, cụ ông Bùi Văn Mịnh (82 tuổi) nói với niềm tự hào: Bây giờ cả vùng này chỉ có mỗi khu rừng Khụ Vó là còn giữ được gần như nguyên vẹn. Việc giữ rừng với chúng tôi có từ trong tâm thức, là phần hồn được ông bà, tổ tiên truyền lại. Chẳng thế mà ngay từ khi còn là đứa trẻ nhỏ mới chập chững tập đi, chúng tôi đã được người lớn dạy... giữ rừng.
Giữ được rừng chính là giữ được nguồn nước, giữ được cuộc sống của người dân bình an, yên vui. Cụ bà Bùi Thị Mị năm nay bước sang tuổi 96, là người sống thọ nhất vùng thủ thỉ: Nhờ có rừng, cuộc sống ở đây vẫn giữ được sự trong lành, chúng tôi vẫn còn dòng nước mát ngọt. Hơn nữa, giữ được rừng, nhờ rừng che chở mà suốt bao đời nay vùng đất này chưa một lần phải chịu thiên tai, lũ ống, lũ quét như những nơi lân cận.
Cũng theo cụ Mị, cụ Mịnh, để giữ được màu xanh tươi tốt cho cánh rừng Khụ Vó, từ xa xưa các cụ trong làng đã đề ra luật tục rất nghiêm khắc đối với ai có hành vi xâm hại rừng. Chỉ cần ai đó vào rừng lấy một gánh củi cũng phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của làng. Nặng thì bị phạt thóc lúa, lợn, gà; nhẹ thì bị đưa ra kiểm điểm trước dân, trước xóm. Có một điều đặc biệt là dù đề ra những hình phạt đó nhưng chưa từng có một ai vi phạm, dù khi người dân đang ở thời kỳ khó khăn, đói kém nhất. Bởi trong tâm thức của người dân nơi đây, khu rừng Khụ Vó là rừng cấm, rừng thiêng...
Giống như xưa, theo ông Hà Văn Phượng, Trưởng xóm Vó, hiện nay xóm cũng đưa việc quản lý, bảo vệ rừng vào hương ước của xóm. Theo đó, ai vi phạm chỉ cần lấy ra khỏi rừng một cây, que dù lớn hay nhỏ đều bị phạt 50.000 đồng cho lần đầu tiên. Những lần tiếp theo tùy mức độ để xử phạt theo quy định. Đề ra là vậy, nhưng cũng tuyệt nhiên chưa có ai vi phạm. Ý thức giữ rừng được tuân thủ đến mức dù có cây bị gãy đổ thế nào vẫn để nguyên như vậy, chẳng ai có một ý nghĩ mảy may tơ hào. Nhờ vậy, đến nay trên rừng vẫn còn những cây gỗ quý như trai, gù hương. Hơn nữa, việc giữ cho cánh rừng xanh tốt, nhiều loài chim, thú cũng rủ nhau về sinh sống.
Mạnh Hùng