(HBĐT) - Dù UBND 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến khu vực suối Rằm thuộc xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, các hộ dân đều không nhất trí trở về địa phương và còn có ý định lôi kéo nhiều người trong dòng tộc ở các tỉnh đến cư trú lâu dài, lập làng mới...


Đoàn công tác của tỉnh khảo sát thực địa khu vực xâm canh, xâm cư, di dân tự do tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu).

Điểm "nóng” Cun Pheo

Là xã vùng sâu của huyện Mai Châu, cách trung tâm huyện 30 km, thời gian qua, xã Cun Pheo đang trở thành điểm "nóng” về xâm canh, xâm cư, đặc biệt tại xóm Táu Nà, địa bàn cách trung tâm xã 10 km. Theo đồng chí Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Cun Pheo, do là địa bàn vùng sâu, xa, diện tích rộng, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, nên địa bàn Táu Nà trở thành điểm nóng về hoạt động xâm canh, xâm cư, di dân tự do.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, có khoảng 10 hộ dân từ Sơn La di cư sang khu vực xóm Táu Nà để phát nương dựng nhà. Tiếp đó có thêm nhiều người dân từ các nơi khác đến chiếm dụng đất để canh tác, sản xuất, dựng nhà. Đồng chí Lò Văn Thiên cho biết thêm: Trước thực trạng trên, ngay khi phát hiện việc một số người dân ở nơi khác di cư đến địa bàn, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện và các ngành chức năng để tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Cùng với đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Kiểm lâm và các ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động nhưng đa phần người dân không chấp hành. Họ vẫn tiếp tục chiếm dụng đất phát nương làm nhà và có ý định định cư lâu dài tại đây.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 2/2019, tại khu vực suối Rằm, xóm Táu Nà còn 23 hộ với 131 nhân khẩu người dân tộc Mông của 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái đang có hoạt động xâm canh, xâm cư. Trong đó, có 20 hộ với 108 nhân khẩu là người Mông của tỉnh Sơn La; 3 hộ với 23 nhân khẩu là người Mông của tỉnh Yên Bái đã dựng nhà kiên cố và có ý định định cư lâu dài tại đây.

Trước thực trạng trên, UBND 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái đã thành lập đoàn công tác trực tiếp đến thực địa để gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. Về phía 2 tỉnh này cho biết, đã có chủ trương, chính sách đón đồng bào dân tộc Mông thường du canh, du cư đến địa phương khác sinh sống, xâm canh, xâm cư trở về tỉnh sẽ hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở để ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đang xâm canh, xâm cư tại huyện Mai Châu đều không nhất trí trở về địa phương, mà còn có ý định lôi kéo thêm nhiều người Mông trong dòng tộc ở các tỉnh khác đến cư trú lâu dài, chiếm dụng đất, lập làng mới...

Lời giải nào cho bài toán di cư tự do ở huyện Mai Châu?

Theo đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, khu vực người Mông đến xâm canh, xâm cư thuộc địa bàn xóm Táu Nà là khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá. Đây là nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, chỉ có đường mòn đi bộ. Khu vực này không được quy hoạch xây dựng khu dân cư. Do vậy, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm... Hơn nữa, phần lớn diện tích đất các hộ hiện đang xâm canh, xâm cư đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Mai Bình quản lý, đầu tư để trồng rừng phòng hộ kết hợp kinh tế, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Hoạt động xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã Cun Pheo thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phá vỡ quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất, tiềm ẩn nhiều phức tạp về ANTT và nhiều hệ lụy về KT-XH địa phương.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào xâm canh, xâm cư tại khu vực suối Rằm trở về địa phương. Huyện uỷ, UBND huyện Mai Châu thành lập các tổ công tác phối hợp với Công an, Kiểm lâm và UBND xã Cun Pheo tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân xâm canh, xâm cư ký cam kết trở về địa phương. Từ năm 2015 đến nay, huyện Mai Châu đã tổ chức 4 đợt cho các hộ dân ký cam kết không xâm canh, xâm cư, trở về địa phương cũ sinh sống. Tuy nhiên, chỉ có 33/38 hộ ký cam kết. Trong đó, chỉ có 15 hộ trở về địa phương, 23 hộ dân còn lại vẫn tiếp tục bám trụ với ý định định cư lâu dài tài khu vực này.

Theo đánh giá của UBND huyện Mai Châu, việc di dân tự do, xâm canh, xâm cư thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn và thách thức cho địa phương. Điển hình như gây ra nạn chặt, phá rừng làm nương rẫy tăng cao, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp; xảy ra tình trạng tranh chấp đất giữa các hộ di dân tự do và người dân địa phương, doanh nghiệp. Cá biệt có trường hợp sử dụng vũ khí nóng để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn gây mất ANTT tại địa phương; tình trạng đói nghèo, tệ nạn xã hội, trẻ em không được đi học và ô nhiễm môi trường tăng; đời sống cư dân địa phương bị xáo trộn, công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu của địa phương gặp khó khăn, phá vỡ quy hoạch về dân cư và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Bên cạnh đó, do các hộ di dân không đủ điều kiện nên chưa được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú, dẫn tới không được hưởng các chế độ, chính sách y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội...

Để giải quyết vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ di dân trở về địa phương cư trú. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương có các hộ di dân tự do tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách, tạo điều kiện cho các hộ di dân trở về địa phương ổn định cuộc sống, sản xuất. Đối với các hộ kiên quyết không trở về địa phương nơi cư trú cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ, đầu tư xây dựng khu tái định cư; thực hiện bố trí, sắp xếp nơi ở mới cho người dân. Tập trung nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di cư có nơi cư trú hợp pháp, ổn định đời sống, sinh kế, có đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp lôi kéo, kích động bà con di cư tự do.

Trong bối cảnh hiện nay, căn cứ thực trạng và sự cấp bách của việc giải quyết triệt để vấn đề di dân tự do trên địa bàn huyện Mai Châu, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng khu tái định cư cho đồng bào di dân tự do tại xóm Táu Nà với mục tiêu bố trí đất ở, đất sản xuất, hạ tầng thiết yếu phục vụ ổn định cuộc sống của các hộ di dân tự do, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Không khuyến khích di dân tự do. Nhưng họ đã đi rồi, đã lỡ đến đây rồi thì phải quan tâm giải quyết những chính sách cụ thể, đảm bảo an sinh xã hội. Không để đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, mất ANTT, phá rừng”.

P.V


Các tin khác


Chuyện chưa kể về cánh rừng thiêng dưới chân đèo Đá Trắng

(HBĐT) - Từ hàng trăm năm qua, cánh rừng dưới chân đèo Đá Trắng (xã Phú Cường, Tân Lạc) vẫn là rừng nguyên sinh. Dù nghèo đói thế nào cũng không ai dám vào rừng đốn củi, lấy măng. Dù rằng ngay phía dưới là quốc lộ 6 chạy qua...

Thành phố trẻ nơi biên giới Lào Cai

Vượt lên mọi khó khăn gian khổ chồng chất sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, 40 năm qua, quân và dân tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng TP Lào Cai trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là cửa ngõ giao thương quốc tế ở vùng biên giới phía bắt đất nước.

Du xuân làng lụa Vạn Phúc

(HBĐT) - Giữa Thủ đô hoa lệ, náo nhiệt, làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét cổ kính, thanh lịch với cổng làng, giếng nước, cây đa, sân đình, mái chùa mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Phố Lụa yên ả, nuột nà mà rực rỡ sắc màu của gấm, của lụa, làm say lòng du khách. Chẳng vậy mà, những ngày đầu xuân, rời xa ồn ào phố thị, không ít người đã về làng cổ Vạn Phúc như tìm về chốn quê nuôi dưỡng giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt. Sự kết hợp giữa gìn giữ làng nghề truyền thống và làm du lịch đã khiến nơi đây có sức hút riêng với du khách trong, ngoài nước.

Thắm sắc đào Bảo Thắng

Mỗi độ Xuân về, trong muôn vàn loài hoa tỏa sắc khoe hương chợ Tết, tôi không thôi nhớ những dáng đào bích, đào phai của vùng đất Bảo Thắng (Lào Cai) cứ bình dị, hồn nhiên khoe hoa thắm, lá tươi giữa phố phường đông vui, như cô gái quê đang thì xuân sắc.

Giữ bình yên rừng đại ngàn Ngọc Sơn - Ngổ Luông

(HBĐT) -Một ngày cuối năm 2018, chúng tôi có dịp trở lại vùng cao huyện Lạc Sơn thăm các cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ giữ bình yên trên những cánh rừng đại ngàn. Khoác trên mình màu áo xanh của lực lượng kiểm lâm là niềm tự hào đối với 22 cán bộ làm nhiệm vụ giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Cùng với niềm tự hào đó là trách nhiệm không nhỏ đặt lên vai họ, những con người ăn ngủ với "vàng trên đất”.

Khát vọng nơi biên cương: Nén hương tháng Hai

Có khát vọng thẳm sâu trong mỗi người dân Việt Nam, đó là Hòa Bình. Khát vọng ấy càng cháy bỏng nơi biên cương, trong trái tim biết bao thế hệ đánh đổi xương máu để giành, giữ từng tấc đất thiêng liêng của đất nước qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục