Tháng 3, đường tuần tra biên giới phủ vàng những vạt hoa cải. Tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng, Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu bước thoăn thoắt giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trước mắt Yên và Thu là những cột mốc từ 197 đến 199 ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.
Tự quản đường biên, cột mốc
Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu cùng ở xã Xín Mần (huyện Xín Mần, Hà Giang). Ở tuổi
26, họ là những cô gái trẻ nhất trong số 6 chị em thuộc Đội Dân quân tự quản. 3
tháng một lần, họ tham gia vào đội hình tuần tra của các chiến sĩ thuộc Trạm
Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần. Hai cô gái trẻ được giao nhiệm vụ đơn giản là kiểm
tra đường biên hay phát quang, dọn cỏ, lau các cột mốc từ 197 đến 199. Tuy vất
vả nhưng các chị rất tự hào khi được đồng hành cùng người chiến sĩ biên phòng
trong mỗi chuyến tuần tra gìn giữ sự bình yên cho thôn, bản.
Ngoài trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi lợn gà như bao phụ nữ Mông khác, Yên và
Thu còn làm việc bán chuyên trách tại xã Xín Mần. Mỗi tuần 3 lần, họ lên UBND
xã, nhận các tài liệu tuyên truyền để lặn lội mang tới từng hộ gia đình. Nhờ những
tuyên truyền viên tích cực này, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng
và Nhà nước đã nhanh chóng đến được trong mỗi nếp nhà của bà con nơi thôn bản
xa xôi.
Ma Seo Lằng, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Pô, thôn biên giới của xã A Mú Sung (huyện
Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cũng là một trong những người trẻ luôn sát cánh bên các
chiến sĩ biên phòng. Được giao trọng trách làm Tổ trưởng Tổ tự quản mô hình
"Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới"
tại Lũng Pô, anh cùng với 6 thành viên khác đã vận động hàng trăm lượt hộ tham
gia phát quang đường tuần tra và bảo vệ hai cột mốc 91, 92, nơi có cột cờ Lũng
Pô, điểm thiêng liêng đánh dấu nơi dòng sông Hồng chảy vào đất Việt.
Đại úy Nguyễn Ngọc Tuệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung vui mừng cho biết,
Lũng Pô giờ đã trở thành điểm sáng ở địa phương. Sau nhiều năm kiên trì vận động,
người dân trong thôn đã vững tâm làm nương rẫy, không vượt biên trái phép, lo
xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp và cho con cái đến trường. Bí thư Chi bộ
thôn Ma Seo Lằng thì mừng khôn xiết khi nghiệm ra chân lý giản đơn: Mỗi gia
đình hạnh phúc thì thôn bản sẽ bình yên!
Việc làm của những người như Ma Seo Lằng hay các nữ dân quân tự quản tại Xín Mần
đã và đang là những nhân tố tích cực giúp bà con các xã biên giới ngày càng có
ý thức cao trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đường biên, mốc giới. Bằng nhiều
cách làm sáng tạo, hiệu quả, gắn với thực tiễn từng thôn bản, từng tuyến biên
giới, Bộ đội biên phòng cả nước đã và đang đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ
an ninh biên giới Tổ quốc, xây dựng thế trận phòng tuyến an ninh nhân dân vững
chắc.
Thật vậy, trong những năm qua Bộ đội biên phòng trong cả nước đã quán triệt và
thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ tại lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang
ngày 28-3-1959: "... chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là Công an biên phòng
ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục, tập quán của đồng bào,
luôn giúp đỡ, giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng
bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta...".
Với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc
là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng luôn kiên trì bám
dân, bám địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời chủ động tham mưu
cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành,
đoàn thể, các lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới, tham gia xây dựng, củng
cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, mang
ánh sáng văn hóa của Đảng tới các bản, làng vùng sâu, vùng cao biên giới, hải đảo.
Những "sứ giả hữu nghị"
Cuối chiều, nắng ngoài Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào
Cai) đã vãn, nhưng lượng khách qua khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh thì chưa
vơi. Ca làm việc của Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, nhân viên Đội Thủ tục sẽ kết thúc
vào lúc 10h đêm. Tần suất làm việc căng thẳng, kéo dài liên tục nhưng Đại úy Tuấn
Anh luôn giữ thái độ tươi cười, niềm nở, giúp hành khách xuất nhập cảnh nhanh
nhất. Có lẽ đây cũng là bí quyết "ghi điểm", giúp người chiến sĩ biên
phòng này nhận được số phiếu bình chọn cao từ hành khách nước bạn và đạt được
danh hiệu "Sứ giả hữu nghị".
Thiếu tá Nguyễn Đình Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào
Cai cho biết, từ quý I-2016, Đồn cùng đơn vị kết nghĩa là Trạm Kiểm soát biên
phòng Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã thống nhất tổ chức bình chọn
"sứ giả hữu nghị" của hai nước.
Qua 4 năm thực hiện đã có 12 "sứ giả" của hai nước được vinh danh,
qua đó khích lệ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thi đua học tập, nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân, phục vụ hành
khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu.
Ngoài ra, bắt đầu từ quý II-2018, từ sáng kiến của Thiếu tá Quang, hai đơn vị Đồn
- Trạm kết nghĩa đã tiến hành bình chọn danh hiệu "Đảng viên Đảng Cộng sản
ưu tú" với bộ tiêu chí đánh giá còn khắt khe hơn "Sứ giả hữu nghị".
Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai tự hào khi việc bình chọn
cả hai danh hiệu đều là những mô hình mới tiên phong, lần đầu tiên xuất hiện
trên tuyến biên giới Việt - Trung. Từ hiệu quả đạt được, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên
phòng đã chọn đây là những mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh có tuyến biên
giới Việt - Trung.
Gần 10 ngày được đến rất nhiều đồn biên phòng thuộc hai tỉnh Lào Cai và Hà
Giang, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận được biết bao tình cảm sâu nặng
của bà con các dân tộc vùng biên giới dành cho các chiến sĩ biên phòng.
Bà con và tất thảy lãnh đạo các địa phương đều khẳng định: "Bộ đội biên
phòng là nòng cốt, chuyên trách, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới,
biển đảo, xây dựng làng bản, xã biên giới vững mạnh". Đồn là nhà, biên giới
là quê hương, các chiến sĩ biên phòng là những người con của núi rừng, thôn bản,
cùng nhân dân và bà con các dân tộc xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh,
đáp ứng mọi yêu cầu trong tình hình mới.