Tìm dân lập bản
Bắt đầu bước vào mùa mưa, nghe tin Bộ đội Biên phòng Lai Châu triển
khai đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở khu vực biên giới
huyện Mường Tè, tôi rủ nhà thơ Đỗ Hoàng làm chuyến lên Lai Châu. Sau 2 ngày
đánh vật với con U-oát, chúng tôi cũng lên được đến đồn Thu Lũm, dưới chân núi
U ma tu khoòng.
Để vào được đến bản Là Si, từ đồn phải vượt qua 5 con dốc, 4 đỉnh
núi cao trên 2.000 m, 4 cánh rừng nguyên sinh. 6 giờ sáng chúng tôi phải lên đường
để kịp chiều vào đến bản. Kế hoạch của biên phòng tỉnh là cử một đội công tác
vào, tìm được dân, cắm lán trại ở lại rồi triển khai làm nhà cho dân. Do đường
vào chủ yếu là đường trâu đi, đội công tác phải mang theo cơ sở vật chất lương
thực, xoong nồi, phương tiện làm nhà nhiều, lỉnh kỉnh, thuê bà con người Hà Nhì
bản cạnh đồn mang giúp. Tôi và nhà thơ Đỗ Hoàng "bám theo”.
Sau một ngày ròng rã vượt núi, băng rừng, lội suối, trưa ăn cơm nắm,
khát vặt quả me rừng nhấm với vài hạt muối hoặc xuống suối, đoàn công tác cũng
vào đến cụm bản The La Cồ lúc mặt trời đã xuống qua đỉnh U ma tu khoòng. Vào đến
nơi, bản chỉ có 5 nóc nhà trên vạt đất phẳng khoảng 50m2. Nói là nóc nhà nhưng
chỉ nhỏ như cái lều chợ dưới xuôi. Trong các căn nhà đó đều được chia làm 2 phần.
Phía trong là cái sạp nứa đập giập ống như đan liếp đặt lên 4 chân đỡ là các cọc
buộc chéo đóng xuống đất gác 2 đoạn tre. Phía bên ngoài là bếp, chiếc kiềng han
gỉ có mấy hòn đá kê đỡ phía dưới. Cả bản tịnh không có một bóng người.
Là người có kinh nghiệm, gần cả cuộc đời làm lính ở với đồng bào,
Trung tá Hoàng Minh Thành, Trưởng ban Vận động quần chúng của Bộ Chỉ huy Biên
phòng tỉnh phân công đội công tác thành mấy tốp. Tốp san nền dựng nhà bạt, tốp
dựng cột triển khai phiên thông tin liên lạc, tốp làm đường ra suối và làm các
mó chứa nước để có nước sử dụng. Còn mấy anh nuôi, kết hợp với số dân gùi hàng
nấu ăn. Anh Thành bảo: Yên tâm, cứ nổi lửa lên. Thấy khói, có mùi cơm là kiểu
gì người dân quanh đấy cũng về.
Quả đúng như anh Thành nói. Thấy có khói nấu ăn, ban đầu là 1-2
cháu nhỏ khoảng 4-5 tuổi. Rồi cứ thế, người già, phụ nữ, thanh niên lặng lẽ về.
Thấy dân về, nồi quân dụng chắc không đủ ăn, mấy anh em nháy nhau ăn sau. Chỉ
có cơm, canh rau rừng và mấy con cá khô, chỉ loáng, nồi cơm quân dụng đã hết.
Khi lấy nồi để nấu tiếp, do cháy bám cạnh, anh nuôi phải múc nước đổ vào cho
bong ra. Mấy cháu nhỏ chạy đến, đưa tay lấy cháy ăn.
Thấy thế, mấy anh em trong đội công tác nấu tiếp để bộ đội ăn cùng
dân. Hết 2 nồi quân dụng nhưng xem ra dân vẫn còn đói. Anh Thành bảo: "Thôi!
Nay chỉ thế. Ăn thêm có khi gay, bội thực thì nguy”. Ngồi trong lán chờ cơm, ruồi
vàng, bọ chó nhiều vô kể. Nhìn chậu canh, những con ruồi vàng nhao xuống, chết
nổi trên mặt. Khi dân đã về các nhà, đội công tác quy định. Nấu ăn không được đổ
nước vào nồi mà phải dùng xẻng lấy hết cháy.
Sáng hôm sau, đội công tác bắt tay khảo sát diện tích để san nền dựng
nhà. Mấy thanh niên cũng ra làm cùng. Qua điếu thuốc làm quen, tôi lân la hỏi:
"Tại sao hôm qua thấy bộ đội vào, cả bản bỏ đi?”. Mấy thanh niên cho biết:
"Trên núi nhìn xuống, thấy đoàn người vào bản, có dân nhưng lại có người mặc rằn
ri nên không biết như thế nào. Sợ như năm trước, người bên kia biên giới cũng
ăn mặc như thế sang, dân bị bắn chết hết. Sau đấy thấy san đất, dựng lều, nấu
ăn, biết là bộ đội thì về...”. Để hiểu tiếng bà con, chúng tôi phải nhờ Thiếu
úy Lý Mò Chừ, trinh sát viên của đồn Thu Lũm phiên dịch giúp.
Ở với đoàn công tác 3 ngày, tôi và nhà thơ Đỗ Hoàng theo Thiếu úy
Khoàng Thanh Bình về đồn để báo cáo và lấy thêm lương thực, thực phẩm. Trên đường
đi, hỏi Thiếu úy Khoàng Thanh Bình, đội công tác có kế hoạch như thế nào. Bình
bảo, chủ trương là điểm The La Cồ sẽ lập bản mới, đưa dân ở rải rác trên núi về.
Lập điểm dạy học, lập tổ công tác của đồn cắm bản. Riêng việc học, do dân chưa
biết tiếng phổ thông, giai đoạn đầu sẽ do đồn cử cán bộ xuống dạy tiếng.
Hỏi Bình anh em dạy kiểu gì? Bình cho biết: "Dạy trẻ hát. Bài đầu
tiên là "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rồi sau đó sẽ đến các bài hát
khác. Các cháu hát được bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là anh em
thắng rồi”.
Sau 65 ngày ra quân, đội công tác đã làm được 23 ngôi nhà. Kêu gọi
và đưa dân về ở. Lập được bản Là Si. Bản Là Si xã Thu Lũm cũng bắt đầu có tên từ
ngày đó.
Học chữ ở tộc người Đan Lai
Nghe tin giữa vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ
An có tộc người Đan Lai "ngủ chống chạc ba dưới cằm”, tôi lại rủ nhà thơ Đỗ
Hoàng làm chuyến "mục sở thị”. Từ trung tâm xã Môn Sơn, muốn vào 2 bản Búng và
Cò Pạt chỉ có con đường "độc thủy” ngược 47 thác theo sông Giăng từ đập Phà Lài
để vào. Sáng sớm hôm sau, sương còn la đà, chúng tôi đã vội xuống xuồng để ngược
thác vượt lên.
Vừa bước chân vào đến sân tổ công tác cắm bản Búng, chúng tôi gặp
thầy Phan Anh Thống, người có thâm niên chục năm dạy ở điểm trường Tiểu học cơ
sở 3 Môn Sơn. Theo thầy Phan Anh Thống, người Đan Lai nguyên là người Kinh, gốc
ở Thanh Chương, Nghệ An. Vào cuối đời hậu Lê, hai dòng họ Lê và Nguyễn có mâu
thuẫn. Họ Nguyễn có người làm quan trong triều nên đã lợi dụng địa vị, thảo ra
sắc vua giả.
Trong sắc gửi họ Lê yêu cầu trong vòng 7 ngày phải nộp cho nhà vua
100 cây tre vàng và con thuyền liền chèo. Vì thất học, không hiểu thâm ý của họ
Nguyễn, sợ phạm tội khi quân, cả họ bồng bế con cháu bỏ trốn. Cứ dọc sông
Giăng, đi vào tận nơi thâm sơn cùng cốc, lấy hang đá, hốc cây làm nhà vào rừng
kiếm củ măng, củ mài, lá cây, hoa trái sinh sống.
Câu chuyện "ngủ chống chạc vào cằm” là có từ những năm trước. Do
chạy vào rừng sâu, sống trong hang. Để đỡ rét, người dân phải đốt lửa. Việc đốt
lửa không những để sưởi mà cũng là để đuổi thú. Hang chật, người đông, nền đá lạnh,
khi ngủ người dân thường quây tròn, người nọ tựa vào người kia quanh đống lửa
cho ấm. Nhưng vì khi ngồi ngủ, để tránh khi ngủ say, ngã cắm đầu vào đống lửa
mà người dân phải chặt cảnh cây chạc ba chống cằm. Nếu có ngủ say, bị ngã thì
cũng không bị bỏng.
|
Bộ đội Biên phòng chuẩn bị lên đường vào cụm bản The La Cồ.
Khi chúng tôi hỏi chuyện ngôn ngữ của tộc Đan Lai, thầy Phan Anh
Thống bộc bạch. Ngày đầu tiên vào bản, ngôn ngữ của người Đan Lai cứ líu ríu
như chim, không thể hiểu được là người dân đang nói gì. Tiếng nói của người Đan
Lai là sự pha trộn của 3 dân tộc Thái, Lào, Kinh. Đã thế, ngôn ngữ người Đan
Lai lại pha tiếng lóng của 3 dân tộc trên. Cộng vào đó là sự biến thể của ngôn
ngữ người Khu 4 nên càng khó hiểu.
Trên đường vào bản Búng, đoàn gặp mưa. Sợ nước lũ tràn về, chúng
tôi ghé lên điểm trường ở bản khe Lẻ nơi có một số hộ Đan Lai địch cư về sinh sống.
Cả điểm trường ở đây số học sinh chưa đủ mười đầu ngón tay. Điểm trường có 2
gian nhà trống tuềnh trống toàng, thưng phên nứa ngang tầm ngực được chia cho tất
cả các khối từ lớp 1 đến lớp 5. Chiếc bảng treo trên vách lớp cô Trần Thị Thanh
Nga được chia làm 2 ô. Một nửa dành cho 3 em lớp 1, phần còn lại cho 2 em lớp
2. Đấu lưng vào gian học của cô Nga là gian học của khối lớp 4 và lớp 5 do cô
Vi Thị Cúc đứng lớp. Lớp 4 có 1 em, còn lớp 5 có 3 em.
Thấy đoàn chạy mưa vào trường, cô Nga và cô Cúc chạy ra giúp vì đường
rất trơn. Nếu chẳng may trượt chân ngã, đầu đập vào những tảng đá "ông sư” nhẵn
thín kia thì chả biết chuyện gì xảy ra. Theo các cô, học sinh ở đây biết đọc,
biết viết là đã được lên lớp vô tư. "Nếu không cho lên lớp, mai cô vào rừng mà
tìm em nhé!”. Ấy là chưa kể hôm nào "tự nhiên” không thích đến trường, thích đi
rừng theo bố mẹ, cô phải lặn lội tìm rồi nịnh đến khản cổ mới theo về. Chuyện
giữ học sinh đến lớp hơn cả chuyện "quan giữ ấn”.
Nghe chúng tôi kể lại chuyện ở điểm trường khe Lẻ, thầy Phan Anh
Thống nói vui. Được về dạy ở dưới điểm khe Lẻ coi như được về thành phố rồi đấy.
Từ điểm trường bản Búng để về được đến trung tâm xã Môn Sơn giá đi thuyền khi
vào là 100 ngàn, khi ra là 50 ngàn. Ở điểm trường khe Lẻ, giá khi vào 40 ngàn,
khi ra là 20 ngàn. Ấy là, khi vào hay ra phải đảm bảo đủ số giáo viên, còn nếu
ai không đi hoặc đi thuyền khác, lần sau khỏi đi. Lúc đó để vào hoặc ra chỉ còn
mỗi nước "cởi quần quấn cổ”, "lội ngược” sông Giăng.
Vì biết "hoàn cảnh” của thầy cô ở đây nên "nhà đò” bắt chẹt. Biết
thế mà đành chịu. Vì thực ra, chạy thuyền ngược sông Giăng không phải ai cũng
có thể chạy được. Nếu không kinh nghiệm, bị lật thuyền coi như cầm chắc làm bạn
"hà bá”.
Hỏi chuyện về kỷ niệm những năm tháng đứng lớp, các thầy cô đều
cho hay. Mỗi ngày dạy học ở đây là một kỷ niệm. Hôm đó điểm trường khai giảng.
Trống đã giục, thầy cô đã đứng hàng ngũ nghiêm chỉnh để làm lễ chào cờ nhưng học
sinh thì vẫn đang trên cây sung, cây ổi, hì hụi cạnh bếp nướng sắn. Thầy cô phải
đi cầm tay từng em kéo xếp vào hàng.
Khi chủ lễ vừa hô chào cờ thì thấy dưới hàng học sinh nhốn nháo.
Ngoái xuống, thấy có một học sinh hai tay ôm bụng quằn quại, miệng sùi bọt trắng.
Hỏi ra mới biết. Vì muốn được đến trường, đói quá, trò này ăn sắn sống nên bị
say. Thầy cô bế vội vào phòng, lau rửa rồi làm cho bát mì tôm, thế là tỉnh dần.
Chuyện đang trong giờ học, học sinh đói, lại hiếu động, vén lá cọ,
chui ra ngoài, vào rừng trèo sung, bẻ ổi, vặt lá ăn là chuyện thường. Tổng kết
năm học, các thầy cô góp tiền tổ chức chia tay phụ huynh và học sinh. Việc chia
tay là để trao đổi với phụ huynh và dặn dò học sinh nhớ ôn bài để sang năm đỡ
quên. Thấu lòng thầy cô nhưng hiềm nỗi nghèo, dân làng vào rừng hái me, rau dại,
đào măng về góp liên hoan.
Vào bữa, học sinh tranh nhau ăn vì hiếm có dịp được ăn ngon như thế.
Có một vài em còn lấy mỡ bôi lên tóc, lên mặt, rồi nhét vào cả tai, mũi để giữ
mùi mỡ cho đỡ thèm. Nhìn thấy thế, tất cả thầy cô đều lặng lẽ gác đũa nhường
trò, rút khăn thấm những giọt nước mắt không dám để các em nhìn thấy.
Tôi đem chuyện học nói với già làng Lê Văn Khai. Nghe xong già
làng thở dài: Muốn cái chữ lắm nhưng cái bụng đói không học được. Sông Giăng muốn
có nước cũng phải nhờ mưa, nhờ suối. Người Đan Lai muốn có chữ nhưng cũng phải
có củ sắn, củ măng trong bụng mới đi học được. Thầy cô dậy lâu lâu là học được
thôi.
Nghe già làng nói, chợt nghĩ. Hạt giống gieo trên đá đâm chồi, nảy
lộc được đâu có dễ. Đằng này, không những chỉ trên đá mà còn thăm thẳm trong rừng
sâu, gian nan là lẽ thường tình. Dẫu có vất vả, dẫu học sinh học lâu lâu mới biết
đọc, biết viết song cái "mầm chữ” đã bám rễ vào đất rừng Pù Mát.
Hạt mầm đã nảy, đã bám rễ, sớm hay muộn từ những hạt mầm ấy sẽ lan
tỏa sum sê thành rừng. Cũng như "mầm chữ” đã bám được vào giữa đại ngàn vùng
lõi rừng quốc gia Pù Mát. "Mầm chữ” hôm nay sẽ là con đường đưa tộc người Đan
Lai về lại với cộng đồng.
Theo CAND