Vượt lên mọi khó khăn gian khổ chồng chất sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, 40 năm qua, quân và dân tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng TP Lào Cai trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là cửa ngõ giao thương quốc tế ở vùng biên giới phía bắt đất nước.


Thành phố biên giới Lào Cai hôm nay.

Những ngày đầu tháng hai, ngôi nhà số 467 ở đường Hoàng Liên, TP Lào Cai của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hòa rộn niềm vui, ấm tình đồng đội, khi những người lính đã từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm nào tụ hội, vừa thăm hỏi cuộc sống, vừa có dịp cùng nhau ôn lại những dấu ấn, kỷ niệm không phai mờ; cùng bày tỏ niềm vui mừng vì sự đổi thay, phát triển của thành phố hôm nay, nơi họ đã từng sống, chiến đấu bảo vệ biên giới đất nước. Sau phút hàn huyên, anh Hòa cùng các đồng đội thăm lại những địa danh Duyên Hải, đồi C17, Phố Tèo, khu Trần Hợp… năm xưa từng là trận địa ác liệt, còn nay là những khu phố sầm uất, nhộn nhịp giao thương và khách du lịch, trở thành "đất vàng” ở TP Lào Cai thời hội nhập. Trận địa phòng ngự Duyên Hải năm nào, giờ là đường phố Thanh Niên, Thủy Hoa, với rất nhiều khách sạn ba sao, bốn sao, nhà hàng, khu vui chơi giải trí hiện đại, nhìn qua sông Hồng là thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc.

Sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, thị xã Lào Cai trở thành bình địa tan hoang, bỏ trống, vì người dân chạy đi sơ tán hết, toàn bộ hạ tầng cơ sở như: cầu cống, đường sá, nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà ở của dân… bị phá hủy tan hoang. "Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước là, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, từ năm 1991, quan hệ hai nước Việt Nam-Trung Quốc được bình thường hóa, cũng là lúc tỉnh Lào Cai tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, chúng tôi trở về thị xã Lào Cai cùng quân và dân trong tỉnh gây dựng lại từ đầu, thật muôn vàn gian khổ, khó khăn, tưởng chừng không vượt qua nổi” - ông Hòa bồi hồi nhớ lại. Khép lại những ngày tháng chiến tranh đau buồn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai dốc sức khôi phục hậu quả sau cuộc chiến. Trước tiên là các đơn vị công binh quân đội không quản nguy hiểm, cần mẫn rà phá mìn, vật liệu nổ bảo đảm an toàn, rồi đưa người dân "lưu lạc” tứ phương trở về đất cũ; mời gọi bà con miền xuôi lên thị xã Lào Cai lập nghiệp. Những năm sau cuộc chiến, cả Lào Cai như một đại công trường, ai cũng nỗ lực góp sức mình để hồi sinh thị xã thân yêu. Do vậy, từ đổ nát hoang tàn, thị xã Lào Cai đã vươn lên thành phố đạt chuẩn đô thị loại 2. Theo đó, TP Lào Cai được quy hoạch thành bốn phân khu chức năng, trong mỗi phân khu có các điểm nhấn về kiến trúc bảo đảm hài hòa với tổng thể quy hoạch; có 10 khu nhà hợp khối cao tầng, mỗi khu nhà được bố trí cho bốn đến năm sở, ngành, đoàn thể có chức năng tương đồng làm việc. Đồng chí Tô Ngọc Liễn, Phó Chủ tịch UBND TP Lào Cai, cho biết: Việc xây dựng trụ sở hợp khối nhằm "một tăng, ba giảm”, đó là: tăng khối nhà quy mô cao tầng, tiện ích phù hợp với đô thị hiện đại; giảm quỹ đất, giảm kinh phí xây dựng 30%, giảm phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định. Hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thông thoáng nhất nhì trong khu vực tây bắc, bởi tám trục huyết mạch chạy dọc hai bên tả và hữu sông Hồng, kết nối bắc nam; tám trục kết nối đông tây; với quy hoạch tám cây cầu, hiện đã có bốn cây cầu bê-tông vĩnh cửu khổ rộng bắc qua sông Hồng và hệ thống hàng chục đường ngang kết nối ô bàn cờ, với đường trục chính chạy dọc thành phố, giúp hình thành nên các tuyến phố, khu dân cư liên hoàn.

Cùng các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc đến địa danh phố Tèo năm xưa, giờ hiện diện một cửa khẩu quốc tế khang trang nơi người dân hai nước qua lại thăm thân, tham quan du lịch; cách đó không xa là cửa khẩu đường bộ Kim Thành, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở hàng hóa giao thương giữa hai bên qua lại. Trái cây Việt Nam nổi tiếng như: vải thiều, thanh long, chôm chôm xuất sang Trung Quốc và ngược lại: than cốc, quần áo, giày dép… của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, hai bên cùng có lợi. Tỉnh Lào Cai đã xây dựng khu nhà liên hợp, với các trang thiết bị bảo đảm thực hiện tốt chức năng, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, kiểm dịch, miễn thuế. Xây dựng cảng cạn nội địa ICD Phố Mới, kết nối tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội, bảo đảm khả năng thông quan hàng hóa đạt công suất từ 130 nghìn đến 300 nghìn TEU/năm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Và tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là lực đẩy để thành phố trẻ nơi biên giới này cất cánh bay xa.

 

Tri ân các anh hùng, liệt sĩ ở TP Lào Cai.

Bên cạnh phát triển kinh tế, những năm qua, TP Lào Cai luôn luôn chăm lo đời sống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước, trong đó có các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Ghi công những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân, HĐND tỉnh Lào Cai đã quyết định lấy tên các anh hùng liệt sĩ đặt tên cho các đường phố ở địa phương. TP Lào Cai hiện nay có bốn đường phố mang tên các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Đó là phố Võ Đại Huệ, ở phường Bắc Cường; phố Nguyễn Bá Lại, ở phường Xuân Tăng; phố Quách Văn Rạng ở phường Bắc Cường và phố Bùi Nguyên Khiết, ở phường Bình Minh. Đây là những đường phố đẹp, sạch, kiên cố, rợp bóng cây xanh ở khu dân cư, nội đô thành phố.

Những ngày này, có rất đông các cựu chiến binh, học sinh và nhân dân đến tri ân và ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Liên, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Lào Cai cho biết, số người có công trong tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc ở địa phương là 412 người, trong đó có một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 52 thương binh, 51 bệnh binh và 103 liệt sĩ. Những năm qua, thành phố thực hiện tốt việc chi trả chế độ trợ cấp cho đối tượng người có công nêu trên, 100% các đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và ưu đãi về khám, chữa bệnh, được trang cấp phương tiện đúng, đủ theo quy định. Trong những năm qua, TP Lào Cai đã hỗ trợ xây dựng và trao tặng hơn 528 ngôi nhà kiên cố giúp các gia đình chính sách và người có công, trong đó có hàng trăm ngôi nhà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Trong dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức thăm hỏi, trao quà tặng hàng trăm người có công đã tham gia cuộc chiến đấu tháng 2-1979.

Nắng xuân nhuộm vàng TP Lào Cai yên bình, soi bóng bên dòng sông Hồng mùa này nước lặng, xanh trong. Chúng tôi cùng các cựu chiến binh rời đến Nghĩa trang liệt sĩ Duyên Hải, ở TP Lào Cai đặt hoa tươi và thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, cách đây 40 năm. Ở đó, những ngày này, rất nhiều cơ quan, đoàn thể và các cháu học sinh trang nghiêm, thành kính dâng những vòng hoa đỏ, khói hương quyện vòng tỏa thơm ghi lòng tạc dạ những chiến sĩ tuổi đôi mươi đã ngã xuống vì đất đai Tổ quốc, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của nhân dân.

 

                          TheoNhandan

Các tin khác


Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Tiếng gọi của Tổ quốc

Đối với một thế hệ đã đi qua cuộc chiến đấu nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc, đó là những ngày tháng không thể nào quên trong tâm khảm và trái tim của họ. Những ngày tháng ấy, họ đi theo tiếng gọi của non sông đất nước để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, sẵn sàng hy sinh cho khát vọng im tiếng súng, cho một biên cương hòa bình.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 4: Khúc tráng ca Vị Xuyên

40 năm đã trôi qua kể từ ngày Việt Nam chiến đấu chống quân Trung Quốc để bảo vệ biên giới nhưng nỗi đau Vị Xuyên vẫn còn đó. Nhiều người vẫn tự hỏi tại sao từ chỗ chỉ được xác định là hướng phụ, hướng thứ yếu trong kế hoạch của quân Trung Quốc khi phát động cuộc chiến tranh, Vị Xuyên lại trở thành một mặt trận nóng bỏng và ác liệt kéo dài dai dẳng nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc trên danh nghĩa?

40 năm chiến tranh Biên giới phía Bắc: Ký ức không phai

(HBĐT) - Họ là những nhân chứng lịch sử trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt cho thấy cuôc chiến đấu anh dũng và chính nghĩa và quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Sẽ mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử giữ nước như một dấu mốc không thể phai mờ

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 3: Trở lại Cao Bằng

Trở lại TP Cao Bằng, nơi địa đầu đất nước, không ai nghĩ rằng đúng 40 năm trước, quân và dân ở mảnh đất phên dậu này đã phải trải qua một cuộc chiến chống quân Trung Quốc, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng lại vô cùng tàn khốc, ác liệt và đau thương, để bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 - 1989: “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”

(HBĐT) -Những ngày này đúng 40 năm về trước, hơn 600.000 quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Quân xâm lược không ngờ được rằng, tuy bị bất ngờ nhưng cũng giống như 14 lần xua quân xâm chiếm nước Nam của các triều đại phong kiến phương Bắc trước đó trong lịch sử, chúng đã phải nhận lấy những đòn chí mạng bởi truyền thống quật cường, tinh thần quả cảm của quân và nhân dân ta...

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức không quên

Một mùa Xuân nữa lại về trên những rẻo cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Sự ấm no, hạnh phúc, bình an đã hiển hiện trong từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Dao, Hà Nhì... ở địa phương - nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục