Mỗi độ Xuân về, trong muôn vàn loài hoa tỏa sắc khoe hương chợ Tết, tôi không thôi nhớ những dáng đào bích, đào phai của vùng đất Bảo Thắng (Lào Cai) cứ bình dị, hồn nhiên khoe hoa thắm, lá tươi giữa phố phường đông vui, như cô gái quê đang thì xuân sắc.


Thắm sắc hoa đào Xuân Quang ngày Tết.

Chợ hoa Tết năm nào ở con đường diễm lệ An Dương Vương, những cành đào bích, đào phai Bảo Thắng cũng góp thêm một sắc màu đằm thắm, khó quên, như nét duyên và sức sống của vùng đất giàu truyền thống cách mạng và con người kiên trung, hồn hậu nơi đây.

Xưa, theo Đại Việt sử ký toàn thư, Bảo Thắng là vùng đất cổ, nằm dọc theo dòng sông Mẹ (sông Hồng) vĩ đại. Dải đất này từ thời Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán, đến đời Lý thuộc Châu Đăng, đời Trần thuộc Quy Hóa. Từ thời nhà Lê đến khi thực dân Pháp chiếm đóng (1428 - 1886), Bảo Thắng thuộc châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, tỉnh H­ưng Hóa. Năm 1928, châu Bảo Thắng gồm 11 xã và cái tên Bảo Thắng xuất phát từ châu Bảo Thắng ra đời vào những thập kỷ đầu thế kỷ 20. Từ lâu đời, vùng đất Bảo Thắng đã là một trong những địa điểm quần cư của con người. Đã có khá nhiều hiện vật khảo cổ học đã được tìm thấy trên quê hương Bảo Thắng, đó là những dấu vết của văn hóa Sơn Vi, nền văn hóa hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay hơn một vạn năm; ở Phú Nhuận, Xuân Giao đã tìm thấy những chiếc rìu đá có những vết sứt mẻ, mòn vẹt, dấu hiệu của việc chặt, cắt của ngư­ời xưa. Nói thế để thấy "cô gái quê” trong trẻo Bảo Thắng mang trong mình truyền thống lịch sử lâu đời của cha ông, nay đang thức dậy, khoe sức sống tươi trẻ và ước vọng vươn xa trong thời đại công nghiệp 4.0 hôm nay.

Mưa Xuân lất phất bay, hòa vào dòng người tấp nập ngày cận Tết, khi đào thắm, lá dong xanh, buồng chuối bánh tẻ mơn mởn còn nguyên cọng râu đầu quả, tất thảy rộn rã ngược lên phố thị, tôi háo hức xuôi về Sơn Hải, dải đất phù sa màu mỡ ven sông Hồng nổi tiếng với nghề trồng đào Tết.

Vườn đào bích, đào phai của vợ chồng anh Bùi Văn Đoàn lỗ chỗ hố tròn những cây đào khách đặt hàng từ trước đã đánh hoa mang đi, còn lại những cây đào muộn đang chúm chím nụ hồng. Vụ này, anh Đoàn trồng hơn 400 cây đào bích và đào phai. Cái đam mê, tận tụy, khó nhọc của người trồng đào gửi gắm hết vào từng thế cây, tán hoa, nụ xuân đào Tết. Nhìn anh cặm cụi, tỉ mẩn đào gốc, bó tán đào, xếp lên xe ô-tô để ngược lên chợ hoa Xuân Lào Cai, tôi mới thấm cái "hồn người, tình đất” người Bảo Thắng gửi vào trong mỗi dáng cây, từng sắc hoa tươi thắm để góp một nét đẹp hồn hậu, khó quên của vùng đất bãi cho đời. Vụ này, thuận buồm xuôi gió, vợ chồng anh Đoàn có trong tay thêm hàng trăm triệu đồng tiền bán hoa đào Tết, cuộc sống gia đình ngày càng ấm êm, hòa thuận.

Hồ hởi về chuyện làm ăn, chuyện "vắt đất đẻ ra tiền”, Chủ tịch xã Sơn Hải, Đinh Trường Minh khoe rằng, khí thế chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã và đang thấm đến từng người, từng hộ dân, tạo nên bộ mặt mới của Sơn Hải hôm nay. Toàn xã có 184 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm nhanh, cơ cấu kinh tế bền vững hơn.

Con đường nhựa láng mịn, thênh thang dẫn về Xuân Quang, xã bán sơn địa, bám dọc Quốc lộ 70, con đường cũ nối Lào Cai với Thủ đô Hà Nội. Cũng với trí sáng tạo, quyết tâm cao và bàn tay lao động cần cù, khéo léo, người vùng xuôi Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình lên đây lập nghiệp đã biến làng quê thành phố thị nhộn nhịp, khá nhất trong số các xã của Bảo Thắng.

Nữ Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Thị Mai bật mí: "Buôn bán nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh ăn uống, may mặc và trồng đào cảnh, trồng chanh, na dai, chăn nuôi… đã đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây”.

Nói thì dễ, nhưng làm được điều đó, là tài trí và sức lao động không mệt mỏi của những người con xa xứ đã gắn bó máu thịt với quê hương mới Bảo Thắng nghĩa nặng tình sâu. Hơn 1.100 hộ dân trong xã vay ngân hàng 160 tỷ đồng để làm ăn, riêng Hội Nông dân xã tín chấp giải ngân 135 tỷ đồng. Con số hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã nói lên đời sống người dân và bộ mặt nông thôn mới ở Xuân Quang hôm nay khởi sắc như thế nào.

Kỳ tài thay là bàn tay lao động của người dân nơi đây. Nếu Sơn Hải phù sa màu mỡ ven sông thì Xuân Quang đất đồi khô cằn nhiều sỏi đá, vậy mà vẫn dậy lên màu xanh căng tràn của cây trái, sắc hồng tươi hoa đào ngày Tết. Bên những giám đốc HTX nổi danh về kinh doanh buôn bán nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng là những ông chủ vườn "hái” bạc triệu, bạc tỷ từ đất.

Sát Tết, vườn đào thế của vợ chồng anh Trần Văn Hoàn, ở thôn Thái Vô nhộn nhịp như trảy hội, người tứ phương đến ngắm hoa, lựa đào chơi Tết. Vụ hoa Xuân năm nay, với gần 1.000 gốc đào thế cổ thụ và đào bích, đào phai, vợ chồng anh thu về hơn 500 triệu đồng, tôi thấy rõ nét xuân rạng ngời trên gương mặt người ân tình với đất đai, hoa trái. Xuân Quang hôm nay trở thành "thủ phủ” đào cảnh chơi Tết, với hơn 10ha, đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân nơi đây.

Khí thế mới người người khởi nghiệp, nhà nhà xóa nghèo, làm giàu đang trào lên ở vùng đất giàu tiềm năng nông nghiệp, từ đồng thấp đến núi cao. Nắng xuân xua tan dần từng màn sương trắng giăng trên những đồi quế ở "làng tỷ phú” Khởi Khe 100% là đồng bào Dao vượt khó làm giàu trên non cao. Hiếm có nơi nào, san sát những biệt thự mọc sừng sững trên núi như ở đây, chả thế mà, Khởi Khe được mệnh danh là "làng biệt phủ” trên núi. Cây quế được bàn tay người Dao ở Khởi Khe nâng niu, chăm bẵm, đã "cắm chân” vững vàng trên đất trống đồi trọc nghèo kiệt trước đây, hút lấy tinh khí của đất trời mà tỏa hương thơm, xua đi đói nghèo, đem no ấm, giàu có cho con người. Ngắm những ngôi biệt thự còn tươi màu sơn mới, kiến trúc đẹp, thấp thoáng dưới tán quế xanh ngát, thật đúng là kỳ tích ở vùng đất khó. Bên ấm trà rừng quyện thơm hương quế khô chất đầy trong nhà, "tỷ phú quế” người Dao Bàn Văn Tiến giơ hay bàn tay sần sùi khoe, tất cả là ở đây, từ quyết tâm thoát nghèo, bàn tay lao động và cái đầu biết tính toán bắt nhịp với thị trường.

Nếu ở nông thôn tập trung mạnh vào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thì ở các thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp, người Bảo Thắng năng động phát triển giao thương, nghề thủ công, với phương châm "bám thị trường mà đánh”.

Xuân Quang hôm nay đã mang dáng dấp của một thị tứ, với hàng chục ông chủ, giám đốc HTX từ nhà nông mà ra. Họ là những người biết chớp thời cơ để chuyển "nông” sang "thương” phù hợp với công cuộc xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta hôm nay.

Hay như ở Phú Nhuận, các HTX chế biến chè, tinh dầu quế, tinh bột nghệ, sản phẩm gỗ rừng trồng đã tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao cho nhiều gia đình khiến bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Chương trình xây dựng nông thôn mới như luồng gió mát thổi đến từng người, từng nhà khơi thông nguồn lực và quyết tâm đổi đời, thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.

Đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm với cộng đồng là "chìa khóa” để người Bảo Thắng vượt khó, vươn lên hội nhập. Minh chứng rõ nhất là 6/12 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, sang năm tới 2019, thêm hai xã nữa là Bản Cầm và Bản Phiệt, Bảo Thắng kỳ vọng là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai vào năm 2020.

Muôn nẻo đường Xuân đất Bảo Thắng đều "hội tụ” về thị trấn Phố Lu từng một thời sầm uất bậc nhất của Lào Cai sau chiến tranh biên giới. Vẫn còn đây, dấu tích trận đánh đồn Phố Lu lịch sử, oanh liệt, mở đầu chiến dịch Lê Hồng Phong của bộ đội ta những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tấm bia khắc tên các liệt sĩ hy sinh đặt trên đồi cao vẫn sáng rõ như chiến công oanh liệt năm nào ở mảnh đất kiên cường, giàu truyền thống cách mạng.

Bí thư Huyện ủy Vũ Văn Tuấn cùng chúng tôi dạo một vòng quanh phố thị đang "lớn nhanh” từng ngày. Thị trấn Phố Lu hôm nay được quy hoạch bài bản, đồng bộ, hiện đại, với 19 tuyến đường lớn chạy ngang dọc ô bàn cờ, mang tính liên kết cao; từng phân khu chức năng đang hình thành; bờ bãi sông Hồng được kè cao chắc chắn, tạo thêm quỹ đất dân sinh và tôn thêm vẻ đẹp của đô thị mới ven sông Hồng.

Đứng trên cây cầu bê-tông vĩnh cửu, dài hàng trăm mét vắt ngang sông Hồng, nối hai bên tả hữu của dải đất làm nên huyện Bảo Thắng hôm nay, Bí thư Tuấn phác họa về dáng vóc một đô thị loại IV vài năm tới. Trong sáu tiêu chuẩn, với 49 chỉ tiêu của Đề án xây dựng và phát triển thị trấn Phố Lu trở thành đô thị loại IV, đến Xuân Đinh Hợi này đã đạt 30 chỉ tiêu, còn 19 chỉ tiêu đạt được 61%. Theo thang điểm, thị trấn Phố Lu đã đạt 60,6/70 điểm để được công nhận là đô thị loại IV.

"Trong hai năm cuối cuối nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Bảo Thắng nỗ lực phấn đấu đạt tiêu chí về ngân sách, dân số, kiến trúc và cảnh quan đô thị để vùng đất "Bảo Thắng quan” trong lịch sử phát huy được thế mạnh của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương Lào Cai giàu đẹp, vững mạnh hôm nay”, Bí thư Tuấn tâm sự.

Nắng ấm đã bừng lên xua đi cái rét lạnh còn vương vấn, hồng thắm thêm sắc hoa đào bích, đào phai đang bung nở chào Xuân tới. Xuân đã đến thật gần, như tiếp thêm sinh lực mới cho đất và người Bảo Thắng vững bước trên con đường Xuân của đất nước, quê hương.

 

       TheoNhandan

Các tin khác


40 năm chiến tranh Biên giới phía Bắc: Ký ức không phai

(HBĐT) - Họ là những nhân chứng lịch sử trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt cho thấy cuôc chiến đấu anh dũng và chính nghĩa và quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Sẽ mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử giữ nước như một dấu mốc không thể phai mờ

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 3: Trở lại Cao Bằng

Trở lại TP Cao Bằng, nơi địa đầu đất nước, không ai nghĩ rằng đúng 40 năm trước, quân và dân ở mảnh đất phên dậu này đã phải trải qua một cuộc chiến chống quân Trung Quốc, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng lại vô cùng tàn khốc, ác liệt và đau thương, để bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 - 1989: “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”

(HBĐT) -Những ngày này đúng 40 năm về trước, hơn 600.000 quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Quân xâm lược không ngờ được rằng, tuy bị bất ngờ nhưng cũng giống như 14 lần xua quân xâm chiếm nước Nam của các triều đại phong kiến phương Bắc trước đó trong lịch sử, chúng đã phải nhận lấy những đòn chí mạng bởi truyền thống quật cường, tinh thần quả cảm của quân và nhân dân ta...

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức không quên

Một mùa Xuân nữa lại về trên những rẻo cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Sự ấm no, hạnh phúc, bình an đã hiển hiện trong từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Dao, Hà Nhì... ở địa phương - nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên cương- Bài 2: Lạng Sơn những ngày khói lửa

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới vào rạng sáng 17-2-1979, trên các mặt trận. Quân Trung Quốc dùng hỏa lực, bộ binh, xe tăng nhanh chóng lấn chiếm biên giới các tỉnh. Ác liệt nhất là mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, bởi chiếm được Đồng Đăng coi như con đường thọc sâu vào lãnh thổ nước ta của Trung Quốc trở nên thuận lợi. Những chứng tích, nhân chứng còn lại đã minh chứng sự chiến đấu anh dũng để gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc của quân và dân ta.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 1: Hiên ngang Pò Hèn

Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những ngày tháng oanh liệt cách đây 40 năm (17-2-1979 – 17-2-2019), khi quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu trước cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Những ngày đầu năm mới, nhóm phóng viên Báo SGGP đã trở lại nhiều địa danh lịch sử trên tuyến biên giới phía Bắc để tìm lại những dấu tích và gặp gỡ các nhân chứng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của quân dân ta bảo vệ biên cương, lãnh thổ, đồng thời ghi nhận sự đổi thay, vươn lên phát triển mạnh mẽ của những vùng đất thiêng liêng của dân tộc sau cuộc chiến vệ quốc khốc liệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục