Báo cáo của Sở KH&ĐT đánh giá, phân tích kết quả Chỉ số PCI năm 2020 cho thấy, có 8/11 chỉ tiêu (gồm cả chỉ tiêu tổng điểm PCI) thực hiện chưa đạt so với Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày 16/1/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2020, định hướng đến năm 2021; 5/10 chỉ tiêu có điểm số thấp hơn trung vị cả nước. Trong đó, chi phí không chính thức và cạnh tranh bình đẳng là 2 chỉ số có thứ hạng thấp nhất. Qua phiếu điều tra từ các doanh nghiệp (DN) thể hiện, tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đứng ở vị trí thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức vị trí 60/63. Nhiều DN cho biết, chi trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu và tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho DN còn khá phổ biến...
Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng, việc tiếp cận đất đai khó khăn hơn so với năm 2019. Những chỉ tiêu DN đánh giá chưa cao là: Giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, đứng thứ 60/63; DN gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh; khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; thực hiện TTHC đất đai còn khó khăn; không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do lo ngại TTHC rườm rà/cán bộ nhũng nhiễu...
Trao đổi về những hạn chế, yếu kém, ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thẳng thắn: Trên cơ sở đánh giá của DN với từng chỉ số thành phần của PCI, các sở, ngành cần xem xét những chỉ số liên quan đến ngành mình được đánh giá đúng đến đâu, sau đó trao đổi lại để DN nắm được độ chính xác trong đánh giá. Cũng từ đây, các sở, ngành có sự chỉ đạo thực hiện tốt hơn, nhất là đối với những chỉ số có điểm thấp. Trên thực tế, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành rất tích cực, nhiệt tình, nhưng đáng nói vẫn còn ban hành những văn bản làm khó DN. Đặc biệt là một bộ phận cán bộ, chuyên viên trực tiếp làm và giải quyết công việc với DN còn máy móc, gây phiền hà, thiếu nhiệt tình, trách nhiệm khi hướng dẫn TTHC, khiến DN thiếu sự tin cậy khi đến làm việc.
Những hạn chế, vướng mắc trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được UBND tỉnh nghiêm túc nhìn nhận và chỉ rõ, hiện các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng, làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện đón dòng dịch chuyển nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 triển khai chậm, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất… chưa đồng bộ, ảnh hưởng nhất định đến kêu gọi, thu hút đầu tư. Cơ chế tự thỏa thuận đối với các dự án SX-KD làm ảnh hưởng lớn tới việc GPMB, làm chậm tiến độ đầu tư chung theo đăng ký. Một số chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa có giải pháp tuyên truyền tới người dân vùng dự án, chưa hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư (NĐT) trong công tác bồi thường, GPMB. Vẫn còn trường hợp kiến nghị, khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư dẫn đến ảnh hưởng tiến độ GPMB...
Tìm hiểu thực tế tại một số huyện có nhiều dự án đầu tư cho thấy thực trạng, các NĐT luôn muốn GPMB nhanh gọn nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Các huyện giúp NĐT trong việc tính toán thỏa thuận, song vấn đề đặt ra là việc áp giá hầu như theo đơn giá của tỉnh, nên người dân cho rằng giá đền bù thấp hơn so với giá thị trường hiện tại, vì vậy không đồng ý với giá đền bù. Các dự án đầu tư nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đều phải thực hiện cơ chế NĐT tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất với người dân. Thời gian qua, việc nhận chuyển nhượng vẫn gặp khó khăn. Tình trạng mua đất để "đầu cơ” ép DN chuyển nhượng giá cao có xu hướng gia tăng, làm xấu môi trường thu hút đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, vừa qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT thông tin: Theo quy định của luật, thì chỉ có một số trường hợp được thu hồi đất, còn các trường hợp như kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, sân gôn... không được thu hồi theo quy hoạch mà phải thực hiện thỏa thuận nên gặp nhiều vướng mắc, nhất là về vấn đề giá bồi thường. Thời gian qua, mặc dù hoạt động của Hội đồng GPMB ở nhiều huyện rất cố gắng, nhưng vì vướng về cơ chế nên triển khai nhiều dự án còn chậm. Do vậy có DN đề nghị, Trung tâm Phát triển quỹ đất đứng ra thỏa thuận, nhận chuyển nhượng của các hộ dân trong quy hoạch và khi người dân có nhu cầu chuyển nhượng. Nếu có thể được giao Trung tâm Phát triển quỹ đất đứng ra nhận chuyển nhượng, sau đó tổ chức thực hiện các thủ tục tiếp theo, làm được việc này sẽ tạo thuận lợi hơn khi DN phải trực tiếp đứng ra thỏa thuận với hộ dân.
Người đứng đầu Sở TN&MT cho biết thêm: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ thực hiện công khai theo quy định. Trong quá trình thực hiện, các DN đánh giá nhiều thủ tục còn rườm rà, trên thực tế, quy định của các luật cũng còn nhiều vấn đề. Đơn cử như Luật Đất đai, quy trình rất nhiều trình tự, thủ tục cũng như những vấn đề khá phức tạp và thay đổi liên tục, để thể chế thực hiện phải mất nhiều thời gian. Do vậy, ngành TN&MT cố gắng làm sao việc tham mưu trình các trình tự thủ tục đảm bảo đúng nhất theo quy định của pháp luật, đảm bảo được việc thỏa thuận của các NĐT. Vấn đề thu hút đầu tư cũng cần có sự lựa chọn NĐT có tiềm lực, kiên quyết thu hồi, chấm dứt đối với các dự án chậm triển khai. Đặc biệt, nếu có phản ánh hoặc phát hiện vấn đề cán bộ nhũng nhiễu DN, Sở TN&MT sẽ có những biện pháp xử lý mạnh để hạn chế tối đa vấn đề này.
Thẳng thắn nhận diện, đối mặt với hạn chế, yếu kém nhằm tìm các giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đảm bảo tính bền vững, thực chất là nhiệm vụ đang được các cấp, các ngành và cộng đồng DN của tỉnh quyết tâm thực hiện, vì mục tiêu doanh nhân phát tài, địa phương phát triển.
(Còn nữa)
Hoàng Nga