(HBĐT) - Có nhiều dịp được gần gũi, trò chuyện với cụ Lê Thị Tâm, lão thành Cách mạng. Lần nào cũng vậy, chúng tôi được nghe cụ kể nhiều về những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa và những ngày tháng đi "gieo” những "hạt giống đỏ” cho phong trào cách mạng trên vùng rừng núi Đà Bắc...


Sinh thời, bà Lê Thị Tâm luôn là một tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Cụ bà Lê Thị Hợi (sau này khi tham gia hoạt động cách mạng đã đổi thành Lê Thị Tâm), sinh năm 1923. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ phong trào cách mạng sục sôi. Ngay từ khi còn trẻ, được chứng kiến những đoàn tù cộng sản từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) được đưa lên nhà tù Sơn La. Lên đến chợ Phương Lâm thì được nghỉ chân. Ở đây, bà và những người dân phố chợ đã được nghe những người tù cộng sản tuyên truyền cách mạng, tư tưởng cộng sản để đấu tranh, giành độc lập, tự do cho đất nước, cho Nhân dân. Mến mộ những chiến sỹ Cộng sản kiên trung, bà cùng với người dân mang bánh, mang nước, thuốc cho đoàn tù. Từ chỗ thương người làm cách mạng bị tù đày, bà đã cùng với những chị em bán hàng ở chợ Phương Lâm khi ấy thành lập Tổ Cứu tế. Ban đầu chỉ có 5 - 6 người, nhưng sau đã có hàng trăm người cùng tham gia, giúp đỡ, cứu tế, giúp đỡ người tù. Sau này là Hội Cứu tế rồi trở thành Hội Ái Hữu. Tiếp sau đó, khi có cán bộ ở Vạn Phúc (Hà Đông) lên tuyên truyền, giúp đỡ xây dựng phong trào cách mạng ở thị xã Hòa Bình thì Hội Ái Hữu chuyển thành Hội Cứu quốc. Đến năm 1944, trên địa bàn thị xã Hòa Bình đã thành lập được Hội Phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc, thương nhân cứu quốc, phụ lão cứu quốc... Đặc biệt, năm 1944 đã thành lập được mặt trận Việt Minh. Trong suốt quá trình tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1940, bà Lê Thị Tâm luôn là hạt nhân xông xáo, tích cực và nhiệt huyết. Nhờ đó, đã đưa ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở Phương Lâm lan sang Thịnh Lang, vào xã Hòa Bình. Đến những năm 1943 - 1944, phong trào cách mạng đã lan vào đến xã Thái Bình (trước gọi là xã Quỳnh Lâm). Và ở ngay máng nước, gốc đa (nay thuộc phường Thái Bình), bà đã trực tiếp tuyên truyền về cách mạng cho người dân ở xã Quỳnh Lâm. Từ đó, phong trào cách mạng trên địa bàn thị xã Hòa Bình ngày càng phát triển, lên cao. Đến tháng 5/1944 đã thành lập được Chi bộ Đảng đầu tiên của Phương Lâm. Và đây cũng là Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở thị xã Hòa Bình.

Tháng 2/1945, bà đã được cử đi học lớp huấn luyện quân sự tại chiến khu Giằng - Sèo (nay là xã Tú Lý - Đà Bắc) cùng với hơn 30 học viên do Ban Cán sự Đảng tỉnh tổ chức. Đây là lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh. Những người tham gia lớp quân sự này cũng chính là những "hạt giống đỏ” đầu tiên của LLVT tỉnh. Lớp huấn luyện này, bà Lê Thị Tâm là một trong 2 nữ chiến sỹ được tham gia. Lớp huấn luyện quân sự này được mở trong bối cảnh phong trào cách mạng ở Hòa Bình đã bước sang một giai đoạn mới. Từ trong bóng tối, phong trào cách mạng toàn tỉnh bước ra vừa hoạt động công khai, vừa hoạt động bí mật. Thời điểm này cũng đã bắt đầu xuất hiện thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân khi Nhật, Pháp và bè lũ tay sai đã có những dấu hiệu suy yếu, nhượng bộ phong trào cách mạng của Việt Minh. Nhận thấy rõ thời cơ trước mắt, cũng như nhận được chỉ thị của trên về việc chuẩn bị lực lượng tại địa phương cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng tỉnh đã thống nhất tổ chức lớp tập huấn quân sự để làm nòng cốt cho khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Ngoài hơn 20 người được lựa chọn trong số các đội viên đội "tự vệ đỏ” của thị xã Hòa Bình, còn có những thanh niên ưu tú ở địa phương cùng với một số chiến sỹ cách mạng từ Ninh Bình theo đồng chí Vũ Thơ lên cùng tham gia. Qua đó, đã nâng tổng số học viên của lớp huấn luyện quân sự lên con số hơn 30 người.

Dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn lại là phận nữ, nhưng bà Lê Thị Tâm không chịu thua kém những chiến sỹ nam. Để có phương tiện tập luyện, bà cũng phải vào rừng chặt cây đẽo súng gỗ để tập luyện. Ngoài việc được huấn luyện về chính trị, bà Lê Thị Tâm và các đồng chí của mình còn được tập huấn bài bản các phương án đánh tập kích địch. Sau khi hoàn thành khoá tập huấn, bà Lê Thị Tâm đã được phân công về lại TX Hòa Bình tiếp tục gây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Trở thành nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, huy động lực lượng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên địa bàn tỉnh mùa thu tháng 8/1945  và trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Sau Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đầu năm 1947, bà được Ban cán sự Đảng tỉnh cử lên Hiền Lương (Đà Bắc) xây dựng tổ chức Đảng và tổ chức lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống Pháp. Trên cương vị là nữ Bí thư Đảng ủy xã đầu tiên của tỉnh, ngay khi về đến Hiền Lương, bà đã băt tay vào gây dựng phong trào cách mạng. Với phương châm tranh thủ lòng dân, làm cho dân mến, dân thương, dân tin để xây dựng cơ sở vững mạnh. Hàng ngày, bà đã cùng ăn, cùng làm với người dân... Được dân tin, hết lòng giúp đỡ, bà đã gây dựng phong trào cách mạng vùng rừng núi Hiền Lương, Tú Lý ngày càng phát triển mạnh mẽ gây cho giặc và tay sai nhiều tổn thất nặng nề. Thậm chí, có thời điểm bọn phản động còn treo giải 400 đồng bạc Đông Dương cho ai bắt được bà. Vượt qua những khó khăn trong tháng ngày công tác, xây dựng phong trào vùng rừng núi ở Hiền Lương, Tú Lý giữa giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, được Nhân dân đùm bọc, tập thể ủng hộ, bà Lê Thị Tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao phó. Cũng tại nơi này, bà đã có một vinh dự to lớn đó là được Bác Hồ gửi thư khen và tặng một bộ quần áo lụa. Trong thư gửi bà, Người đã khen bà là: "Cán bộ kiểu mẫu, chống giặc giữ làng, củng cố và xây dựng chính quyền ở địa phương”. Ngoài lần được Bác Hồ gửi thư khen và bộ quần áo lụa, bà còn có vinh dự 4 lần được gặp Bác. Lần thứ nhất tại Đại hội lần thứ II của Đảng ở Chiêm Hoá (Tuyên Quang) năm 1951. Lần thứ hai tại Đại hội thống nhất Việt Minh Liên Việt toàn quốc tại Tuyên Quang. Lần ấy, bà còn có vinh dự được ăn cơm cùng Bác và được Bác trò chuyện, trực tiếp căn dặn: "Là người công tác ở vùng dân tộc miền núi, lại có con nhỏ, cô phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ không được bỏ dở. Đã làm phải tập trung tư tưởng, phải làm cho bằng được”. Lần thứ ba, bà được gặp Bác tại Trường hợp tác hoá nông nghiệp Kỳ Sơn năm 1958. Lần thứ tư tại Đại hội phụ nữ toàn quốc năm 1961 ở Hà Nội.

Theo cách mạng từ khi còn trẻ, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà đã vượt qua những thử thách, gian lao để trưởng thành ngay trong cuộc đấu tranh quyết liệt. Dù đã kinh qua nhiều vị trí công tác, bà luôn là một tấm gương sáng mẫu mực của một chiến sỹ cách mạng chân chính, kiên trung. Bà đã để lại một cuộc đời hoạt động với những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng ngay từ những ngày đầu gian khó và cả trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng của tỉnh sau này. Sinh thời, bà luôn là một tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức cách mạng để các thế hệ cán bộ, đảng viên của tỉnh noi theo. Xin được tri ân, ghi nhớ những đóng góp lớn lao của bà...

Xin vĩnh biệt bà! - người chiến sỹ cuối cùng của "Đội tự vệ đỏ”. 

M.H


Các tin khác


Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Bài 1 - Giá trị trường tồn của Mo trong đời sống người Mường xưa và nay

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là Mo Mường. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường. Hiện nay, Chính phủ đã gửi hồ sơ Mo Mường để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa di sản Mo Mường vươn tầm thế giới. 

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục