Không biết từ bao giờ, tôi hay nhớ cánh đồng làng đến vậy. Nhớ ngày bé theo mẹ gánh lúa, tôi trầy trật bờ thấp bờ cao. Mẹ bó cho tôi mỗi đầu 3 nắm lúa, tôi gánh đi cả trên bờ dưới ruộng.
Buổi đầu học gánh gồng, tôi phải nghỉ mười mấy chặng mới về đến nhà giữa trời trưa nắng. Mùa đông, đôi chân nứt nẻ, tôi vẫn cùng lũ bạn đuổi chuột chạy băng băng giữa đồng trong cái rét cắt da. Niềm vui lũ trẻ như chúng tôi ở quê chỉ xoay quanh cây cỏ, ruộng vườn, gia đình và những người làng thân thuộc. Bây giờ, có đôi lúc những ký ức một thời tuổi thơ trên cánh đồng chợt về, tôi có thể cảm nhận được mùi rơm rạ, mùi đồng đất mới khô, mùi khói đốt, mùi mồ hôi của bà và mẹ… Mỗi lần về quê đi qua cánh đồng làng, tôi thường dừng lại hít đầy lồng ngực những hương vị ấy, sự trong lành của không khí làng quê làm lòng tôi nao nao…
Qua vụ chiêm, vụ mùa, cánh đồng làng cũng có thêm nhiều luống khoai lang, vài luống cải, mấy ruộng ngô. Trên hàng ngô mới trồng, mẹ thường gieo thêm hạt rau cải với nhiều loại khác nhau. Những cây ngô bé xíu tháng trước mẹ trồng đã cao ngang vai, dưới gốc xòe ra những cây cải xanh mơn mởn. Đất ủ luống khoai lang cũng đã khô, trên luống màu lá xanh xen tim tím màu hoa. Hoa khoai lang màu tím cứ nhẹ nhàng mà khoe sắc, không rực rỡ nhưng có lẽ là loài hoa đẹp nhất trên cánh đồng mùa đông. Những ngọn gió thổi từ bãi mía dọc bờ suối thượng nguồn sông Bưởi mang theo cái se sắt của ngày đầu đông mơn man trên cánh đồng. Đứng giữa cánh đồng nhìn lên nhà chú Tư, tự dưng tôi lại nhớ bà. Bà ở với chú Tư, nhà chú sát với con ruộng đầu tiên của làng. Ngồi trên cửa voóng, với tay xuống như chạm được tới lúa, tới ngô. Đi học về, ngày nào tôi cũng sang chơi với bà vì mấy nhà gần nhau. Hồi bà còn sống, những ngày gió lộng cánh đồng, bà vẫn thường hay ngồi bên cửa voóng bứt hoa cỏ may găm trên quần mấy đứa cháu cả ngày chơi đùa nơi bãi may đồng nắng gió. Bà hay kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích về thằng Cu, thằng Cuội, chuyện về chàng trai có đôi giày bước qua bảy ngọn núi. Bà hát ru cho những trưa hè nóng bức ngủ ngon trong nôi của chúng tôi. Giờ bà đã theo những ngọn gió đồng sang con suối thượng nguồn sông Bưởi về với núi, để lại một bầu trời tuổi thơ thương nhớ trong lòng tôi…
Con người ta thường hay có những nỗi nhớ giống nhau. Có lẽ, khi đứng trên cánh đồng, ta đều thấy hình ảnh thân thuộc là hình dáng ông bà, cha mẹ tảo tần, một đời rơm rạ, một đời quang gánh, cày bừa, cấy hái, gắn bó với đồng đất, làm lụng mưu sinh.
Những người con lớn lên từ nơi bình yên cánh đồng làng, đến khi cánh đồng không còn là nơi vui đùa như ngày bé, thì đó là những ngày tháng lam lũ với đồng đất, gió mưa, những lo toan thường nhật. Có người lại nối nhau trên những hành trình về phố thị mưu sinh, để lại phía sau biết bao kỷ niệm bên cánh đồng làng xanh thẳm. Phố mùa này gió hanh hao, mang nặng những vội vã mưu sinh của những người con xa xứ. Mỗi người một ước vọng, mỗi người một hướng đi, tất cả đều cố gắng chỉ mong những vất vả của bố mẹ nơi quê nhà được vơi bớt đi phần nào. Không phải ai cũng có thể bươn chải và gắn đời mình với phố. Nhiều lúc, guồng quay công việc khiến chúng ta quên đi việc dành khoảng lặng cho riêng mình. Những lúc bình thường, ta thử hỏi, có mấy ai thực sự nhớ đồng làng, nhớ quê, nhớ những kỷ niệm thơ ấu và tranh thủ khi có thời gian để rời nơi náo nhiệt phố thị trở về với gia đình, người thân, với ngôi nhà thân yêu, về cánh đồng lúa, bãi ngô lộng gió, về với những gì gần gũi thân thương thuở ấu thơ để cảm nhận sự bình yên. Vẫn biết cuộc đời là hành trình đi tới, ta cứ mải miết trong mưu sinh nơi phố thị có khi quên cả những điều nhỏ nhặt, yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Có phải chỉ khi nào gặp khó khăn, thật sự mệt mỏi, ta mới nhớ đến quê, mong muốn về nhà để ăn bữa cơm cùng bố mẹ, đi thăm những người thân yêu…
Tôi từ phố về trong gió se se, gió đồng thổi bay những bụi bặm đường dài. Tôi lục tìm ký ức tuổi thơ một thời trên cánh đồng mênh mông bạt ngàn gió. Tôi hít đầy lồng ngực hương đồng gió nội thân quen. Gió kể tôi nghe khúc ca ríu ran của bầy chim sẻ.