Một ngày nhận được 2 tin nhắn của hai người bạn. Một người là bạn từ thời ấu thơ: "Hè này, mình cho bọn trẻ về quê một tuần. Cậu về không? Để còn tắm sông và hàn huyên bạn bè?”. Còn người bạn làm cùng cơ quan lại là tin nhắn hồi đáp cho lời mời đi pic-níc ở ngoại ô thành phố: "Không đi được đâu ông ơi. Con bé lớn phải học hè rồi. Sắp tới còn phải thi vào lớp chọn, lớp chất lượng cao. Đợt này phải tăng tốc môn tiếng Anh, Toán, Văn…”, "Thế không cho nó nghỉ hè à?”. Đáp: Có chứ, nhưng từ từ đã...

Chà đang nghỉ hè mà đã lớp nọ, lớp kia. Ông bạn này có nhiều dự định lớn lao cho con bé kia lắm. Mà có lần con bé ấy chẳng ao ước được tham gia lớp bơi để có thể hình thon gọn đó sao, giờ theo lớp học hè lấy đâu thời gian luyện tập… Nó càng ngày càng lên cân, suốt tuần theo hết lớp nọ đến lớp kia. Hình như nó đang trong vòng quay: ăn - ngủ - đi học và… Thôi không bàn luận "ca" này nữa.

Thật là phục ông bạn thời niên thiếu. Đi làm xa quê nhưng rất "mê” đắm quê nhà. Dĩ nhiên, chẳng bao giờ về một mình. Mỗi khi vào dịp Tết, hè… cả nhà lại về quê. Bên cạnh việc chính là thăm cha mẹ, ông bà, thăm quê, còn muốn bọn trẻ "chơi” với quê nhà. Được cái, vợ con bạn luôn ủng hộ các chương trình đó một cách hồ hởi, thích thú. Nếu không nhầm, chưa hè nào, 2 đứa con "sểnh” cuộc về chơi hè ở quê nội, quê ngoại vì ở gần nhau. Sao không thể yêu miền quê này chứ? Cả một thời bố chúng và bạn bè đã có những ngày hè đáng nhớ. Có thể bắt đầu từ khu vườn của ông bà, cha mẹ "mùa nào quả ấy” bên mé đồi. Thơm lừng hương ổi vào thu; tím môi mùa sim vào vụ chín; đỏ hồng đôi má vào vụ hồng Yên Thôn thu hoạch. Mùa na, mùa bưởi, hồng bì và những nải chuối chín cây, vàng ươm, bắt mắt, ngọt ngào. Buổi chiều, đám trẻ được cùng ông bà cho tham gia cùng việc bắt sâu, chăm tưới cây ăn quả trong vườn… Nơi khu vườn đó của gia đình bạn, đám trẻ cũng đã có những trò nghịch dại như leo trèo, bắn súng cao su vào những tổ chim cao chót vót, đi bêu nắng, "gây sự” với tổ ong vàng… Ngày đó, nghỉ hè là được nghỉ theo đúng nghĩa. Nhưng cũng có thể do quá đà, "tổng kết” hè, đứa nào cũng đen chũi; có đứa sứt sẹo cánh tay, chân; mắt sưng húp do ong châm. Nhưng đứa nào cũng khỏe, vui… Đúng là những "mùa hè kỳ diệu”.

Một dòng sông nhỏ trước nhà, nước trong vắt được "tô điểm” bằng những ghềnh đá nhỏ, xếp lô nhô xuôi dần về hạ lưu. Thời máy ảnh còn hiếm hoi, mấythợ ảnh trong vùng chẳng coi đó như là"stu-đi-ô” đó sao? Những đôi nam thanh, nữ tú làm duyên ngồi trên tảng đá chụp những bức ảnh kỷ niệm vào dịp Tết hay dịp kỷ niệm nào đó. Hồi sắp ra trường và kỳ thi vào đại học, bọn mình chẳng từng có mấy tấm ảnh chụp ghềnh đá đó còn gì. Dù chỉ là bức ảnh đen trắng nhưng không gian đó lại trở nên lộng lẫy, đẹp hút hồn. Với dòng sông, với đám trẻ 2 bên làng còn là những trận tắm sông, đánh trận giả nhớ đời. Mùa cạn, đêm đêm, chúng đi soi cá để sáng hôm sau có mẻ cá ngon lành cho mẹ. Sau này, khi máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại lên ngôi, những bức ảnh đen trắng đó vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ. Sau này, rất nhiều mùa hè, bố con người bạn ấy vẫn cùng mọi người vùng vẫy nơi dòng sông trước nhà sau buổi thả diều nơi cánh đồng bãi. Ông bạn ấy chia sẻ rằng: "Cho chúng bơi trên dòng sông mà ông, bố và những người bạn từng vui đùa, từng bơi, tắm… cũng muốn đám trẻ biết thế nào là vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên, cuộc sống thôn dã… Nơi đó là hạt lúa, củ khoai đã nuôi dưỡng, nâng đỡ bố nó đi vào đời”. Cũng được biết, về hai đứa con của bạn, dù không phải là những học sinh thuộc "top ten” xuất sắc nhưng chúng lại phát triển khá toàn diện. Đứa được giải thưởng hội họa của một cuộc thi khá lớn, đứa được giải cao một cuộc thi về khoa học - kỹ thuật… Cũng là mừng cho bạn. Biết đâu những hình ảnh quê nội, quê ngoại nơi thôn dã lại chẳng là chất liệu nâng đỡ, chắp cánh cho những khát vọng của những đứa trẻ đó sao? Và nhóm bạn từng gắn bó với nhau nhiều năm qua mỗi khi gặp nhau lại có biết bao câu chuyện đáng nhớ về những mùa hè tuyệt vời ngày ấy, dù đã là quá khứ xa xôi…



Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Sau lưng ta một miền ký ức

Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.

Thạch Sanh tân truyện: Định biên khống

Mặc dù chẳng có bằng cấp gì nhưng nhờ có "vía” của phụ vương nên chàng tiều phu được đặc cách làm hiệu trưởng một trường TH&THCS bán trú ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Quan trọng vẫn là… ý thức!

Trà pha xong rồi đây! Chú ngồi chờ chút tôi gọi chú Nam. Các cụ dạy rồi  "Chè tam, rượu tứ” mới ngon. Vâng bác! Chỗ này thoáng đãng ngồi thưởng trà, ngắm người lại qua vui mắt bác nhỉ!

Phía trước là biển khơi

Trước khi lên tàu tham gia chuyến công tác ở đảo X, chị nhận được 2 tin nhắn thật dài của Huân, người chiến sĩ chị từng quen qua chuyến công tác cách đây 8 năm và của anh Vy, trưởng một ban của tờ báo nơi chị công tác. Chị khẽ mỉm cười, lòng vui lạ khi đọc tin nhắn của Huân: "Mỗi khi có tin đoàn chuẩn bị ra đảo, em luôn nghĩ là có chị. Chuyến đầu năm nay chị có đi chứ?”. Thôi, không nhắn trước, cứ để gặp cho có cao trào. Chị bật tin nhắn của anh trưởng ban. Có gì mà quan trọng hóa thế? Vẫn là câu chuyện cũ…

Mùa phượng cháy

Tản văn của Đức Dũng

Có ai đó quan sát, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm, rằng mùa phượng cháy là mùa thi của học trò cuối cấp phổ thông? Người đó nói đúng. Khi những chùm búp xanh non của phượng dần nhú ra thì tâm trạng của những sĩ tử tương lai hồi hộp, vừa lo lắng bận rộn ôn bài, vừa bâng khuâng buồn nhớ, chuẩn bị giã từ trường lớp thân quen, bỏ lại phía sau quãng đời hồn nhiên, thần tiên nhất không bao giờ trở lại.

Nghề và năm tháng...

Người em họ ở quê năm nào cứ dịp này lại nhắn tin chúc mừng, rồi đưa lên "phây-búc”, zalo những hình ảnh thật ấn tượng: Những bài báo em từng đọc, từng tâm đắc cắt dán kẹp thành tập, rồi biểu tượng của ngành, những bài báo em từng được đăng trên báo tỉnh khi với tư cách cộng tác viên... Thời buổi mạng xã hội tràn lan; tivi, ra-đi-ô không còn là mối quan tâm số 1... mà vẫn có người nâng niu từng trang báo in thì đó thật là điều đáng quý. Em trải lòng: "Điều kiện đi lại, nắm bắt thông tin của chúng em ở cơ sở không được đa dạng, phong phú như các anh. Được đi nhiều nơi thích anh nhỉ... Tháng 6 đúng là tháng của các anh. Chúc mừng...”



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục