Tản văn của Bùi Huy


Đi dọc các bãi biển đẹp mê hồn ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào mỗi chiều quá đỗi bình yên. Những đôi bạn trẻ dạo chơi dưới hàng dương, tiếng cười nói tan trong ánh nắng vàng. Phía xa nơi Gành Hào rực sắc tím hoàng hôn là những con tàu ra vào cảng, những cánh buồm trắng trên những du thuyền nhỏ… Tiếng hát vọng ra từ một quán nhỏ ven biển, một nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân: "Chiều chiều em đạp xe, thả tóc dài Bến Đá. Anh như hòn núi lớn, em như hòn núi nhỏ. Bãi Trước và Bãi Sau, mãi mãi là của nhau…” (Tình ca Vũng Tàu). Tiếng vĩ cầm réo rắt hòa tiếng sóng biển thao thiết vọng về…

Phía bờ kè sát mép biển, những cựu chiến binh Hải quân và những người lính hải quân vừa từ biển đảo trở về đất liền với những câu chuyện thật dài, thật sâu. Tất cả hướng ánh mắt về phía biển xa, nơi có những quầng sáng của dàn khoan dầu, nơi có những con tàu đánh cá của ngư dân bám biển có điểm tựa vững vàng là nhà giàn DK1 do các chiến sĩ tiểu đoàn DK1 anh hùng chốt giữ… Bao đời cha ông ta đã tiến về phía biển. Lật giở những trang sử vàng thấm đẫm máu, mồ hôi và thời gian, thấy lịch sử ùa về đủ đầy…

Vào thế kỷ XVIII, đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải được thành lập, có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu ra du đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các vùng biển khác của Việt Nam. Tầm hoạt động của đội Bắc Hải khi đó gồm cả quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam và các vùng biển ngoài khơi Côn Sơn, kéo dài tới Hà Tiên bây giờ. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa… Những dòng chảy lịch sử ở nơi biển Đông và thềm lục địa không bao giờ ngừng nghỉ. Biển cả vỗ về, chở che, nâng đỡ để những con tàu, con thuyền không số trong hành trình "Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu hát vang lên về một thời: "Một mái chèo rẽ sóng trong đêm/ Một con tàu mang khát vọng trong tim/ Về quê hương về quê hương, thuở còn bom đạn/ Một tấm lòng đẹp ánh trăng soi/ Một con người tung lưới ngang trời/ Vì quê hương vì quê hương/ Hôm nay và mai sau” (Sao biển - Phạm Minh Tuấn).

Lịch sử tiếp tục ghi nhận những chiến công của bao chiến sĩ vì biển đảo quê hương. Khắc ghi trong lòng là hình ảnh "vòng tròn bất tử” bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đào mùa hè 1988. Mùa hè nóng bỏng và bất tử đó, 64 người con của đất Việt đã nằm lại giữa biển khơi; để rồi vào bất cứ mùa nào, mỗi khi các con tàu hướng về Trường Sa, mỗi người tham dự đều rưng rưng, nghẹn ngào xúc động trong lễ tưởng niệm. Biển sóng vẫn ào ạt và mặt biển chiều nay có phần yên ả hơn, nhưng biết bao con sóng đang vỗ trong lòng khi nghĩ, khi nhớ về những con người quả cảm đó. Hàng năm, những bà mẹ và những người thân của họ ở Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Nam Định… lại vọng biển bên những "ngôi mộ gió” nơi quê nhà. Nơi thềm lục địa thiêng liêng, những con sóng trồi lên trong mùa biển động như muốn kể, muốn nói bao điều với những người trên con tàu vận tải Trường Sa ra nhà giàn DK1.

Trở về đất liền, ngồi trên bờ biển lộng gió lại nhớ khơi xa, nhớ những cánh hải âu, nhớ những con tàu oằn mình chống chọi với sóng dữ. Như nghe từ khơi xa tiếng gọi của biển cả, của đại dương, nơi biển Đông, nơi thềm lục địa, là Trường Sa, Hoàng Sa, là 15 nhà giàn DK1, là những dàn khoan đang "truyền dầu” về làm giàu cho đất nước. Họ đang ở tuyến đầu, vị trí là "lá chắn thép”, pháo đài canh giữ biển trời, canh giữ hoà bình từ phía biển - những chiến sĩ hải quân anh hùng. Lời biển ru nhắc nhớ, vỗ về gọi tên các anh hùng liệt sĩ thuộc tiểu đoàn DK1 đã vĩnh viễn hy sinh trong lòng biển Mẹ. Câu chuyện của họ được truyền gửi qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ hôm nay. Bão tố kinh hoàng ngày ấy… DK1/3 cụm Phúc Tần (năm 1990), cụm Phúc Nguyên (năm 1998) và những tấm gương hy sinh quả cảm, bi tráng của Thượng úy Trần Hữu Quảng, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền, Đại uý, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An… Họ đã mãi mãi hòa mình vào lòng biển khơi, thành những con sóng êm vỗ về, chia sẻ cùng đồng đội thân yêu nơi thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Cho nên, bất cứ ai có dịp đi qua những vùng biển nơi các nhà giàn DK1 trấn giữ, khi thả những con hạc trắng, những bông cúc vàng, cúc trắng và những vật dụng của cuộc sống thường ngày về biển, vẫn như thấy lồng lộng giữa biển khơi những gương mặt, tính cách, hành động của những anh hùng liệt sĩ. Họ đi vào lòng biển trong tư thế ôm lá cờ Tổ quốc vào lồng ngực… Biển ru họ mãi mãi ngàn năm…

Cũng chiều nay, những con tàu của Hải quân hối hả chuẩn bị cho ngày mai ra khơi; cũng chiều nay, có người chiến sĩ trẻ bịn rịn chia tay người yêu để tiếp nối đi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng…


Các tin khác


Ở hiền...

Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Sau lưng ta một miền ký ức

Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.

Thạch Sanh tân truyện: Định biên khống

Mặc dù chẳng có bằng cấp gì nhưng nhờ có "vía” của phụ vương nên chàng tiều phu được đặc cách làm hiệu trưởng một trường TH&THCS bán trú ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Quan trọng vẫn là… ý thức!

Trà pha xong rồi đây! Chú ngồi chờ chút tôi gọi chú Nam. Các cụ dạy rồi  "Chè tam, rượu tứ” mới ngon. Vâng bác! Chỗ này thoáng đãng ngồi thưởng trà, ngắm người lại qua vui mắt bác nhỉ!

Phía trước là biển khơi

Trước khi lên tàu tham gia chuyến công tác ở đảo X, chị nhận được 2 tin nhắn thật dài của Huân, người chiến sĩ chị từng quen qua chuyến công tác cách đây 8 năm và của anh Vy, trưởng một ban của tờ báo nơi chị công tác. Chị khẽ mỉm cười, lòng vui lạ khi đọc tin nhắn của Huân: "Mỗi khi có tin đoàn chuẩn bị ra đảo, em luôn nghĩ là có chị. Chuyến đầu năm nay chị có đi chứ?”. Thôi, không nhắn trước, cứ để gặp cho có cao trào. Chị bật tin nhắn của anh trưởng ban. Có gì mà quan trọng hóa thế? Vẫn là câu chuyện cũ…

Mùa phượng cháy

Tản văn của Đức Dũng

Có ai đó quan sát, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm, rằng mùa phượng cháy là mùa thi của học trò cuối cấp phổ thông? Người đó nói đúng. Khi những chùm búp xanh non của phượng dần nhú ra thì tâm trạng của những sĩ tử tương lai hồi hộp, vừa lo lắng bận rộn ôn bài, vừa bâng khuâng buồn nhớ, chuẩn bị giã từ trường lớp thân quen, bỏ lại phía sau quãng đời hồn nhiên, thần tiên nhất không bao giờ trở lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục