Tản văn của Bùi Đức Thắng


Chiều nay, gió nổi heo may ràn rạt tràn lên từ cánh đồng, mấy tàu lá chuối trong vườn được thể phất phơ những mảnh rách tả tơi. Giàn mướp của mẹ đã qua 2 mùa quả nằm xiêu vẹo rồi sập một góc trong vườn. Trời bắt đầu chuyển sang màu đục, một vài hạt mưa lác đác kéo về từ dãy núi trước nhà rơi lạch tạch trên mái. Ngồi bên cửa voóng hóng gió mát, tôi chợt nhớ về ký ức của những mùa mưa bão ngày xưa.

Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, làng tôi chỉ lác đác vài nhà mái ngói, phần lớn là nhà sàn mái lá cọ. Những ngôi nhà sàn nghiêng nghiêng nằm dưới chân đồi, có mấy nhà nằm ẩn mình giữa lưng chừng dốc được bao bọc bởi tán xanh của cánh rừng già. Trước mặt là những thửa ruộng bậc thang thoai thoải, nơi có con suối đầu nguồn chảy xuôi hợp với các nhánh suối thành sông Bưởi hiền hòa.

Mỗi mùa mưa bão về, bố mẹ tôi lại tất bật đem những cây luồng dài một đầu cắm chặt xuống đất, đầu kia buộc níu qua mái cho ngôi nhà thêm chắc chắn. Gió lớn từ phía núi thổi ngang qua cánh đồng, rồi sức gió mạnh dần thổi ngược lên đồi làm cánh rừng chao đảo, cây rừng nghiêng ngả, quật ngang quật dọc, những mái nhà sàn lung lay như chực hất tung lên nếu không có mấy cây luồng nẹp giữ. Những lúc như thế, người lớn lo lắng, ruột gan như lửa đốt lo cho mái nhà sàn trước gió bão, mưa dông có thể bị gió cuốn bay bất cứ lúc nào, còn trẻ con chúng tôi vẫn vô tư chạy ùa ra sân tắm mưa, thi nhau chạy vào vườn nhặt những thức quả mới rụng vì gió lớn. Cả mấy mùa mưa bão tuổi thơ, không ít lần tôi thấy bố trèo lên lợp lại một góc mái nhà sau cơn lốc đi qua. Mẹ đứng dưới cầm cây sào gẩy lên từng mái tranh mắt buồn rười rượi.

Tôi nhớ có năm mưa to, bão lớn ập về trong đêm, trở tay không kịp, bố tôi sợ ngôi nhà sàn đã dựng lâu năm có thể bị đổ. Mấy chị em chúng tôi đang ngủ say sưa thì bị dựng dậy "chạy bão”. Sau khi xếp gọn đồ đạc, chăn màn, quần áo vào một góc phủ tấm nilon cho khỏi ướt, chúng tôi mỗi người một manh áo mưa chạy xuống sân tụm lại bên thành giếng trú bão. Trên mái, những phên lá cọ đứt lạt bay tứ tung theo gió cuốn, một góc mái phía trên bếp bị tốc, mưa xối xả tuôn hắt vào bếp. Củi trên gác bếp bị ướt hết. Sau khi mưa tạnh, bão qua, mẹ lại ngồi bên bếp xếp củi, châm lửa nhóm lên những ấm áp để củi trên gác được hong khô. Mãi sau này, khi tôi 11 tuổi, nhà tôi mới được dựng mới, vững chắc hơn và mái cũng được lợp bằng ngói đỏ, mùa mưa gió, bão lớn cũng yên tâm mà ngồi trong nhà...

Mỗi sớm sau đêm mưa bão, mấy bác trong làng lên thăm đồi đi qua nhà thông tin, trong làng thoáng gió hơn nên có mấy nhà bị tốc mái nhiều. Giống như mọi năm, cả xóm lại góp gianh lợp lại mái cho những nhà bị ảnh hưởng lớn. Tình làng nghĩa xóm san sẻ với nhau từ những thứ nhỏ nhất. Sau khi lợp lại mái bếp, còn sẵn mấy tấm gianh cọ, bố tôi mang vào trong làng giúp mọi người khắc phục sau bão, chúng tôi thì háo hức theo mẹ lên rừng sau nhà nhặt củi. Mưa bão lớn không chỉ cành khô, cả những cành tươi trên cao cũng bị gió bão bẻ gãy nằm ngổn ngang. Cành củi khô mà thường ngày đi củi chúng tôi không thể nào trèo lên lấy xuống vì quá cao nay đã nằm gọn dưới gốc cây. Cảm giác đi nhặt củi thật thích thú. Tôi hào hứng theo mẹ vì mẹ là người bó củi cho tôi đẹp nhất, còn anh chị tôi đi theo hai hướng khác, tìm cành chặt, gom, bó lại gọn gàng rồi vác đến bãi bưa tập kết. Những cành củi to, củi tươi cũng được gom lại chất thành đống và chuyển dần về nhà. Những ngày trời mưa kéo dài triền miên, công việc của mấy chị em chúng tôi là gom đám củi ướt chất đầy gác bếp.

Những ngày mưa dầm như thế, bữa cơm quây quần bên bếp lửa chất đầy củi lại bình yên đến lạ. Cũng trong gian bếp nhỏ khói lên cay mắt, chị em chúng tôi lớn lên, đi học, đi làm xa, mang theo bao ký ức về những ngày thơ ấu khó khăn mà cũng tươi đẹp. Một chiều, nghe tiếng gió, tiếng sấm, mưa quất tơi bời bên mái hiên, lại nhớ hình ảnh mẹ và bố của ngày xưa cặm cụi lo toan mọi thứ chống chọi với gió bão. Giờ đây, cánh rừng già không còn, thay vào đó là bạt ngàn rừng keo, công việc đi lấy củi cũng dần không được nhắc đến khi mọi thứ tiện nghi đã có. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, mắt tôi rưng rưng khi vẫn thấy mẹ lụi cụi nấu nướng trên gian bếp nhỏ. Mẹ bảo, món này nấu bếp củi mới ngon. Và nơi đó, vẫn có những thanh củi được gá ngang trên gác bếp chờ hong khô.


Các tin khác


Vọng biển

Không phải họ hàng nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp này tôi đều được gia đình anh Hoá mời dự đám giỗ. Vì gia đình anh và bố mẹ tôi có mối thâm tình hàng chục năm nay. Giờ hai gia đình chỉ còn các bà cũng gần 90 tuổi.

Tiếng đàn...

Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.

Ở hiền...

Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Sau lưng ta một miền ký ức

Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.

Thạch Sanh tân truyện: Định biên khống

Mặc dù chẳng có bằng cấp gì nhưng nhờ có "vía” của phụ vương nên chàng tiều phu được đặc cách làm hiệu trưởng một trường TH&THCS bán trú ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Quan trọng vẫn là… ý thức!

Trà pha xong rồi đây! Chú ngồi chờ chút tôi gọi chú Nam. Các cụ dạy rồi  "Chè tam, rượu tứ” mới ngon. Vâng bác! Chỗ này thoáng đãng ngồi thưởng trà, ngắm người lại qua vui mắt bác nhỉ!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục