Truyện ngắn của Bùi Huy


Gió đột ngột rít lên từng đợt. Trời lại lắc rắc mưa kèm mây vần vũ. Chị vội vàng cài then cửa và ra chằng chuồng gà, vịt. Lũ gà, vịt cũng cuống quýt dạt các phía. Lại bão… Chị nhìn ra phía bờ sông và cánh đồng bãi lòng đầy âu lo. Mà sao hai đứa trẻ chưa đi học về. Bỗng có tiếng người ngoài ngõ. Tiếng của Thái, cậu bé hàng xóm mới quen mấy tháng nay. Nó hớt hải: Chị ơi, nghe ti vi báo có gió và mưa rất to nên không thể chủ quan được. Mấy lồng cá ngoài kia chị đã chằng lại chưa? Nếu chưa kịp làm để em chạy ra làm một thể.

- Sáng nay chị đã níu buộc mấy lồng cá lại rồi. Chị đang lo mấy tấm tôn lợp chuồng trâu, chuồng gà có trụ được không thôi. Thế nhà em thế nào rồi…

Cậu ta cười khùng khục, giọng đang vỡ: Từ khi nghe tin mưa bão em đã làm xong mấy phần việc rồi… Em còn chạy ra nhà cụ Vi để giúp thu hoạch nhanh đám ngô nữa… Ngô non "xanh nhà hơn già đồng” chị nhỉ? Thái, miệng cười, mắt cười, một khuôn mặt tròn bầu bĩnh với hàng ria mờ. Chả hiểu sao kiểu tóc nó lại khá ngộ, gần như trọc, trắng hếu. Hồi đầu mới quen chị hỏi, nó thủng thẳng: Để khoảng cách giữa lần cắt trước và sau xa thêm. Tiết kiệm mà chị. Nghe nói thế chị chợt nhớ, nhà Thái có 3 mẹ con, cuộc sống khá tằn tiện… Mẹ Thái làm nghề phụ cho các tay chuyên thịt lợn, trâu, bò, đi làm từ tầm 3 giờ và về nhà lúc 22 giờ. Một khuôn mặt không rõ mặt vì lúc nào cũng khẩu trang, khăn quấn kín mít. Thái có lần rầu rầu: "Em hỏi mẹ làm để sống hay làm để chết mà mẹ ít nghỉ ngơi? Nhưng em biết, mẹ cố thế cũng là vì chuyện ăn học của hai anh em nhà em đấy chị. Mẹ em bảo, đời mẹ học hành dở dang nên không muốn các con lỡ việc học…, nhưng mẹ em chỉ nói vỏn vẹn: Mẹ kham được. Các con cố lo mà học…".

Cậu bé này cũng rõ là cụ non thật. Nghe hàng xóm kể không muốn mẹ khổ hơn, đỗ trường công nhưng quyết đi học nghề kiểu "3 năm, 2 bằng”. Buổi nào không học nó đạp xe lên thị trấn phụ việc cho cửa hàng bán sữa. Nhiều hôm thấy nó thất thểu đạp xe về có vẻ mệt, nhưng gặp chị lại cười roi rói và có ý phân bua: "Nay hàng về hơi nhiều nên "cửu vạn” khá căng”. Được cái, nó sáng dạ lắm, học văn hóa, học nghề đều ổn. Hôm nọ nó khoe: Em vừa mua được quyển toán rất hay cho cu Út, nó chuẩn bị tham gia một hội thi cấp trường chị ạ, nó rất mê toán… Nghe nó nói cùng những câu chuyện đời thường của hai nhà, chị cũng thấy nguôi dần những câu chuyện buồn…

Gia đình chị chuyển đến phía Đồng Bãi cũng là chuyện bất đắc dĩ. Ở phía làng kia, chị cũng từng có một gia đình đúng nghĩa. Chồng chị, một thời hào hoa, chăm làm, chịu khó, thương vợ thương con. Ai cũng bảo chị tốt số, nhất là khi 2 đứa con lần lượt chào đời. Rồi cơn lốc đào đãi vàng ở Thái Nguyên dội đến vùng quê vốn yên bình này. Chồng chị cũng phân vân. Đi làm ăn xa mong kiếm được khoản tiền, xây ngôi nhà tươm tất cho vợ con. Chị gàn: Giàu nhanh thì khó và không nên vội. Anh cứ ở nhà cùng em nuôi trâu vỗ béo, chăm đàn lợn, tích cóp dần rồi sẽ làm nhà… Anh ở nhà còn đỡ đần em việc nuôi dạy thằng Tun, con Hến chứ. Nhưng anh nghe theo lời bạn bè quyết chí đi làm ăn xa. Vài tháng đầu còn thấy tiền về thấp thoáng, dần vắng hẳn. Qua nhiều nguồn thông tin, chị biết anh đã bập vào cờ bạc, rượu chè, nợ chồng nợ. Đúng là vàng chả thấy đâu chỉ thấy "vàng mắt”. Rồi những trận cãi vã, rồi trâu, bò, lợn đội nón đi để trả nợ. Mẹ và người chị gái thì cao giọng dứt khoát: "Việc hạnh phúc của vợ chồng con mẹ không xen vào, nhưng mẹ cũng phải nói để con biết "cờ bạc là bác thằng bần”, không nên để bọn trẻ chịu đựng cảnh này”…

Chị và anh chưa ra tòa, nhưng chị quyết tách ra phía này để lo cuộc sống mới. Anh van vỉ chị nghĩ lại. Chị chỉ nói: "Mẹ con tôi không lấy một thứ gì, để lại cho anh tất cả… Mẹ con tôi chắc không chết đói đâu”. Ngày chị chuyển nhà ra đây, anh cũng lân la theo cùng như muốn níu kéo. Một năm nay, tuần nào anh cũng đến thăm bọn trẻ, đôi khi còn đưa chúng đi học, nhưng anh không dám ở lại dù chỉ ăn bữa cơm… Chị cũng biết thêm, từ ngày chị rời đi, anh không còn giao du đám bạn cũ, không cờ bạc, rượu chè nữa; chăm chỉ nuôi gà, lợn. Hơn 10 năm nên duyên chồng vợ, anh "hư” đấy nhưng chưa một lần động chân tay với vợ con. Chính điều này khiến lòng chị được an ủi… Nhưng với hoàn cảnh đang diễn ra, cũng khiến lòng chị không thể vui được. Nhiều đêm nghe gió rít lồng lộng ngoài đồng Bãi, nhìn 2 con ngủ và nghĩ về ngày mai, chị không cầm được nước mắt…

Bất cứ cuộc gặp gỡ nào trên đời đều bắt đầu từ chữ "duyên”. Ngày chị chuyển đến đây, người gặp đầu tiên là hai anh em Thái. Chả quen biết gì mà cũng cứ lăn vào bê vác đồ giúp cho chị. Xong việc, nó chỉ tay về phía cuối đồng Bãi: "Nhà em ở phía đó chị à. Hôm nào mời chị thăm "tệ xá”. Còn chuyện này nữa, hôm chị ra phía sông bắt gặp Thái đang đấu khẩu với lão Nghê có khu trang trại ở phía đồi xa. Chị chưa gặp lão Nghê bao giờ nhưng nghe tiếng thì đã lâu. Giàu thế mà tính toán với người làm công từng nghìn đồng một. Nay thấy rồi, khuôn mặt gầy với tia nhìn lấm lét, chả xứng với kiểu nhà có điều kiện gì ngoài tiền. Tiếng Thái rành rọt: "Bác là người lớn, bác phải biết chia sẻ với hoàn cảnh người khác chứ. Chị ấy đến đây ở ảnh hưởng gì đến ai. Dân "ngụ cư”… sao lại bày đặt chuyện này? Trước khi bác về đây bác ở đâu? Người trong làng có nói bác là "dân ngụ cư” hay không? Bác nói thế họ nói bác là hồ đồ đấy. Cháu xin lỗi… Đành phải nói thế”. Ôi cậu bé hàng xóm mới quen. Mới quen nhau mà cậu ấy sẵn sàng đấu khẩu để "bênh” chị. Lòng chị đang ngổn ngang, rối bời bỗng thấy tĩnh lại. Yên ả hơn...


Các tin khác


Những bông hoa trên biển xanh

Tản văn của Bùi Huy

Mùa hè tuổi thơ

Một ngày nhận được 2 tin nhắn của hai người bạn. Một người là bạn từ thời ấu thơ: "Hè này, mình cho bọn trẻ về quê một tuần. Cậu về không? Để còn tắm sông và hàn huyên bạn bè?”. Còn người bạn làm cùng cơ quan lại là tin nhắn hồi đáp cho lời mời đi pic-níc ở ngoại ô thành phố: "Không đi được đâu ông ơi. Con bé lớn phải học hè rồi. Sắp tới còn phải thi vào lớp chọn, lớp chất lượng cao. Đợt này phải tăng tốc môn tiếng Anh, Toán, Văn…”, "Thế không cho nó nghỉ hè à?”. Đáp: Có chứ, nhưng từ từ đã...

Lá thư của bác tôi

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Tôi tập mãi mà chưa viết đẹp được như chữ của bác cả. Tôi học kiểu chữ viết ấy từ lá thư của bác. Gọi là thư nhưng nó chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy học trò, phần chính giữa lại bị mối xông, chỉ còn hai bên như cánh chim bồ câu đang chấp chới bay. Chút bút tích ấy là tất cả những gì còn lại một đời người.

Vọng biển

Không phải họ hàng nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp này tôi đều được gia đình anh Hoá mời dự đám giỗ. Vì gia đình anh và bố mẹ tôi có mối thâm tình hàng chục năm nay. Giờ hai gia đình chỉ còn các bà cũng gần 90 tuổi.

Tiếng đàn...

Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.

Ở hiền...

Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục