Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Định cúi xuống, con chim sẻ yếu ớt nơi gốc đại già đang thoi thóp. Ông từ Cần đã đứng trước mặt Định từ bao giờ. Thoáng nhìn vết sẹo trên cánh tay trần của anh rồi nhìn chú chim nhỏ yếu ớt. Chỉ có sự nhẫn nại trước mất mát mới biến hung hóa lành, thức tỉnh chưa bao giờ muộn…


Một năm trước, ai có thể tin Định nghĩ được như thế. 
Anh quay đi, lang thang trên phố với khuôn mặt bợt bạt nắng gió và sự vô hồn. Tiếng cửa đập mạnh khiến Định bừng tỉnh, thoáng thấy một người mặc áo chống nắng kín mít nhảy vội lên xe máy, sau lưng đeo ba lô kiểu khách đi phượt. Một ông già to béo hốt hoảng chạy theo miệng lắp bắp không thành tiếng. Phía sau còn có mấy cô gái vừa chạy vừa tri hô "cướp”, "có… kẻ cướp…”. Định ném thẳng chai nước suối 1,5 lít vào mặt tên cướp khi hắn chỉ còn cách anh chừng dăm mét. Hắn dễ dàng né người lạng lách nhưng dù sao xe cũng phải đi chậm lại nếu như không muốn mất lái. Chỉ cần đợi thế anh lao thẳng về phía hắn bằng hai chân. Hên xui, cả người hắn và xe cày trên đường, Định cũng bị trượt vài mét, máu nóng trào lên mặt, anh vùng dậy nhưng tên kia cũng đâu có chậm hơn. Hai người lao vào nhau ở khoảng cách quá gần nên không thể ra đòn mà chỉ có thể ghì đối phương xuống đất. Định cảm thấy đuối sức, có lẽ do hắn còn trẻ hơn anh. Kinh nghiệm va chạm trong tù mách bảo anh phải ghì chặt hắn vừa đợi người đến ứng cứu vừa hạn chế nguy cơ bị hắn đánh đòn hiểm. Nhưng một người ngay đâu có thể đề phòng hết được thủ đoạn của kẻ gian, Định bỗng thấy nhói bên vai, cảm giác ngọt và sắc. Tên cướp chỉ chờ anh khựng lại là bật dậy. Định bỗng thấy choáng nhưng bản năng vẫn khiến anh tung cú đạp trả miếng mạnh như mũi tên làm đối phương khuỵu chân xuống. Hắn loạng choạng định chạy thì bị mấy người vây lấy. Định thấy mắt mình mờ đi, anh chỉ còn kịp nhận ra màu áo công an trong đám đông… 
Xuất viện, có thêm một vét sẹo găm trên thân thể nhưng lần này Định khác mọi khi. Mọi khi phải đánh lộn khiến anh thấy thù hận và chán ghét nhưng giờ nhìn vết sẹo anh nghĩ khác. Ít ra mình cũng có ích cho cuộc đời. 
Một sáng, ông chủ trọ vừa đập cửa vừa gọi toáng: "Nguyễn Quang Định, ra đây có người gặp…”. Mở cửa ra anh ngớ người. Đứng cạnh ông ta là một cảnh sát khu vực và ông béo chủ tiệm vàng bị cướp hôm rồi. Anh công an nheo mắt nhìn anh và cười:
- Check cam thấy anh nhanh như phim hành động. Anh dũng cảm lắm. Kiểu này sang Hollywood là phát tài phải biết.
Câu nói đùa của anh khiến không khí trở nên vui vẻ. Ở tù mấy năm Định đã quá quen nên đưa mắt lướt nhanh bảng tên, anh cảnh sát này có tên hay như ca sĩ: Lương Kiến Huy.
- Vâng, anh quá khen, chỉ là tôi thấy việc nên làm.
- Đó, các anh thấy chưa. Người ngay thẳng, bản lĩnh thì đều giống nhau cả. Mấy anh bữa trước bắt cướp cũng chia sẻ vậy. Chính quyền và bà con luôn trân trọng các anh…
Sau hôm được khen thưởng, Định trở thành bảo vệ của chính tiệm vàng theo gợi ý của Huy. Ông chủ thấp béo đó tên là Thành Lương. Thi thoảng hết giờ làm, 3 người vẫn thường trà đá, thuốc lào, bàn luận từ chuyện nâng cao ý phức phòng trộm cắp, vệ sinh ngõ xóm cho đến nỗi trăn trở không gian vui chơi của lũ trẻ… 
Hôm nay Định về quê, ghé qua đền để có chút việc muốn thưa với ông từ Cần. Cũng như anh, ông có một vết sẹo ở bả vai nhưng đó là vết thương bởi mảnh đạn quân thù khi đang trong quân ngũ. Ít người biết ông Cần chính là thủ trưởng đơn vị của cha anh, người đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch.
Cầm chiếc hộp nhỏ ông Cần đưa cho tay Định run run. Hơi ấm bàn tay của mẹ như vẫn còn đây, người vẫn không quên đứa con nghịch tử này trong cơn bạo bệnh. Mở tấm lụa đỏ, những chiếc nhẫn vàng hiện ra dưới ánh chiều tà làm Định hoa mắt. 
- Trời ơi, sao mẹ cháu có nhiều vàng thế mà cháu không biết?
- Bà ấy luôn tằn tiện vì cháu…
- Vâng, cháu đã trách nhầm mẹ. Cháu đã làm hỏng cả đời mình…
- Giờ cháu vẫn có thể làm lại. Nếu trên thành phố sống tốt, cháu mở cửa hàng mà buôn bán cũng đủ sống…
Định gật đầu lễ phép rồi từ biệt ông Cần. Anh bước đi với số vốn liếng mẹ để lại cất kỹ trong ba lô và chiếc lồng nhỏ. Chú sẻ non chốc chốc lại ngước lên nhìn anh âu yếm. Ông từ Cần tay cầm chổi đứng nhìn theo bóng Định đăm đắm. Chẳng rõ đứa trẻ to đầu này sẽ làm lại cuộc đời như thế nào.
Trưa nay, lũ trẻ con trong phố không đứa nào chịu ngủ, chúng dặn đi dặn lại bố mẹ đúng 16 giờ phải đưa ra khánh thành bể bơi. Người lớn ban đầu không hề quan tâm nhưng giờ bắt đầu xôn xao.
- Bữa trước thấy mấy ông cứ ngó nghiêng chỗ ấy. Hay lại bán cả cái ao kia. 
- Đâu. Nghe bảo cái chú bảo vệ tiệm vàng có vết sẹo ở vai rủ mấy anh em thanh niên xuống nạo vét cái hồ, rồi bỏ tiền ra cùng với ông Thành Lương sửa sang lại cái hồ hôi thối ấy thành bể bơi cho lũ trẻ.
16 giờ, nắng đã nhạt, đám trẻ ào xuống bể bơi sau mấy lời khai mạc của ông tổ trưởng. Người ta lại tiếp tục bàn nhau:
- Giá kể cái ao to tí nữa thì hay biết mấy.
- Ở thành phố lấy đâu ra đất. Quan trọng là tấm lòng của những người luôn vì lũ trẻ có bao giờ hẹp đâu.
Nghe họ bàn tán Định thấy hào hứng, anh giật mình sau cái vỗ vai, quay lại đã thấy Huy mặc đồ bơi:
- Ồ, sao nay cán bộ lại ăn mặc lạ thế?
- Hết giờ hành chính rồi, giờ mình xuống làm huấn luyện viên cho các cháu tập bơi nào.
Nói rồi Huy đẩy Định xuống trước rồi nhảy tùm xuống nước bơi theo. Định cảm nhận được nước mát ngấm vào từng đường gân, thớ thịt của anh. Bể bơi đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Huy vừa hướng dẫn lũ trẻ vừa thách đố ông Thành Lương đang khởi động trên bờ. Nhìn hai người bạn một già, một trẻ, anh thấy lòng ấm áp. Con chim sẻ nhỏ mỗi lần thấy anh ngụp xuống nước lại kêu lên thất thanh thật đáng yêu. Bỗng có đứa trẻ reo lên:
- Trăng kìa, trăng tròn quá!
Định ngước nhìn, trăng đã sắp tròn, vậy là Trung thu đã cận kề. Vầng trăng hôm nay in cả trên mặt nước, một mùa thu đầy hạnh phúc đã đến dịu mát trong lòng anh… 


Các tin khác


Tiếng đàn...

Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.

Ở hiền...

Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Sau lưng ta một miền ký ức

Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.

Thạch Sanh tân truyện: Định biên khống

Mặc dù chẳng có bằng cấp gì nhưng nhờ có "vía” của phụ vương nên chàng tiều phu được đặc cách làm hiệu trưởng một trường TH&THCS bán trú ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Quan trọng vẫn là… ý thức!

Trà pha xong rồi đây! Chú ngồi chờ chút tôi gọi chú Nam. Các cụ dạy rồi  "Chè tam, rượu tứ” mới ngon. Vâng bác! Chỗ này thoáng đãng ngồi thưởng trà, ngắm người lại qua vui mắt bác nhỉ!

Phía trước là biển khơi

Trước khi lên tàu tham gia chuyến công tác ở đảo X, chị nhận được 2 tin nhắn thật dài của Huân, người chiến sĩ chị từng quen qua chuyến công tác cách đây 8 năm và của anh Vy, trưởng một ban của tờ báo nơi chị công tác. Chị khẽ mỉm cười, lòng vui lạ khi đọc tin nhắn của Huân: "Mỗi khi có tin đoàn chuẩn bị ra đảo, em luôn nghĩ là có chị. Chuyến đầu năm nay chị có đi chứ?”. Thôi, không nhắn trước, cứ để gặp cho có cao trào. Chị bật tin nhắn của anh trưởng ban. Có gì mà quan trọng hóa thế? Vẫn là câu chuyện cũ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục