11 giờ khuya, ông Hạnh vừa cài xong chốt cửa thì nghe tiếng chuông réo. Từ ngày đứa cháu ở quê bị tai nạn, ông luôn ám ảnh bởi tiếng chuông cửa hay tiếng chuông điện thoại mỗi khi về đêm. Lại một hồi gấp gáp nữa. Cửa mở, trước mặt ông lố nhố 5, 6 thanh niên tay cầm gậy gộc, hình như có cả dao quắm. Họ bảo nhau, không phải nhà này rồi vội vã lao đi. Ông ném ánh mắt khó chịu vào khoảng không lẩm bẩm, đêm hôm bấm nhầm chuông cửa nhà người ta mà không mở miệng được một câu xin lỗi.

Giữa lúc ông định chốt lại cửa thì phía bên nhà Lễ có tiếng quát tháo xen lẫn tiếng uỳnh uỵch, rồi tiếng va chạm của gậy gộc. Đánh nhau rồi. Lại nhà thằng Lễ, cái thằng luôn gây phiền hà cho hàng xóm. Tiếng bà Lợi xoe xóe, tiếng ồn ào mỗi lúc một to, có cả tiếng gào thét thất thanh. Ông Hạnh lập cập chạy sang thì thấy ông Thành nằm sõng soài bên gốc cây lộc vừng. Đỡ bạn dậy ông hỏi: "Có chuyện gì thế?". "Chúng nó đánh nhau tôi sang can thì bị cài thằng oắt con kia đẩy ngã ông ạ". Ông Hạnh liếc nhanh chỗ má ông Thành rỉ máu bảo phải sát trùng, băng bó lại rồi vội chạy vào trong nhà:
- Chú Lễ có chuyện gì từ từ giải quyết không được đánh người.
- Ông biết gì mà can dự vào. Lần trước tôi cảnh cáo ông vì đã dính dáng đến chuyện gia đình nhà tôi ông quên rồi à? Thôi ông về đi!
Ông Hạnh dằn giọng: Tôi không quên nhưng đây là trách nhiệm của hàng xóm láng giềng, tôi với ông Thành sang đây là vì lẽ ấy. 
Vì mải để ý tới ông Hạnh đang dàn xếp với Lễ mà đám gây rối không còn hăng tiết vịt nữa. Nhóm người tản mát dần. Bà Lợi cũng lầm lũi ra về. Nhân tiện ông Hạnh, ông Thành bảo nhau nán lại để góp ý với Lễ. Không biết họ nói những gì mà tình hình có vẻ dịu hơn, nét mặt Lễ không còn nghiêm trọng như lúc ban đầu. Chả phải nói thì mọi người cũng thừa biết về khoản hòa giải thì hai ông già ăn đứt tổ trưởng Miên rồi. Thế nên mới có chuyện ông Miên ca thán với bà con, nào là Lễ không đi họp tổ, không tham gia bất cứ hoạt động tập thể nào. Khi ông và chị trưởng ban công tác mặt trận đến tận nhà để phổ biến về quy ước sinh hoạt ở khu dân cư đều bị hắn bỏ ngoài tai. Vận động đóng góp quỹ thì hắn kêu là nhiều khoản thế, để tôi còn xem xét rồi hồn nhiên trả lời, gia đình tôi đang gọi bán nhà để chuyển về quê.
Mấy ngày đầu tháng 8 âm lịch, trước cửa nhà Lễ xe ra vào nhộn nhịp. Lại thấy xuất hiện cả mấy ông bà cỡ tuổi cha chú Lễ. Dân tình phỏng đoán, có lẽ nó bán nhà thật, thế lại hay! Cứ bảo gặp phải loại hàng xóm bặm trợn chả dây làm gì, vậy mà không ai bảo ai họ vẫn để ý đến từng cử chỉ, hành động của gã. Rồi chả cần phải đợi lâu, cái sự nhộn nhịp cũng được sáng tỏ. Ấy là họ đang chuẩn bị đám cưới cho Lễ. Thì ra là vậy, cũng từ cái sự kiện lớn lao cuộc đời ấy mà cả khu phố mới vỡ lẽ ra chuyện cô gái lâu nay vẫn ở cùng không phải là vợ Lễ mà chỉ là nhân tình, nhân ngãi. Dễ đến nửa năm sau ngày cưới của đôi uyên ương phố xá mới biết mặt vợ Lễ (vì không ai được mời dự mới lại chả thấy cô ấy xuất hiện bao giờ).
Đó là một cô gái trẻ xinh đẹp kiểu nhà quê, ít hơn Lễ cỡ một con giáp. Khác với cô "vợ” trước, cô bé này miệng cười tươi mà đôi mắt thì âu sầu phảng phất, ít thấy giao du bạn bè. Nguyên do cũng vì ngày mới về làm dâu chả biết bạn "phây búc" xúi giục thế nào mà cô ấy xin về ngoại chơi rồi trốn đi phẫu thuật thẩm mỹ. Thấy sự bất thường Lễ liền tra khảo. Sợ quá cô vợ kể hết rồi mếu máo xin chồng đi sửa lại và quả quyết rằng chủ tiệm còn nợ gói bảo hành miễn phí. Lễ sa sầm mặt, không đi đâu hết. Từ nay tôi cấm cô ra khỏi nhà. Ngày 8/3, Hội phụ nữ đến thăm và vận động vợ hắn vào hội thì cái quy ước "cấm cô ra khỏi nhà” của hắn càng được kiểm soát gắt gao hơn. Khuôn viên nhà hắn như một thế giới riêng của nhóm giang hồ. Thỉnh thoảng chúng tụ tập hát hò, ăn uống thâu đêm suốt sáng gây mất trật tự khu phố. Ai mà góp ý là hắn quát, việc nhà tôi quan hệ gì đến các người.
Ông Hạnh có vườn cây trên mái tum trồng đủ loại, nào là phong lan, cây ăn quả và cả rau xanh nữa. Ông lấy đó làm niềm vui, mỗi chiều đến lại vượt mấy chục bậc cầu thang lên thăm nom, tưới tắm. Dạo này mấy giò lan hồng Yên Thủy sắp đến mùa trổ hoa, ông hồi hộp chờ đợi vì nghe nói giống này có gam màu đặc biệt của tam bảo sắc và dã hạc. Phong lan bây giờ không còn giá trị kinh tế như trước đây, nhưng với ông được tự tay chăm sóc và chứng kiến cây lớn lên rồi ra hoa thì đấy là món quà tinh thần vô giá.
Chiều hôm ấy như mọi chiều khác, ông vừa lên đến vườn thì thấy một làn khói đen cuộn kín ngọn cây xoài nhà hàng xóm. Nhìn kỹ thì là nhà Lễ. Chả lẽ hôm nay nó lại mổ lợn tụ tập bạn bè? Cái mùi cỏ gianh thui lợn ngai ngái xen với tiếng nổ lách tách quá đỗi quen thuộc với ông. Nhưng hôm nay là mùi khác, nó đậm đặc, khét lẹt như cao su. Cột khói ngày một cao hơn rồi có tiếng kêu cứu, ông vội lao xuống cầu thang suýt va phải bà vợ đang quét nhà. Thấy thế bà la: "Ông làm sao thế, già rồi đi lại cẩn thận chứ". Ông gắt: "Cháy bên nhà cậu Lễ, để tôi sang xem sao". Vợ ông ngăn: "Thế không nhớ lần trước à? Hôm nó mở nhạc to ấy?". "Trời ạ, bà tránh ra". Gạt vợ sang một bên, ông Hạnh chạy đến đã thấy ông Khang, ông Thản và mấy chị cùng dãy nhà đứng ngoài đập cửa ầm ầm mà không có tiếng trả lời. 
Ngọn lửa và cột khói đen ngày càng dữ dằn như muốn nuốt chửng mọi vật xung quanh. Ai cũng lo lắng. Tình hình nguy gấp lắm rồi. Đâu như cô Biên bị nhốt ở trong nhà, phải phá cửa thôi. Ông Hạnh giục: "Phá ngay đi, tội vạ đâu tôi chịu". Cánh cửa bật tung, cậu Thành y sỹ cùng mấy thanh niên vội đưa cô Biên đi bệnh viện. Họng nước cứu hỏa trên hè phố được mở cùng lúc với 5, 6 bình cứu hỏa gia đình tự nguyện mang đến, nên khoảng hơn chục phút sau đám cháy được dập tắt. Tình hình tạm ổn, mọi người đang dọn dẹp thì chiếc Pho bán tải ầm ầm lao về đỗ xịch trước cửa làm mấy cô cậu thanh niên đang hót rác chạy vội lên hè. Mặt đỏ tía tai, áo phanh trước ngực, Lễ lao vào nhà. Ông Hạnh quát: "Ở đây tạm ổn rồi, bây giờ chú đến bệnh viện ngay đi, cô Biên đang phải cấp cứu". Lễ bối rối không biết nói gì chỉ khẽ gật đầu rồi vội vã lên xe.
Cả buổi chiều hôm ấy khu phố ồn ào, phần vì lo bảo vệ tài sản, dọn dẹp nhà cửa giúp đỡ gia đình Lễ, phần vì vài đối tượng tò mò xì xào nghe ngóng. Đợi cho Lễ từ bệnh viện về, tổ trưởng dân phố và đại diện ban, ngành đến thăm hỏi, động viên. Ông Hạnh cũng được mời trong diện hàng xóm cận kề. Đoàn làm việc hết sức cẩn trọng, mọi người phát biểu dè dặt, chủ yếu là để thăm dò ý kiến chủ nhà. Riêng ông Hạnh đúng là bản chất lính chiến, bộc trực thẳng thắn phê bình chuyện Lễ khóa trái cửa không cho vợ ra ngoài. Ông còn định phê tiếp chuyện nhà Lễ làm chuồng cọp không có cửa thoát hiểm là vi phạm quy định mà lâu nay đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng thấy mọi người có vẻ e ngại ông mới dừng lại.
Đến phần ý kiến của chủ nhà thì Lễ làm mọi người đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cậu ấy nghẹn ngào nhận sai sót của mình và cảm ơn bà con lối phố đã quan tâm cứu giúp gia đình, rồi hứa sẽ sửa sai, nhất là việc giữ gìn tình cảm phố xá. Nhân có bà hội trưởng phụ nữ, Lễ xin bà giúp đỡ kết nạp vợ mình vào hội và hứa sẽ yêu thương, chăm sóc vợ hơn. Lễ cũng xin ủng hộ quỹ tổ 3 triệu đồng. Trông Lễ lúc này thật hiền, dễ gần, dễ mến. Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm. Tiếng cười nói vui vẻ trong căn phòng khách tuy còn bề bộn tro bụi nhưng ấm áp nghĩa tình.


Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa

Các tin khác


Chuyện đời thường: Buổi sáng mùa thu ấy...

Đã có biết bao buổi sáng mùa thu mà ta đã đi qua. Chút se se, ẩm ướt mát lành trong không gian. Làn gió tinh khôi từ phía sông thổi tới; tiếng sóng nước rất nhỏ, dường như còn ngái ngủ... Ngọn núi trầm mặc phía xa bỗng được khoác một dây voan trắng rất mỏng. Tiếng chim lích chích ban sáng cũng khẽ khàng, đủ để đánh thức không gian. Lòng người cũng an lành, phấn chấn chào đón ngày mới…

Mùa bão về còn ai nhặt củi đem hong

Tản văn của Bùi Đức Thắng

Tìm thấy niềm vui


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Định cúi xuống, con chim sẻ yếu ớt nơi gốc đại già đang thoi thóp. Ông từ Cần đã đứng trước mặt Định từ bao giờ. Thoáng nhìn vết sẹo trên cánh tay trần của anh rồi nhìn chú chim nhỏ yếu ớt. Chỉ có sự nhẫn nại trước mất mát mới biến hung hóa lành, thức tỉnh chưa bao giờ muộn…

Những bông hoa trên biển xanh

Tản văn của Bùi Huy

Mùa hè tuổi thơ

Một ngày nhận được 2 tin nhắn của hai người bạn. Một người là bạn từ thời ấu thơ: "Hè này, mình cho bọn trẻ về quê một tuần. Cậu về không? Để còn tắm sông và hàn huyên bạn bè?”. Còn người bạn làm cùng cơ quan lại là tin nhắn hồi đáp cho lời mời đi pic-níc ở ngoại ô thành phố: "Không đi được đâu ông ơi. Con bé lớn phải học hè rồi. Sắp tới còn phải thi vào lớp chọn, lớp chất lượng cao. Đợt này phải tăng tốc môn tiếng Anh, Toán, Văn…”, "Thế không cho nó nghỉ hè à?”. Đáp: Có chứ, nhưng từ từ đã...

Lá thư của bác tôi

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Tôi tập mãi mà chưa viết đẹp được như chữ của bác cả. Tôi học kiểu chữ viết ấy từ lá thư của bác. Gọi là thư nhưng nó chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy học trò, phần chính giữa lại bị mối xông, chỉ còn hai bên như cánh chim bồ câu đang chấp chới bay. Chút bút tích ấy là tất cả những gì còn lại một đời người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục