Ơ kìa! Bác gọi em sang thưởng trà mà sao mắt cứ… la đà, vô định thế kia?

À có định đấy chứ! Là tôi đang nhìn cái rạp đám cưới của nhà ông Vịnh mới dựng lên kia kìa!

Nay bác có sốt không mà tâm trạng lạ thế? Rạp đám cưới ở khu mình chỉ có diện tích to, nhỏ khác nhau chứ rạp nào chả như rạp nào. Cũng phông ấy, bạt ấy cả mà!

Đấy đấy! Tôi đang nhìn và nghĩ đến 2 từ "phông bạt” mà chú vừa nhắc!

Dân lao động như tôi xưa nay chỉ biết người ta căng phông, kéo bạt là để tránh mưa, lánh nắng và cản bụi… trong các sự kiện, hội chợ, đám cưới hay các hoạt động được tổ chức ngoài trời. Thế mà độ này cứ thấy lớp trẻ nhắc rần rần chuyện ông nọ, bà kia "phông bạt” để đánh bóng tên tuổi là sao chú?

Ái chà! Bác thạo tin gớm! Chẳng là sau cơn bão số 3 hay còn gọi bão Yagi vừa rồi, hầu khắp các tỉnh từ đồng bằng, trung du đến miền núi phía Bắc đều bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Để giúp người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm tái thiết cuộc sống, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Theo đó, kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế ủng hộ vật chất, tinh thần, chia sẻ khó khăn, mất mát với người dân.

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quyên góp và sử dụng nguồn lực hỗ trợ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã in sao kê danh sách tập thể, cá nhân ủng hộ. Việc này là nhằm cung cấp thông tin, đảm bảo mọi người dân đều được theo dõi, giám sát và cho ý kiến… để khích lệ các cá nhân, tập thể vì "nghĩa đồng bào”. Bởi số người ủng hộ lớn nên chỉ sau 2 ngày phát động, các trang sao kê danh sách ủng hộ cũng dài tới 12 nghìn trang. Có người ủng hộ tiền tỷ nhưng cũng người chỉ năm, mười nghìn đồng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh. Sẽ không có gì đáng nói nếu như mỗi cá nhân đều nghĩ tới hàng trăm, hàng ngàn người dân rơi vào cảnh "trắng tay” sau bão mà hành xử. Nhưng xã hội mà! Luôn có người này, người kia bác ạ. Cụ thể, trong quá trình ủng hộ có một số (rất ít)người đã nói dối cộng đồng về số tiền ủng hộ. Ví như ủng hộ 50 nghìn đồng nhưng khi chụp sao kê rồi đưa lên mạng xã hội lại dùng công nghệ thêm vào 3 con số thành 50 triệu đồng…

À! Để khoe khoang! Rằng ta có lắm tiền, nhiều của, lại có tinh thần vì cộng đồng rất cao!!!

Đúng rồi bác! Và hành vi đó được giới trẻ bây giờ dùng từ lóng gọi là "phông bạt”. Có nghĩa là căng phông, kéo bạt với những gam màu rực rỡ, thông tin, hình ảnh quảng cáo bắt mắt để che đi sự rỗng tuếch hoặc lộn xộn ở bên trong khung rạp đó. Qua đó để xây dựng một hình ảnh hoàn hảo, hào nhoáng về bản thân trên mạng xã hội.

Ra vậy! Thế việc làm đó có vi phạm pháp luật không chú?

Thực tế thì việc "phông bạt”, nói dối về số tiền quyên góp từ thiện của bản thân hiện chưa có quy định xử phạt. Tuy nhiên, nếu một cá nhân đứng ra đại diện cho một tổ chức, một cộng đồng quyên góp tiền để làm từ thiện nhưng không gửi đi hết số tiền của tổ chức, cộng đồng đã quyên góp được, giữ lại nhằm trục lợi cho mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 ).

Còn trường hợp cá nhân sửa bill (hóa đơn) chuyển khoản quyên góp, ủng hộ để đưa lên mạng xã hội nhằm "đánh bóng” tên tuổi… không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây dư luận xấu trong xã hội thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự đó bác.

Cho nên, bác cũng quan tâm nhắc bọn trẻ nhà mình: Đừng để mất tự do vì mải lo "phông bạt” bác ạ!

 

 

 


Lam Nguyệt (CTV)

Các tin khác


Tìm thấy niềm vui


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Định cúi xuống, con chim sẻ yếu ớt nơi gốc đại già đang thoi thóp. Ông từ Cần đã đứng trước mặt Định từ bao giờ. Thoáng nhìn vết sẹo trên cánh tay trần của anh rồi nhìn chú chim nhỏ yếu ớt. Chỉ có sự nhẫn nại trước mất mát mới biến hung hóa lành, thức tỉnh chưa bao giờ muộn…

Những bông hoa trên biển xanh

Tản văn của Bùi Huy

Mùa hè tuổi thơ

Một ngày nhận được 2 tin nhắn của hai người bạn. Một người là bạn từ thời ấu thơ: "Hè này, mình cho bọn trẻ về quê một tuần. Cậu về không? Để còn tắm sông và hàn huyên bạn bè?”. Còn người bạn làm cùng cơ quan lại là tin nhắn hồi đáp cho lời mời đi pic-níc ở ngoại ô thành phố: "Không đi được đâu ông ơi. Con bé lớn phải học hè rồi. Sắp tới còn phải thi vào lớp chọn, lớp chất lượng cao. Đợt này phải tăng tốc môn tiếng Anh, Toán, Văn…”, "Thế không cho nó nghỉ hè à?”. Đáp: Có chứ, nhưng từ từ đã...

Lá thư của bác tôi

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Tôi tập mãi mà chưa viết đẹp được như chữ của bác cả. Tôi học kiểu chữ viết ấy từ lá thư của bác. Gọi là thư nhưng nó chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy học trò, phần chính giữa lại bị mối xông, chỉ còn hai bên như cánh chim bồ câu đang chấp chới bay. Chút bút tích ấy là tất cả những gì còn lại một đời người.

Vọng biển

Không phải họ hàng nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp này tôi đều được gia đình anh Hoá mời dự đám giỗ. Vì gia đình anh và bố mẹ tôi có mối thâm tình hàng chục năm nay. Giờ hai gia đình chỉ còn các bà cũng gần 90 tuổi.

Tiếng đàn...

Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục