Đã có biết bao buổi sáng mùa thu mà ta đã đi qua. Chút se se, ẩm ướt mát lành trong không gian. Làn gió tinh khôi từ phía sông thổi tới; tiếng sóng nước rất nhỏ, dường như còn ngái ngủ... Ngọn núi trầm mặc phía xa bỗng được khoác một dây voan trắng rất mỏng. Tiếng chim lích chích ban sáng cũng khẽ khàng, đủ để đánh thức không gian. Lòng người cũng an lành, phấn chấn chào đón ngày mới…

Buổi sáng, trên con đường dẫn về phía hừng đông thấp thoáng gần xa những tốp người đi bộ, đạp xe. Ngay phía sát bờ sông gần đường quốc lộ, có 4 người đang ngồi nghỉ bên vệ đường, 2 chiếc xe máy dựng thẳng hàng, liền bên. Tiếng cháu gái: "Bố mẹ và chú đưa con đến đây là được rồi. Chốc có xe buýt con sẽ tự đi. Giờ về là tránh được nắng đấy”. Tiếng người bố ái ngại: "Bao việc phải lo ngày tựu trường, con làm nổi không? Giấy tờ. Rồi đồ đạc, đi lại… Có biết làm cùng mọi người không?”. Tiếng người mẹ: "Phần cơm trưa của con mẹ đã chuẩn bị, có cả cái đùi gà đấy nhé”. Tiếng con gái cười giòn tan: "Mẹ cứ làm như con còn bé ấy, để đùi gà cho em Tũn. Công em nó chăm đàn gà suốt đó”. Rồi tiếng nó rủ rỉ cùng mẹ: "Mẹ phải để ý cho con chú cún Bông và mèo Mướp nhé. Nhắc em Tũn tắm cho chúng thường xuyên. Không hôi lắm. Đêm qua, 2 "đứa” ấy biết con nay đi nhập học hay sao ấy, cứ cựa quậy suốt dưới gậm giường. Rồi đi ra, đi vào suốt... Thỉnh thoảng lại có những âm thanh ọ ẹ, ư ử thật khó hiểu”.

Tiếng người bố nhẹ như tiếng gió vào không gian: "Con cứ lo mà học đừng tính chuyện làm thêm. Bố mẹ dư sức để nuôi, lo việc học... Mà về dưới đó phải nhanh chóng thích nghi môi trường mới. Vừa làm quen, trải nghiệm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Phải biết chia sẻ cùng thầy cô, bạn bè mới. Tất cả đều phải học, không phải đơn giản như chuyện ở xóm bản ta đâu. Phố xá cũng khác đấy”. "Vâng bố ơi... Điều dặn của bố con đã thu âm vào điện thoại đây rồi. Lúc nào rảnh lại nghe thêm...”. Hình như có tiếng cười khúc khích của cô gái đó, hình như có cả tiếng thút thít kèm tiếng nấc như ngạt mũi: "Mẹ đi lấy măng, lấy củi trên đồi thì gùi, gánh ít thôi nhé. Mẹ đang đau lưng đấy... À mà mẹ đưa tập giấy này cho cu Tũn. Bảo nó mỗi ngày đọc một tờ để tập làm cho đúng việc con giao... Con trai giờ mà vẫn sợ sông, sợ suối là không được. Từ giờ đến cuối năm phải biết bơi, không sợ bóng đêm, không sợ chuột, sợ cóc”.

Nhìn kỹ, cháu gái tóc cặp buông lơi không hề có dấu hiệu cắt, uốn hay nhuộm chút xíu như "mốt” bây giờ... Chiếc áo phông có vẻ mới, họa tiết không cầu kỳ. Nhưng ở cô bé toát lên sự chủ động và sẵn sàng đón nhận những khó khăn, thách thức ở phía trước…Những người đi bộ, đạp xe ngồi giải lao gần đó dường như không phải đứng ngoài cuộc. Ừ, nhiều người cũng thấy có một phần của mình trong đó. Tiếng một bác gái: Hồi tôi đi học chuyên nghiệp nhõn 2 bộ quần áo. Chờ hết gần một ngày mới có xe đến. Lúc lên xe khóc tu tu khiến cả xe cười như được mùa. Mà hồi đó bọn mình đi học được nhà nước nuôi nên nhà chỉ "giắt lưng” cho mấy đồng tiêu vặt. Mỗi lần nhà gọi điện thoại bàn (mà họa hoằn lắm mới có), phải đóng 2 nghìn đồng vào quỹ điện thoại của ký túc xá. Mấy tháng mới có thông tin của nhà. Còn mọi chuyện đều qua thư từ… Giờ chúng nó cũng thuận hơn. Điện thoại "xịn”, in-tơ-nét, "oai-phai” tiện đủ đường…

Tiếng một bác khác, nhẹ nhàng, xa xăm một nỗi niềm riêng: Các ông bà ơi, ngày tôi đi học chuyên nghiệp, bố, dì ruột, các anh chị tíu tít chuẩn bị những món đồ bình dân nhất. Ôi, hồi tem phiếu, mọi người phải đổi, tìm cho đủ. Tôi hồi đó vô lo, cứ vui mừng hớn hở chờ ngày nhập học, cũng chẳng bận tâm về chuyện mấy bộ quần áo cà tàng, lỗi mốt; đôi dép nhựa ngả màu, vá chằng vá đụp. Hồi đó, được đi học chuyên nghiệp là niềm hạnh phúc, không dễ đi, không dễ có… nên thấy thiêng liêng, tự hào lắm. Giờ, đôi khi nghĩ lại thấy ân nghĩa mà người thân dành cho mình ngày một dày thêm. Họ đã dành những thuận lợi nhất cho mình để được học hành, phấn đấu. Thời lãng mạn, bay bổng sao có thể quên… Dù có khó khăn, đói khát cũng không thể ngăn nổi những khát khao, những nỗ lực không ngừng nghỉ… Thời nào cũng vậy thôi, nếu không có những khát vọng, cùng sự ấm áp tình thân làm sao có thể vượt qua những thách thức? Chúc cho cháu gái kia và gia đình nọ gặp nhiều điều tốt lành.


Bùi Huy


Các tin khác


Lá thư của bác tôi

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Tôi tập mãi mà chưa viết đẹp được như chữ của bác cả. Tôi học kiểu chữ viết ấy từ lá thư của bác. Gọi là thư nhưng nó chỉ vỏn vẹn nửa trang giấy học trò, phần chính giữa lại bị mối xông, chỉ còn hai bên như cánh chim bồ câu đang chấp chới bay. Chút bút tích ấy là tất cả những gì còn lại một đời người.

Vọng biển

Không phải họ hàng nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp này tôi đều được gia đình anh Hoá mời dự đám giỗ. Vì gia đình anh và bố mẹ tôi có mối thâm tình hàng chục năm nay. Giờ hai gia đình chỉ còn các bà cũng gần 90 tuổi.

Tiếng đàn...

Ngày bé, mặc dù tôi không thích ca hát nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài Bàn tay mẹ (nhạc: Bình Đình Thảo, thơ: Phạm Hữu Yên) mà cô giáo đã dạy: "Bàn tay mẹ bế chúng con/ Bàn tay mẹ chăm chúng con”. Mẹ tôi bận làm xa nên chẳng mấy khi tôi được cảm nhận sự ấm áp, dịu dàng của bàn tay ấy. Ngược lại, bàn tay bố lại gắn bó tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm vui buồn.

Ở hiền...

Sáng nay, nhận được cuộc gọi từ bộ phận nhân sự công ty cũ, Huyền thật sự băn khoăn chẳng biết vui hay buồn. Cô đã từng làm việc chăm chỉ và dành tất cả yêu thương cho gia đình nhưng rồi nhận về sự cay đắng. Trở lại nơi đã gắn bó ấy để làm gì nhỉ, hay chỉ thêm xấu hổ.

Sau lưng ta một miền ký ức

Con đường bụi đỏ phía trước mặt bao giờ cũng báo cho tôi biết niềm vui khi mẹ đang về. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, tiếng của những phụ tùng vênh váo, han rỉ vang trong không gian làm thức tỉnh chú vàng thính tai. Nó nhìn xuống con đường gồ ghề, sủa lên mấy tiếng, cái đuôi mừng quýnh ngoáy tít rồi quay lại liếm chân tôi, cậu chủ bé nhỏ. Nó cũng như tôi ngóng mẹ về nhưng mẹ chẳng có quà gì cho nó. Nhưng có lẽ thứ mà nó mong lại chính là sự bình an, để biết mình không bị bà chủ bỏ rơi. Sau này lớn lên, tôi nhận ra đó là một bài học lớn.

Thạch Sanh tân truyện: Định biên khống

Mặc dù chẳng có bằng cấp gì nhưng nhờ có "vía” của phụ vương nên chàng tiều phu được đặc cách làm hiệu trưởng một trường TH&THCS bán trú ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục